Họp báo thường kỳ lần thứ 15 năm 2019
Ngày 03/10/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:
I. THÔNG BÁO
Thủ tướng Campuchia Hun Sen thăm chính thức Việt Nam (04-05/10)
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Xăm-đéc Tê-chô Hun Sen sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 04 – 05/10/2019.
Quan hệ Hữu nghị Truyền thống Việt Nam – Campuchia trong thời gian qua tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, phối hợp tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng, ký bổ sung và ký mới nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục… Về kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt xấp xỉ 4,8 tỷ USD và có thể vượt mức 5 tỷ USD trong năm 2019.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Campuchia Xăm-đéc Tê-chô Hun Sen sẽ hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam. Thủ tướng Xăm-đéc Tê-chô Hun Sen và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc sẽ tham dự và phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Campuchia, Hội nghị Tổng kết Công tác Phân giới Cắm mốc Biên giới Đất liền Việt Nam – Campuchia và Lễ ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đạt được đến nay.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Đề nghị cập nhật về hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc?
Theo các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc lại tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với phía Trung Quốc. Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép.
2. Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước phát ngôn ngày 18/9/2019 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng?
Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được nêu rõ trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 12/9/2019.
Khu vực mà Trung Quốc gọi là “bãi Vạn An” thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này.
3. Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc tổ chức Liêm chính Tài chính toàn cầu ra báo cáo cho rằng Việt Nam là quốc gia hàng đầu thế giới về hoạt động rửa tiền?
Những thông tin về Việt Nam do Tổ chức Liêm chính Tài chính toàn cầu đưa ra gần đây là không chính xác, không phản ánh đúng thực tế cũng như quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống rửa tiền.
Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ những tác động xấu từ các hành vi rửa tiền đến kinh tế - xã hội. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, vận dụng chuẩn mực quốc tế, thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị và cam kết quốc tế để ngăn chặn hành vi này.
Hiện nay, Việt Nam đã có đầy đủ khuôn khổ pháp lý về phòng chống rửa tiền. Tại Việt Nam, rửa tiền là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và xử lý nghiêm khắc theo Bộ Luật Hình sự. Ngày 18/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, Chống rửa tiền.Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về Phòng, Chống rửa tiền và ban hành các văn bản pháp quy như Nghị định số 116/2013/NĐ-CP và Nghị định số 96/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống rửa tiền và quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền. Gần đây nhất, tháng 05/2019, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 nhằm tăng cường phòng, chống rửa tiền, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này.
Bên cạnh nâng cao nhận thức toàn dân, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống tài chính- ngân hàng, hiện đại hoá hạ tầng, công nghệ, nâng cao năng lực quản trị theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ, trong đó có rửa tiền.
Nhận thức rõ rửa tiền là một vấn đề nghiêm trọng mang tính toàn cầu, Việt Nam coi trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào chống tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (APG) và là quan sát viên của Nhóm các đơn vị tình báo tài chính (Nhóm Egmont). Kết quả phòng, chống rửa tiền của Chính phủ Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế, trong đó có APG ghi nhận và đánh giá cao”.
4. Phản ứng của Việt Nam trước vụ tấn công hai cơ sở dầu lửa của Ả-rập Xê-út?
Việt Nam lên án hành động phá hoại các cơ sở dầu lửa của Ả-rập Xê-út vừa qua cũng như các hoạt động đe dọa sự an toàn và ổn định tại Trung Đông và kêu gọi các bên liên quan nỗ lực giải quyết các bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm sớm chấm dứt bạo lực, khôi phục hòa bình và ổn định khu vực.
5. Về việc 09 người Việt bỏ trốn ở lại Hàn Quốc, xin cho biết Việt Nam đang phối hợp như thế nào với phía Hàn Quốc để xử lý?
Việc này đã được Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xử lý vụ việc.
6. Đề nghị xác minh thông tin tàu QNa 90569 TS bị sự cố bị phía Trung Quốc từ chối cứu hộ?
Theo Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sau khi nắm được thông tin tàu cá QNa 90569 TS bị gãy trục láp, thả trôi hôm 29/9/2019 tại khu vực đảo Bạch Quy/quần đảo Hoàng Sa, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm đề nghị phía Trung Quốc cử tàu tham gia cứu hộ. Ngày 01/10/2019, sau khi cập nhật, xác minh một tàu cá Việt Nam là tàu QNa 91636 TS ở gần tàu QNa 90569 TS bị nạn, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị tàu QNa 91636 TS lai dắt tàu cá bị nạn vào bờ và dự kiến sẽ về đến đất liền trong một vài ngày tới.
7. Phản ứng của Việt Nam về việc giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 hoạt động ở Biển Đông?
Các cơ quan chức năng Việt Nam đang theo dõi và xác minh thông tin. Việt Nam cho rằng mọi hoạt động tại Biển Đông cần tuân thủ các quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.
8. Bình luận của Việt Nam về bộ phim Nam Hải – Nam Hải của Trung Quốc?
Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việc Trung Quốc tuyên truyền, giáo dục bằng những thông tin trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế là không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Back Top page Print Email |