Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Họp báo thường kỳ lần thứ 10 năm 2019


1. Thủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashiyan thăm chính thức Việt Nam (04-07/7/2019)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashiyan sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 04-07/7/2019.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashiyan nhằm tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Armenia; trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng như thương mại, đầu tư, giáo dục – đào tạo, văn hóa, du lịch; trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Dự kiến trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Cộng hòa Armenia Nikol Pashiyan sẽ hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến lãnh đạo cấp cao Việt Nam và có một số hoạt động khác.

2. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Trung Quốc (08-12/7/2019)

Nhận lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư,  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ ngày 08-12/7/2019.

Chuyến thăm nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, giáo dục, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ hội đàm với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lật Chiến Thư, hội kiến với Lãnh đạo Cấp cao Trung Quốc, tham dự hoạt động “Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc”, thăm tỉnh Giang Tô và có một số hoạt động khác.

3. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu và tiến hành một số hoạt động song phương tại Thụy Sĩ (03-07/7/2019)

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu Irene Natividad, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần thứ 29 và tiến hành một số hoạt động song phương tại Thụy Sỹ từ ngày 03-07/7/2019.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần thứ 29 thể hiện quan tâm của Việt Nam đối với vấn đề bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ, là dịp để chia sẻ những nỗ lực, thành tựu và sáng kiến của Việt Nam trong đảm bảo bình đẳng giới, nâng cao quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ nhất là trong lĩnh vực kinh tế; tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực này; thúc đẩy quan hệ, tăng cường kết nối giữa các nữ doanh nhân Việt Nam với các nữ doanh nhân quốc tế.

Cùng với việc tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu, trong thời gian ở Thụy Sỹ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ có các cuộc tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao Thụy Sỹ và có một số hoạt động khác.

4. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm Cuba (07 – 11/07/2019)

 Nhận lời mời của Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Salvador Valdes Mesa, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ thăm chính thức Cuba từ ngày 07 – 11/07/2019.

Quan hệ truyền thống đặc biệt Việt Nam – Cuba trong thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực về mọi mặt. Các hoạt động trao đổi đoàn các cấp được duy trì thường xuyên, đặc biệt là chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (03/2018) và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz Canel (11/2018).

Chuyến thăm nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cuba. Trong thời gian thăm Cuba, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ hội đàm với Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Salvador Valdes Mesa và chào Lãnh đạo Cấp cao Cuba và có một số hoạt động khác.

5. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm làm việc Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a (06-13/7/2019)

Nhận lời mời của Chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sẽ thăm làm việc UAE và Tan-da-ni-a từ ngày 06-13/7/2019.

 Chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tới UAE và Tan-da-ni-a nhằm khẳng định sự coi trọng và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam – UAE, Việt Nam - Tan-da-ni-a, trao đổi các vấn đề liên quan đến thương mại, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với các nước; trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

 Trong thời gian thăm UAE (từ ngày 06-09/7), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự kiến sẽ hội đàm với Phó Thủ tướng UAE; chào Lãnh đạo Cấp cao UAE; làm việc với lãnh đạo một số Bộ, ngành, doanh nghiệp UAE và tham gia một số hoạt động khác.

Trong thời gian thăm Tan-da-ni-a (từ 10-13/7), dự kiến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a; chào Lãnh đạo Cấp cao Cộng hòa Thống nhất Tan-da-ni-a; làm việc với một số Bộ, ngành Tan-da-ni-a và có một số hoạt động khác.

6. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines thăm chính thức Việt Nam (08 – 09/07/2019)

 Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Lopez Locsin sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 08-09/7/2019.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Lopez Locsin nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Philippines; trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ song phương giữa hai Bộ Ngoại giao cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Lopez Locsin sẽ hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các hoạt động khác.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Mỹ áp mức thuế cao đối với thép xuất khẩu từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc, xuât xứ từ Đài Loan và Hàn quốc?

Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã cảnh báo, khuyến nghị đến các doanh nghiệp trong nước về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu trong đó có Hoa Kỳ có thể thay đổi quy định, đề ra các yêu câu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác.

Các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Hoa Kỳ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật và các Hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời ngăn chặn các hành vi lẫn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ.

2. Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin về việc Trung Quốc diễn tập và thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông?

Việt Nam quan tâm và theo dõi sát sự việc này. Việt Nam đề nghị mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực.

3.  Đề nghị cho biết thông tin về sự hỗ trợ quốc tế đối với việc tìm kiếm cứu nạn tàu cá NA 95899 TS?

Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, vào lúc 13 giờ 05 ngày 28/6/2019, tại khu vực cách Nam đảo Bạch Long Vỹ khoảng 34 hải lý, tàu cá NA 95899 TS cùng 19 ngư dân gặp nạn.

Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 29/6/2019, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đề nghị cơ quan chức năng Trung Quốc hỗ trợ khẩn cấp, phối hợp với lực lượng tìm kiếm cứu nạn Việt Nam tổ chức tìm kiếm các ngư dân còn mất tích. Trên cơ sở đề nghị của phía Việt Nam, phía Trung Quốc đã điều 08 tàu và 02 máy bay trực thăng đến khu vực trên để phối hợp tìm kiếm cứu nạn.

Đến nay, đã cứu được 09 ngư dân, tìm được 01 thi thể nạn nhân, 09 ngư dân khác vẫn mất tích.

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để nhanh chóng tìm kiếm các ngư dân còn mất tích.

4. Xin cho biết đánh giá của Việt Nam về Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ?

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, không ngừng hoàn thiện trong hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.

Đó là: 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số; gần 53 ngàn chức sắc, 134 ngàn chức việc, 28 ngàn cơ sở thờ tự. Việt Nam có đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú với hơn 8000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm, đồng thời đăng cai tổ chức nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế lớn như Kỷ niệm 500 năm Cải chánh Tin Lành (2017) và lần thứ 3 tổ chức Đại Lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak (2019).

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ghi nhận những thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong công tác bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng. Trong thời gian qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã duy trì trao đổi thường xuyên nhằm thông tin cho nhau và tăng cường hiểu biết về các vấn đề quan tâm. Tuy nhiên báo cáo vẫn còn một số đánh giá không khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng hợp tác và đối thoại với Hoa Kỳ trong vấn đề này để thu hẹp khác biệt, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

5. Đề nghị cho biết bình luận của Việt nam về việc lực lượng Houthi thời gian qua thực hiện các cuộc tấn công vào Ả rập xê út?

 Việt Nam phản đối các hành động phá hoại sự an toàn và ổn định tại Trung Đông và kêu gọi các bên liên quan nỗ lực giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhằm sớm chấm dứt bạo lực, khôi phục hòa bình và ổn định tại khu vực.

6. Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) hôm 21/6 bắt hai tàu cá Việt Nam cùng các thuyền trưởng và 19 thuyền viên ở vùng biển cách thành phố Kuching, bang Sarawak, khoảng 40 hải lý về phía bắc. Đề nghị Người Phát ngôn thông tin thêm về vụ bắt giữ này?

Theo thông tin xác minh của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, ngày 21/6/2019 cơ quan chức năng Malaysia đã bắt giữ hai tàu cá và 21 ngư dân thuộc tỉnh Kiên Giang. Dự kiến cơ quan chức năng Malaysia sẽ đưa vụ việc ra xét xử với phiên tòa đầu tiên vào ngày 05/7/2019.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và sở tại để giải quyết vụ việc, chủ động thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

7. Ngày 18/5, Bộ Nội vụ Malaysia thông báo 25 tàu cá Việt Nam bị bắt giữ với 123 ngư dân. Xin Người phát ngôn cập nhật thêm thông tin về số phận của 123 ngư dân nói trên?

Liên quan đến các vụ việc Malaysia bắt giữ nhiều tàu cá và ngư dân Việt Nam, theo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Cơ quan thực thi pháp luật trên biển Malaysia (MMEA) cho biết: Trong 2 tuần đầu tháng 5/2019 tại các bang Terengganu, Kelantan và Pahang, phía Malaysia đã bắt tổng cộng 25 tàu cá nước ngoài, trong đó có 20 tàu cá Việt Nam. Con số phóng viên nêu trên có thể chưa chính xác.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tiếp tục giữ liên lạc với cơ quan sở tại để nắm tình hình, đề nghị Malaysia sớm cung cấp danh sách ngư dân đang bị bắt giữ, đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân trong trường hợp cần thiết; phối hợp với địa phương trong nước hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đưa ngư dân về nước sau khi có lệnh trục xuất từ phía Malaysia.

8. Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã trao đổi nội dung gì liên quan đến thương mại?

Trong hai ngày dự Hội nghị G20 tại Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc bên lề với Lãnh đạo các nước tham gia hội nghị, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Như tin đã đưa, tại cuộc trao đổi song phương giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngày 28/06/2019, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi cởi mở và xây dựng về những trọng tâm hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực thương mại và năng lượng.

Tổng thống Donald Trump hoan nghênh và khẳng định ủng hộ hợp tác chiến lược về năng lượng và đề nghị hai nước xây dựng quan hệ thương mại cân bằng, cùng có lợi, hoan nghênh quyết tâm và hành động quyết liệt chống gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại của Việt Nam.

Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định tình cảm tốt đẹp với nhân dân Việt Nam và luôn ủng hộ phát triển mạnh mẽ quan hệ song phương./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer