Họp báo thường kỳ lần thứ 8 năm 2018
Ngày 14/6/2018, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:
I. THÔNG BÁO
1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 8 và Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 9.
Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Pra-dút Chan-ô-cha và Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mê Công lần thứ 8 (ACMECS 8) và Hội nghị Cấp cao Hợp tác Cam-pu-chia – Lào – Mi-an-ma – Việt Nam lần thứ 9 (CLMV 9) từ ngày 15 - 16/6/2018 tại Băng Cốc, Thái Lan.
Hội nghị ACMECS 8 và CLMV 9 diễn ra trong bối cảnh hợp tác tiểu vùng Mê Công đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới, do đó đòi hỏi sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các nước. Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự các Hội nghị thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với hợp tác ACMECS và CLMV, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong hợp tác ACMECS và CLMV. Hội nghị cũng là cơ hội để các nước thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực như kết nối cơ sở hạ tầng, hợp tác nguồn nước, thương mại, đầu tư, du lịch, công nghệ thông tin và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Nhân dịp tham dự Hội nghị, bên cạnh việc tham gia thảo luận tại các Hội nghị AMECS 8 và CLMV 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ tiếp xúc song phương với Lãnh đạo các nước và đối thoại với một số doanh nghiệp.
2. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm chính thức CHDCND Lào
Nhận lời mời của Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào Phăn-khăm Vị-pha-văn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ thăm chính thức CHDCND Lào từ ngày 19-22/6/2018. Đây là chuyến thăm Lào đầu tiên của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trên cương vị Phó Chủ tịch nước.
Chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tới Lào thể hiện sự coi trọng và góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào. Trong chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương giữa hai nước, nhất là trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; tăng cường kết nối giao thông và năng lượng; hợp tác giáo dục – đào tạo, văn hóa, thông tin, thể thao, bưu chính viễn thông; trao đổi một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Dự kiến trong thời gian diễn ra chuyến thăm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ có cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch nước Lào Phăn-khăm Vị-pha-văn, chào xã giao các Lãnh đạo cấp cao của Lào; thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa giáo dục, tiếp Lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt-Lào, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Lào và một số hoạt động khác…
3. Hội nghị ASEM về biến đổi khí hậu tại Cần Thơ 19-20/6.
Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững – định hướng tương lai” từ ngày 18-20/6/2018 tại thành phố Cần Thơ.
Hội nghị là sáng kiến do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề xuất, được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 13 tháng 11/2017 và nhiều nước ủng hộ, tham gia đồng bảo trợ, gồm Úc, Bỉ, Đan Mạch, Mi-an-ma, Phần Lan, Hà Lan và I-ta-li-a.
Là sáng kiến đầu tiên của ASEM trong thập niên thứ 3 về hành động ứng phó biến đổi khí hậu, gắn với phát triển bền vững, Hội nghị sẽ góp phần đề xuất tầm nhìn của ASEM trong thập niên mới về ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu vì phát triển bền vững, góp phần triển khai Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Đối với Việt Nam, đây là một trong những hội nghị liên khu vực quan trọng nhất về biến đổi khí hậu và là hội nghị duy nhất của ASEM Việt Nam đăng cai trong năm 2018. Hội nghị không chỉ thể hiện đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực của ASEM và toàn cầu, mà cũng tạo điều kiện để các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tranh thủ ủng hộ, hợp tác và hỗ trợ của các đối tác Á – Âu triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các phóng viên quan tâm, có nhu cầu đưa tin tại Hội nghị đăng ký với Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao.
4. Bộ trưởng Ngoại giao và châu Âu Lúc-xăm-bua Giăng Át-xen-bon thăm chính thức Việt Nam
Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao và Châu Âu Lúc-xăm-bua Giăng Át-xen-bon thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14-15/6/2018. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Lúc-xăm-bua kể từ năm 2008 và là chuyến thăm Việt Nam thứ hai của ông Giăng Át-xen-bon.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao và Châu Âu Lúc-xăm-bua nhằm thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Lúc-xăm-bua, cũng như quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). Hai bên sẽ trao đổi các biện pháp để đẩy mạnh khai thác các thế mạnh và tiềm năng hợp tác Việt Nam - Lúc-xăm-bua; trao đổi một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao và châu Âu Lúc-xăm-bua Giăng Át-xen-bon có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và chào xã giao Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Câu hỏi: Đầu tháng này có thông tin Mỹ mời Việt Nam tham dự tập trận hải quân RIMPAC. Cách đây vài giờ, facebook của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chúc mừng Việt Nam lần đầu tiên tham dự cuộc tập trận này. Đề nghị xác minh thông tin?
Bộ Quốc phòng sẽ có thông tin chính thức về vấn đề này.
2. Câu hỏi: Gần đây ở địa phương có biểu tình về dự thảo Luật đặc khu trong đó có nội dung phản đối người Trung Quốc thuê đất 99 năm. Xin cho biết có doanh nghiệp và người Trung Quốc nào bị ảnh hưởng, thương vong do cuộc biểu tình này?
