Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Họp báo thường kỳ lần thứ 3 năm 2019


Ngày 28/3/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:

I. THÔNG BÁO

1. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Đại hội đồng IPU-140, thăm chính thức Pháp, Ma-rốc và Nghị viện châu Âu (17/03-08/04)

 Nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Ma-rốc Habib El Malki, Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Ferrand, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Gabrela Cuevas Baron và Chủ tịch Nghị viện Qatar Ahmad Bin Abdullah Al Mahmoud, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Ma-rốc, thăm Chính thức Cộng hòa Pháp và thăm, làm việc với Nghị viện châu Âu tại Brussel, Bỉ, tham dự Đại hội đồng lần thứ 140 Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) cùng các hội nghị liên quan tại Doha, Qatar từ ngày 27/03 – 08/04/2019.

Chuyến thăm là nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam; góp phần củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Ma-rốc, và thúc đẩy quan hệ Việt Nam với Nghị viện châu Âu.
 Trong khuôn khổ chuyến đi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tham gia các phiên họp của Hội nghị IPU, có bài phát biểu tại phiên thảo luận chung; tiếp xúc song phương với Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU, một số lãnh đạo Nghị viện khác bên lề Hội nghị IPU; hội đàm và hội kiến với lãnh đạo Nghị viện châu Âu, lãnh đạo các nước Ma-rốc, Pháp, Bỉ và Qatar.

Thông tin thêm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăm Morocco từ ngày 28/03 – 30/03, thăm Pháp (30/03 – 03/04), thăm, làm việc với Nghị viện châu Âu (03/04 – 06/04) và dự Đại hội đồng IPU (06/04 – 08/04).

2. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đi Hoa Kỳ dự Đối thoại ASEAN – Hoa Kỳ (27-28/03)
 
Từ ngày 27 – 28/03/2019, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại thường niên lần thứ 32 giữa các quan chức cao cấp ASEAN và Hoa Kỳ tại Washington DC.

Tại cuộc đối thoại, hai bên tập trung rà soát và định hướng quan hệ hợp tác ASEAN-Mỹ về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội; trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế và công tác chuẩn bị Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Hoa Kỳ tại Thái Lan năm 2019.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Xin người phát ngôn cho biết khả năng Đoàn Thị Hương được  trả tự do sau phiên tòa, dự kiến tổ chức vào ngày 1/4/2019; Bộ Ngoại giao sẽ tiến hành bảo hộ công dân như thế nào ?

Như các bạn đã biết, Cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ công dân đối với công dân Đoàn Thị Hương. Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo hộ ngoại giao, lãnh sự và pháp lý ở mức cao nhất để đảm bảo công dân Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và được trả tự do.
 
2.  Xin cho biết lập trường của Việt Nam về việc  Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trong khu vực quần đảo Hoàng Sa từ ngày 22-24/3/2019 và việc Trung Quốc công bố kế hoach xây dựng 3 đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng (thuộc Hoàng Sa) trở thành thành phố và căn cứ dịch vụ hậu cần chiến lược ?

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.

Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 22 – 24/3/2019 và có kế hoạch xây dựng các đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam  trở thành thành phố và căn cứ dịch vụ hậu cần chiến lược quan trọng của Trung Quốc, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa VN và TQ; vi phạm tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa TQ và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu phía TQ chấm dứt và không để tái diễn các hoạt động tương tự, tôn trọng chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng nhận thức chung của LĐCC hai nước cũng như luật pháp quốc tế, không có hoạt động gây gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp và trao công hàm phản đối Trung Quốc về những sự việc này.

3. Quan điểm của Việt Nam về việc Tổng Thống Hoa kỳ Donal Trump ký sắc lệnh công nhận cao nguyên Golan là của Israel ?

Việt Nam chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế trước những diễn biến gần đây liên quan tới hiện trạng của cao nguyên Golan. Chúng tôi kêu gọi các bên hành động phù hợp với các Nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại vì một nền hòa bình bền vững ở Trung Đông và trên thế giới.

4. Tòa án liên bang tại San Francisco kết luận thuốc diệt cỏ Roundup do Công ty Monsanto sản xuất  là “yếu tố quan trọng” gây ung thư, đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về vấn đề này 
 
Đây là một chứng cứ nữa cho thấy thuốc diệt cỏ có tác hại trực tiếp lên cơ thể con người. Là một quốc gia đã phải chịu hậu quả năng nề từ chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin, Việt Nam yêu cầu các công ty cung cấp thuốc diệt cỏ cho quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh phải có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin gây ra cho con người và môi trường tại Việt Nam.

Việt Nam hoan nghênh Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Đây là việc làm được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân hai nước. Chúng tôi mong muốn những nỗ lực này sẽ được tiếp tục trong thời gian tới, với sự tham gia của các công ty trong đó có Monsanto. 

 5. Đề nghị cho biết thông tin về sức khỏe hiện nay của Đoàn Thị Hương?

Bộ Ngoại giao Việt Nam và các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại Giao thường xuyên giữ liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. Chúng tôi được biết Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã ba lần thăm lãnh sự đối với công dân Đoàn Thị Hương kể từ ngày 11/03/2019 để động viên, thăm hỏi sức khỏe và giúp Hương ổn định tâm lý cho phiên tòa sắp tới; Đại sứ quán cũng đang thu xếp lần thăm lãnh sự tiếp theo trước khi phiên tòa diễn ra vào ngày 01/04/2019.

6. Đề nghị cho biết quan chức cấp cao nào của Việt Nam sẽ tham dự phiên tòa xét xử Đoàn Thị Hương vào ngày 1/4/2019?

Như tôi đã nói, trong hơn 20 phiên tòa xét xử công dân Đoàn Thị Hương đều có sự tham gia của đại diện Đại Sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia. Việt Nam sẽ tiếp tục các biện pháp bảo hộ công dân, lãnh sự, pháp lý, ngoại giao  ở mức cao nhất để đảm bảo Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và được trả tự do./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer