I. THÔNG BÁO
1. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công – Lan Thương lần thứ 3 (14-16/12/2017)
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mê Công – Lan Thương (MLC) lần thứ ba tổ chức từ ngày 14 – 16/12/2017 tại Đại Lý, Vân Nam, Trung Quốc.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mê Công – Lan Thương lần thứ ba dự kiến sẽ tập trung vào các nội dung chính: (i) đánh giá tình hình triển khai các kết quả Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Công - Lan Thương lần thứ nhất và Hội nghị Bộ trưởng Mê Công - Lan Thương lần thứ hai; (ii) trao đổi về các định hướng hợp tác trong thời gian tới.
2. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức Hàn Quốc (18 - 21/12/2017)
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kiêng Hoa (Kang Kyung-wha), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm chính thức Hàn Quốc từ 18-21/12/2017.
Dự kiến trong thời gian diễn ra chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kiêng Hoa, hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc Mun Che In, Thủ tướng Hàn Quốc Li Nác Yên (Lee Nak Yeon) và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Châng Sê Kyun (Chung Sye Kyun) và một số hoạt động khác. Chuyến thăm nhằm tiếp tục duy trì đà phát triển tốt đẹp của quan hệ song phương giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và lao động… giữa hai bên. Chuyến thăm cũng diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
3. Họp báo giới thiệu Festival Huế 2018 (19/12/2017)
Festival Huế 2018 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 27/4 - 2/5/2018 với chủ đề: “Di sản văn hóa hội nhập và phát triển; 1 điểm đến 5 di sản”. Năm 2018 cũng sẽ là lần thứ 10 Festival Huế được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế. Đây là sự kiện văn hóa lớn được tổ chức nhằm tôn vinh các di sản văn hóa Huế. Festival Huế 2018 diễn ra trùng thời điểm của nhiều sự kiện quan trọng như: Kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân, 25 năm quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa thế giới, 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại.
UBND Thừa Thiên Huế cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức buổi Họp báo quốc tế giới thiệu Festival Huế 2018 vào 14h30, Thứ Ba, 19/12/2017, tại Nhà khách Chính phủ, 12 Ngô Quyền, Hà Nội.
Các phóng viên tham dự Họp báo, đề nghị đăng ký với Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Xin cho biết thêm thông tin về việc một số công nhân Việt bị thương vong do nổ xưởng ở Đài Loan vào sáng nay?
Theo thông tin từ Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, rạng sáng ngày 14/12/2017 đã xảy ra vụ cháy tại khu nhà ở dành cho lao động và nhà kho của nhà máy sản xuất giấy cách nhiệt ô tô tại thành phố Đào Viên, Đài Loan.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã cử cán bộ đến khu vực xảy ra hỏa hoạn, khẩn trương tìm hiểu thông tin và sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Thông tin sơ bộ từ các cơ quan chức năng của Đài Loan cho biết đến trưa ngày 14/12, 5 lao động Việt Nam bị thương và được đưa vào bệnh viện điều trị, tới nay 2 người được ra viện. 6 lao động khác hiện chưa được tìm thấy. Các cơ quan chức năng cho biết đã phát hiện 6 thi thể trong đám cháy và hiện đang tiến hành xác minh danh tính.
Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc vẫn tiếp tục cử cán bộ ở hiện trường, theo dõi và phối hợp các cơ quan chức năng của Đài Loan trong quá trình triển khai các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ và cập nhật thông tin về các lao động Việt Nam tại đây.
2. Ngày 8/12, truyền thông Philippines đưa tin cảnh sát nước này đã tìm được một thi thể của một nạn nhân nghi là thuyền trưởng Phạm Minh Tuấn của tàu MV Royal 16 bị nhóm Abu Sayyaf bắt cóc tháng 11/2016. Xin Người phát ngôn xác minh thông tin này và nếu thi thể được tìm thấy là của Phạm Minh Tuấn, xin cho biết thông tin cập nhật về công tác đưa thi thể nạn nhân về Việt Nam.
Như đã thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Phi-líp-pin đã đề nghị các cơ quan chức năng Phi-líp-pin khai quật tử thi được cho là của anh Phạm Minh Tuấn. Ngày 8/12/2017, các cơ quan chức năng của Phi-líp-pin đã khai quật thi hài tại Jolo, khu vực Sulu, Phi-líp-pin. Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam và Phi-líp-pin đang tiến hành xác định ADN.
Sau khi có kết quả ADN nếu khẳng định đó là thi hài của thuyền trưởng Phạm Minh Tuấn, các cơ quan Việt Nam sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan để đưa thi hài về nước.
3. Đề nghị xác minh thông tin cho rằng nhóm thủy thủ bị Tòa án Rinai, In-đô-nê-xi-a xét xử đã tuyệt thực.
Tòa án Ranai, tỉnh Ri-au, In-đô-nê-xi-a ngày 12/12/2017 đã tuyên phạt 02 thuyền trưởng Cao Văn Hoàng và Hứa Minh Trung 500 triệu ru-pi hoặc 05 tháng tù giam. Hiện nay bản án đã được kháng án lên tòa án cấp trên chờ xét xử.
Kể từ khi 5 tàu cá bị bắt giữ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a đã triển khai nhiều biện pháp để bảo hộ công dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các ngư dân. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã nhiều lần làm việc với Đại sứ quán In-đô-nê-xi-a tại Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a đã nhiều lần tiếp xúc, trao đổi với các cơ quan chức năng của In-đô-nê-xi-a đề nghị xét xử công bằng đối với các ngư dân Việt Nam theo đúng luật pháp quốc tế, trả tự do cho các ngư dân Việt Nam và các phương tiện đánh bắt nếu không đủ bằng chứng kết án. Đại sứ quán Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a cũng đã thăm hỏi, động viên các ngư dân, luôn theo sát diễn biến vụ việc, quá trình xét xử và sẵn sàng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngư dân.
4. Liên quan tới việc các ngư dân bị xét xử tại Indonesia, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia có cử đại diện tham dự các phiên tòa sắp tới không?
Theo tôi được biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã cử cán bộ tới dự tại hai phiên tòa trước. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Đại sứ quán sẽ cử cán bộ tham dự các phiên tòa tiếp theo nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân ta, yêu cầu phía Indonesia xét xử công bằng và đúng luật pháp quốc tế.
5. Trong năm 2017, rất nhiều ngư dân Việt Nam bị bắt ở nước ngoài. Xin cho biết bình luận và biện pháp ngăn chặn việc này?
Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các nước để triển khai các biện pháp phòng, chống việc đánh bắt cá trái phép. Hiện nay, Việt Nam đã có cơ chế phối hợp với một số nước trong khu vực./.