Chúng tôi không có thông tin nào về việc công dân Trung Quốc bị thương vong. Hiện nay các hoạt động kinh doanh và đầu tư vẫn diễn ra bình thường.
3. Câu hỏi: Về tình hình Bình Thuận đã ổn định chưa? Bạo loạn và bắt giữ có tiếp tục không?
Các lực lượng chức năng đã và đang triển khai các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, đảm bảo an toàn cho người dân.
4. Câu hỏi: Đề nghị cho biết mục tiêu của xây dựng Luật đặc khu là gì?
Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện các chính sách, pháp luật và triển khai toàn diện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm ngày càng tốt những quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018. Dự thảo Luật được xây dựng nhằm mục đích tạo ra những đột phá, động lực phát triển mới cho nền kinh tế, phát huy lợi thế của địa phương.
5. Câu hỏi: Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật An ninh mạng và nhiều ý kiến cho rằng Luật ảnh hưởng một số quyền của người dân? Đề nghị cho biết phản ứng?
Luật An ninh mạng được thông qua ngày 12/6/2018 với số phiếu cao sau nhiều vòng thảo luận, tiếp thu ý kiến rộng rãi, minh bạch của các đại biểu Quốc hội và người dân. Luật An ninh mạng phù hợp với Hiến pháp và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
An ninh mạng là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Trong những năm gần đây, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, khu vực. Các cuộc tấn công nhằm vào môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, có tính chất xuyên biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định kinh tế - chính trị của các nước. Trong khi đó, những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng. Do đó việc xây dựng Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
6. Câu hỏi: Xin cho biết thông tin cập nhật về công tác hỗ trợ gia đình các nạn nhân làm thủ tục đưa thi hành về nước và tiến trình điều tra các nghi phạm trong vụ sát hai 2 người Việt tại Las Vegas?
Liên quan đến vụ án hai khách du lịch Việt Nam là công dân Nghĩa Bội Sang và Nguyễn Lê Bá Khương bị sát hại tại khách sạn Circus Circus, thành phố Las Vegas ngày 02/6/2018, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: Sở Cảnh sát Las Vegas đã bắt giữ nghi phạm Julius Trotter; nghi phạm hiện đang bị tạm giam để tiến hành điều tra.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, Hoa Kỳ đã phối hợp với Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan hỗ trợ gia đình các nạn nhân tại Việt Nam làm thủ tục sang Hoa Kỳ, cấp các giấy tờ cần thiết và phối hợp với công ty dịch vụ mai táng được gia đình nạn nhân ủy quyền để hoàn tất các thủ tục hậu sự chuyển tro cốt và thi hài nạn nhân về nước.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco tiếp tục hỗ trợ gia đình giải quyết hậu sự; đồng thời phối hợp chặt chẽ, yêu cầu cơ quan chức năng của Hoa Kỳ khẩn trương điều tra và có kết luận về vụ việc trên, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.
7. Câu hỏi: Xin cho biết bình luận của Việt Nam về chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Canada và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng?
Nhận lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada từ ngày 8-10/6/2018.
Việt Nam là 1 trong 2 nước châu Á được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và cũng là lần thứ hai Việt Nam tham dự với tư cách khách mời. Điều này thể hiện vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được coi trọng, nâng cao trên trường quốc tế.
Tại Hội nghị, các đóng góp của Việt Nam, đặc biệt là các sáng kiến mà Thủ tướng Chính phủ đề xuất về thúc đẩy hợp tác quốc tế chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế trên các vùng biển được lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế hoan nghênh và đánh giá tích cực. Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã có 14 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế dể trao đổi, thúc đẩy quan hệ và hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu.
Cùng với việc tham dự Hội nghị, chuyến thăm Canada của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo xung lực thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Canada đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Hai bên đã nhất trí về các biện pháp thúc đẩy hợp tác chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, an ninh – quốc phòng, hợp tác phát triển, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân cũng như tăng cường hợp tác trên một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
8. Câu hỏi: Xin cho biết thông tin cập nhật về vụ việc hai lao động Việt Nam bị ngược đãi tại Hàn Quốc?
Liên quan đến thông tin 02 lao động Việt Nam (Lê Hồng Sơn và Nguyễn Chí Thắng) làm việc trên tàu 2010 Naekho tại thành phố Seogwipo, tỉnh Jeju, Hàn Quốc bị ngược đãi, Đại sứ quán Việt Nam cho biết Cảnh sát thành phố Seogwipo thông báo đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. Hiện nay, 02 lao động đang lưu trú tại Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài của tỉnh Jeju.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc theo dõi sát vụ việc, thăm lãnh sự 02 lao động và làm việc với các cơ quan chức năng Hàn Quốc đề nghị xác minh các thông tin liên quan, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Ngày 8/6, đại diện của Đại sứ quán đã đến thăm hai lao động tại đảo Jeju; hiện hai lao động đều trong tình trạng sức khỏe ổn định./.
Back Top page Print Email |