Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Saturday, ngày 11 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Họp báo thường kỳ lần thứ 14 năm 2019


Ngày 12/9/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:

I. THÔNG BÁO

1. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn thăm chính thức và thực hiện tham khảo chính trị với Mexico và Cuba (17-21/9/2019)


Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ thăm chính thức và thực hiện phiên V tham khảo chính trị với Mexico tại thành phố Mexico City, Mexico từ ngày 17-18/9 và phiên V tham khảo chính trị với Cuba tại Havana, Cuba từ ngày 19-21/9. Đoàn cũng sẽ làm việc với lãnh đạo một số Bộ ngành của hai nước.

2. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng dự Hội nghị Tham vấn chung ASEAN, các Hội nghị các Quan chức cấp cao và các cuộc họp liên quan tại Thái Lan (16-19/9/2019)

Từ ngày 16-19/9/2019, tại Băng cốc, Thái Lan, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN Việt Nam sẽ dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Tham vấn chung ASEAN (JCM), các Hội nghị SOM ASEAN trù bị cho Cấp cao ASEAN 35 và các Hội nghị liên quan sắp tới. Đây cũng là dịp để kết hợp thúc đẩy tham vấn trong ASEAN và với các Đối tác về nội dung chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 mà Việt Nam sắp đảm nhiệm.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1.  Đề nghị Người Phát ngôn bình luận về việc Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ra báo cáo nói Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia kiểm duyệt báo chí nhiều nhất?


Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, dựa trên những thông tin không chính xác, thiếu khách quan về tình hình Việt Nam trong báo cáo nói trên. Tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản Luật liên quan.

Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận trên báo chí, không gian mạng và các hình thức khác, trong đó bảo vệ người dân trước tin tức giả, tin tức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, tin tức bịa đặt, sai sự thật, kích động hận thù…

2.  Đề nghị Người Phát ngôn cập nhật thông tin và biện pháp đấu tranh của Việt Nam về hoạt động của tàu Hải Dương 08 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

"Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động vi phạm của Nhóm tàu Hải Dương 8 đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hoà bình và an ninh, ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ Nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Về phát ngôn gần đây của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển của mình, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tiễn xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật gia có uy tín quốc tế. Do đó, không nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường của mình đối với vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.”

3. Thời gian qua trên mạng Internet lan truyền việc tập đoàn Exxon Mobil rút khỏi dự án Cá Voi Xanh, đề nghị Người phát ngôn bình luận về thông tin này?

Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), các dự án dầu khí ở Miền Trung Việt Nam bao gồm các dự án trên biển và trên bờ được tổ hợp nhà thầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Exxon Mobil triển khai theo kế hoạch.

4. Xin Người Phát Ngôn bình luận về tình hình Hồng Công hiện nay?

Việt Nam tôn trọng chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, các quy chế liên quan đến Hồng Công và hy vọng tình hình Hồng Công sớm trở lại bình thường, tiếp tục ổn định, phồn vinh, duy trì vị thế trung tâm tài chính, thương mại quan trọng của khu vực và thế giới.

Việt Nam mong muốn các hoạt động giao lưu kinh tế thương mại, du lịch giữa Việt Nam và Hồng Công tiếp tục được thúc đẩy, đề nghị Chính quyền đặc khu Hồng Công bảo đảm an ninh, an toàn cho người Việt Nam du lịch, sinh sống và làm việc tại Hồng Công.

5. Các nước ASEAN trong đó có Việt Nam có sự hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực như kinh tế và thương mại với Hồng Công, Việt Nam nhìn nhận thế nào về những tác động ảnh hưởng của tình hình Hồng Công hiện nay với sự hợp tác giữa Hồng Công và các nước ASEAN?

Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung có quan hệ tốt đẹp về mặt kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch cũng như giao lưu nhân dân với Hồng Công. Việt Nam sẽ nỗ lực cùng các nước ASEAN thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp này.

6. Truyền thông quốc tế cho biết Bộ Quốc phòng Anh đang lên kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Elizabeth đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2021. Đây là chuyến hải trình quốc tế đầu tiên của tàu sân bay này sau khi được chính thức đưa vào biên chế 2020 và là một phần của nỗ lực bảo đảm tự do hàng hải của Anh trước tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông. Vừa qua các quốc gia Anh, Đức và Pháp cũng lên tiếng về các hoạt động đơn phương diễn ra ở Biển Đông. Xin Người Phát ngôn cho biết quan điểm của Việt Nam?

Quan điểm của Việt Nam về tự do hàng hải, hàng không trên biển là nhất quán, rõ ràng và đã được thể hiện nhiều lần. Theo đó, các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, như được thể hiện trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việc nhiều quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua bày tỏ lập trường về những diến biễn nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, phản ánh sự quan tâm, quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công Ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển ổn định ở khu vực.

Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải. Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông như được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia ở khu vực và trên thế giới.

7. Thời gian vừa qua báo nước ngoài có dẫn một số nguồn tin cho rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ vào tháng 10, xin Người Phát ngôn xác nhận thông tin này?

 Hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sẽ được thông báo vào thời điểm thích hợp.

8. Liên quan đến vụ việc một thực tập sinh Việt Nam bị tình nghi tấn công và sát hại cặp vợ chồng lớn tuổi người Nhật tại tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, xảy ra vào tháng 8 vừa qua. Xin Người Phát ngôn cho biết thêm thông tin và bình luận về vụ việc?

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết cảnh sát Shimotsuma, tỉnh Ibaraki hiện đang tạm giữ một công dân Việt Nam có tên Nguyễn Đình Hải bị tình nghi giết người và gây thương tích nghiêm trọng. Hiện đã có luật sư tiếp cận hỗ trợ cho công dân Việt Nam này.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã thăm lãnh sự công dân Nguyễn Đình Hải, và tiếp tục theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Nhật Bản để thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, phù hợp với luật pháp Việt Nam và Nhật Bản. Cơ quan chức năng Nhật Bản đang tiếp tục điều tra vụ việc.

9. Truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này đang xây dựng mạng lưới máy bay không người lái để giám sát và chuyển tiếp thông tin từ các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, xin Người Phát ngôn bình luận về việc này?

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của nước ngoài hai quần đảo này, nếu không được phép của Việt Nam đều bất hợp pháp và vô giá trị.

10. Có thông tin cho biết tàu cẩu Lam Kình của Trung Quốc đã di chuyển vào vùng biển của Việt Nam, cách bờ biển Quảng Ngãi 90 Kilomet vào ngày 03/09, xin Người Phát ngôn cho ý kiến về thông tin?

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, từ ngày 03-04/9 vừa qua, tàu Lam Kình đã đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hoạt động của tàu này luôn được các lực lượng chức năng của Việt Nam giám sát theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer

EMC Đã kết nối EMC