Họp báo thường kỳ lần thứ 7 năm 2018

Ngày 31/5/2018, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:

I. THÔNG BÁO

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada

Nhận lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada từ ngày 8-10/6/2018.

Đây là lần thứ hai Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng với tư cách khách mời. Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này thể hiện vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế thông qua những đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các quan tâm chung của toàn cầu.

Chuyến thăm Canada của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canada (1973 – 2018) sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Canada được thiết lập tháng 11/2017 ngày càng thực chất, hiệu quả qua việc tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo hợp tác phát triển, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo…, cũng như về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, có các cuộc gặp, tiếp xúc song phương với Lãnh đạo cấp cao các nước tham dự Hội nghị; hội đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, tiếp Thủ hiến bang Quebec, gặp gỡ doanh nghiệp, gặp cộng đồng người Việt Nam tại Canada…

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Mới đây cảnh sát Singapore đã bắt giữ 04 công dân Việt Nam do nghi các công dân này thực hiện hành vi ăn trộm tại trung tâm thương mại ở nước này. Xin Người phát ngôn cung cấp thông tin chính thức về vụ việc?

Theo thông tin từ phía Singapore, ngày 28/5/2018, lực lượng chức năng Singapore đã bắt giữ 4 công dân Việt Nam do có hoạt động trộm cắp tại các trung tâm thương mại tại Singapore. Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đang liên hệ với các cơ quan chức năng của Singapore để xác minh thông tin về vụ việc và sẽ có các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

2. Philippines gần đây tiến hành xây dựng đường bay trên đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đề nghị Người phát ngôn cho biết quan điểm của Việt Nam về việc này?

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động được tiến hành tại hai quần đảo này mà không được Việt Nam cho phép là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, bất hợp pháp và vô giá trị.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong khi tìm kiếm một giải pháp cho tranh chấp, Việt Nam đề nghị các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình hay mở rộng tranh chấp, trái với Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và Việt Nam nhấn mạnh những quan ngại sâu sắc được nêu tại các văn kiện của ASEAN về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông.

3. Mới đây Hoa Kỳ và Triều Tiên có nhiều thay đổi liên quan đến cuộc họp Thương đỉnh Mỹ - Triều. Đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về các diễn biến mới này?

Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ việc các bên liên quan tiếp tục phát huy các kết quả tích cực đã đạt được thời gian qua, tăng cường hợp tác xây dựng một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, đặt nền móng bền vững cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Bán đảo Triều Tiên, trong khu vực và trên thế giới.

4.  Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc thời gian gần đây tiến hành diễn tập bắn đạn thật ở Hoàng Sa?

Trong những ngày từ 9-12/5/2018, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; vi phạm tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không để tái diễn các hoạt động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như luật pháp quốc tế, không có hoạt động gây gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực.

5. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố áp thuế chống bán phá giá và chống trợ giá đối với các sản phẩm thép được nhập từ Việt Nam nhưng sử dụng vật liệu từ Trung Quốc?

Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ để cung cấp đầy đủ thông tin, làm rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, quy trình sản xuất thép tại Việt Nam. 

Việt Nam cho rằng các vấn đề thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cần được xem xét một cách khách quan, công bằng phù hợp với những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thông lệ của quốc tế, tránh làm ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Hiện nay, Hoa Kỳ đã thông báo cho phép miễn trừ áp dụng biện pháp nếu doanh nghiệp Việt Nam thỏa mãn các yêu cầu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện được hưởng miễn trừ theo quy định.

6.  Xin cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin hai tàu chiến của Hoa Kỳ vừa qua đi vào vùng biển bên trong 12 hải lý quanh một số thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam?

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; đồng thời, đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông.

7. Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Đài Loan bắn đạn thật tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa?

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của Đài Loan tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật từ ngày 23 – 25/5/2018 ở Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Việt Nam kiêm quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự.

8. Bình luận về việc Nhóm các nước Châu Á – Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc ngày 25/5 đã nhất trí đề cử Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021?

Ngày 25/5 vừa qua, tại cuộc họp của Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc, các nước đã nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dành cho Nhóm nhiệm kỳ 2020-2021 tại cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6/2019. Việc Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu quan trọng, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình vận động các nước thành viên Liên hợp quốc ở các khu vực khác trong thời gian tới.

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của Liên hợp quốc như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế-Xã hội 2016-2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO 2015-2019... Đặc biệt Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008 - 2009, tham gia chủ động, xây dựng và có trách nhiệm, đưa ra nhiều sáng kiến đóng góp vào hoạt động của Hội đồng Bảo an, góp phần vào việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, ổn định, hợp tác và phát triển trên khu vực và thế giới. Việc hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 cũng đã thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam./.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn