(MOFA) - Ngày 06/02/2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:
I. THÔNG BÁO
1. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm chính thức Ấn Độ
Nhận lời mời của Phó Tổng thống Ấn Độ Ven-cai-a Nai-đu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 11-13/2/2020.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển tích cực. Hai bên triển khai nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao cũng như các cơ chế hợp tác khác như Ủy ban Liên Chính phủ. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh, bình quân tăng trên 15%/năm trong 10 năm qua. Hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực khác như an ninh – quốc phòng, giáo dục – đào tạo, giao lưu nhân dân… Chuyến thăm lần này nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Ấn Độ; củng cố quan hệ giữa lãnh đạo hai nước và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực then chốt; trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ hội đàm với Phó Tổng thống Ấn Độ Ven-cai-a Nai-đu, dự kiến sẽ hội kiến với các Lãnh đạo Cấp cao của Ấn Độ, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ và một số hoạt động khác.
2. Hội nghị nhóm đặc trách cấp cao về Hội nhập kinh tế của ASEAN (12-13/2/2020)
Hội nghị Nhóm đặc trách cấp cao về Hội nhập Kinh tế ASEAN lần thứ 37 dự kiến tổ chức ngày 12-13/2/2020 tại Hà Nội. Đây là Hội nghị thường kỳ thuộc trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhằm thảo luận và đề xuất các khuyến nghị, chiến lược về tầm nhìn hội nhập kinh tế nội khối và ngoại khối ASEAN.
Hội nghị dự kiến sẽ có sự tham gia của các Thứ trưởng kinh tế ASEAN và Phó Tổng Thư ký phụ trách kinh tế ASEAN. Với tư cách là chủ trì điều phối hợp tác trong trụ cột kinh tế ASEAN, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Quốc Khánh sẽ đảm nhiệm vai trò Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị này.
Hội nghị lần này dự kiến sẽ tập trung thảo luận một số nội dung sau: (i) Các ưu tiên về hợp tác kinh tế trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Việt Nam đề xuất; (ii) Rà soát giữa kỳ Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 và một số chương trình hành động thường xuyên dự kiến được triển khai trong năm 2020; (iii) Chiến lược của ASEAN trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; và (iv) Hệ thống quản lý văn bản quy phạm pháp luật trong ASEAN.
Các khuyến nghị, chiến lược của Hội nghị Nhóm đặc trách cấp cao về Hội nhập Kinh tế ASEAN lần thứ 37 sẽ được trình lên Hội nghị hẹp Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM Retreat) lần thứ 26 được tổ chức trong tháng 3/2020 tại Việt Nam.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Tri Thức Trẻ: Được biết có 01 công dân Việt Nam ở Trung Quốc dương tính với virus nCov, Người Phát ngôn có thể thông tin về tình hình của công dân này?
Đối với trường hợp một công dân Việt Nam (hộ khẩu thường trú trước khi xuất cảnh tại Đồng Nai), tôi xin phép không công bố tên vì lý do tôn trọng sự riêng tư cá nhân, có kết quả dương tính với virus nCov, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị quan tâm, chăm sóc và điều trị tích cực cho bệnh nhân. Hiện công dân nói trên đang được điều trị tại bệnh viện số 5 (tỉnh Giang Tây).
2. Tri Thức Trẻ: Việt Nam có kế hoạch đưa các công dân từ Hồ Bắc về không?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đang chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, sẵn sàng đưa công dân Việt Nam ở vùng có dịch về nước khi cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, luật pháp Việt Nam và luật pháp sở tại trên cơ sở nguyện vọng của công dân.
3. Tri Thức Trẻ: cũng liên quan tới tình hình dịch bệnh, liệu dịch Hô hấp cấp có làm ảnh hưởng tới hoạt động đối ngoại, đặc biệt là các hoạt động trong năm chủ tịch ASEAN của Việt Nam?
Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên và quyết tâm đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Việt Nam đang tích cực triển khai các biện pháp để ứng phó, kiểm soát dịch. Đồng thời, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã chủ động đề xuất và thúc đẩy các nỗ lực chung của ASEAN nhằm phối hợp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Ngày 30/01, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN đã gửi thư đến các nước ASEAN đề nghị thành lập nhóm công tác chung cấp bộ trưởng, tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, điều phối hành động ứng phó với dịch bệnh.
Việt Nam tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến dịch, trong trường hợp cần có điều chỉnh đối với các hoạt động Năm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ thông báo, tham vấn với các nước thành viên và thực hiện dựa trên đồng thuận ASEAN, đảm bảo các hoạt động của Năm Chủ tịch ASEAN diễn ra trong điều kiện an ninh, an toàn ở mức cao nhất.
4. Tri Thức Trẻ: Năm ngoái Tổng thống Trump có gửi lời mời các lãnh đạo ASEAN sang Hoa Kỳ dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN, lãnh đạo Việt Nam đã nhận được lời mời này chưa?
Theo tôi được biết, công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN đang được các nước ASEAN và Hoa Kỳ triển khai tích cực.
5. Thông Tấn Xã: Tổ chức Y tế thế giới đã ban bố tình trạng khẩn cấp với nCov, xin Người Phát ngôn cho biết công tác bảo hộ công dân của người Việt Nam ở các vùng có dịch?
Ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh, Bộ Ngoại giao đã chủ động yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt là ở Trung Quốc cung cấp thông tin và thường xuyên cập nhật diễn biến dịch, tình hình và nguyện vọng của công dân Việt Nam tại Trung Quốc, các biện pháp ứng phó của sở tại, công bố đường dây nóng của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Bộ Ngoại giao đã ra thông báo lưu ý người dân không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà Trung Quốc và WHO khuyến cáo.
Trong những ngày qua, các cơ quan đại diện Viêt Nam tại Trung Quốc đã giữ liên hệ với hơn 400 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc và du lịch tại Trung Quốc (không bao gồm những trường hợp sang Trung Quốc ngắn hạn mà không đăng ký bảo hộ công dân với sứ quán) qua đó các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã nắm tình hình, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các trường hợp gặp khó khăn về thị thực lưu trú do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Qua liên hệ, các cơ quan đại diện cho biết nhìn chung tình hình sức khỏe của các lưu học sinh và công dân Việt Nam tại Trung Quốc vẫn ổn định. Đối với công dân đã nhiễm virus, như tôi đã thông báo từ trước, đang được điều trị tích cực tại bệnh viện số 05 của tỉnh Giang Tây. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục theo dõi tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
6. VOV: Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit), xin bà cho biết quan điểm về vấn đề này?
Việt Nam theo dõi sát tiến trình Brexit và mong muốn tiến trình này diễn ra suôn sẻ, góp phần củng cố vai trò quan trọng của Anh và Liên minh Châu Âu, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phát triển trên thế giới.
Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược với Vương quốc Anh, quan hệ Đối tác và Hợp tác Toàn diện Việt Nam – Liên minh châu Âu phù hợp với lợi ích của Việt Nam, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu.
7. Reuters: Việt Nam ghi nhận 10 trường hợp nhiễm virus Corona, nhưng đã thành lập nhiều bệnh viện dã chiến (với số lượng hàng nghìn người), vậy trong thời gian tới liệu số lượng người nhiễm sẽ tăng nhanh và nhiều? Điều kiện cơ sở vật chất, trang bị y tế, thuốc men của Việt Nam để đối phó dịch như thế nào?
Tất cả chúng ta đều chia sẻ đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới cùng nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra là một tình trạng y tế khẩn cấp với những diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Tất nhiên không ai mong muốn dịch bệnh này lây lan nhanh và rộng trong thời gian tới, tuy nhiên với diễn biến phức tạp, tình hình lây lan nhanh trên diện rộng như vậy, chúng tôi nhận thức rõ đây là vấn đề nghiêm trọng, liên quan trực tiếp tới sức khoẻ của cộng đồng, đặc biệt là của người dân Việt Nam. Do đó, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch để chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan có liên quan và địa phương trong việc phòng, chống dịch trên toàn quốc. Chính phủ cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, phù hợp để phòng chống dịch, với mục đích không để dịch lây lan rộng, tiến tới kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam như cách ly, hạn chế xuất nhập cảnh từ vùng có dịch, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở, vật chất, trong đó có các cơ sở y tế được triển khai kịp thời.
Cũng cần phải nói thêm Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới cũng như cộng đồng quốc tế trong việc chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm của Việt Nam trong việc phòng chống dịch lan rộng.
8. Reuters: Đại Sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã tiếp nhận được yêu cầu nào để yêu cầu giúp đỡ về Việt Nam chưa?
Cho đến nay Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã nhận được 29 yêu cầu của công dân Việt Nam, tại khu vực có dịch là tỉnh Hồ Bắc, có nguyện vọng xin trở về Việt Nam. Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để sẵn sàng đưa công dân về nước.
9. Phoenix TV: Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã và đang có biện pháp như thế nào để phối hợp với Trung Quốc trong việc phòng chống dịch lây lan sang Việt Nam?
Đối với Trung Quốc, Việt Nam đã tích cực hợp tác trong trao đổi thông tin, phối hợp kiểm soát dịch bệnh và công tác bảo hộ công dân. Chính phủ Việt Nam triển khai viện trợ bằng hàng hóa, vật dụng y tế trị giá khoảng 500.000 USD để chia sẻ với Chính phủ, nhân dân Trung Quốc đang phải đối mặt với dịch bệnh. Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam và các tỉnh biên giới phía Bắc cũng có các hình thức hỗ trợ phù hợp.
Với mục tiêu tiếp tục phòng, chống bệnh, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc để phòng chống, không để dịch lan rộng.
10. Phoenix TV: Việt Nam đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống dịch của Trung Quốc?
Việt Nam quan tâm theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh, chúng tôi đánh giá cao sự chỉ đạo của Lãnh đạo Trung Quốc, những nỗ lực của chính quyền địa phương và nhân dân Trung Quốc thời gian qua trong việc chống dịch bệnh, kiểm soát tình hình.
Các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc luôn phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc trong việc trao đổi thông tin nhằm kiểm soát tình hình, cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc, du lịch tại Trung Quốc.
Việt Nam hy vọng với sự chung tay, nỗ lực của cộng đồng quốc tế, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc và các nước sẽ sớm được kiểm soát.
11. Tiền phong: Trường hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nhận được yêu cầu của 29 công dân xin được hồi hương, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan khác để tiến hành đưa các công dân về nước, vậy khi nào hoạt động này sẽ diễn ra?
Xin nhắc lại, Chính phủ đã giao và Bộ Ngoại giao đang phối hợp rất tích cực với các cơ quan liên quan trong nước và phía Trung Quốc để chuẩn bị đưa công dân về nước, trên tinh thần phù hợp với luật pháp sở tại, luật pháp Việt Nam và nguyện vọng của công dân. Chúng tôi đang nỗ lực cao nhất để có thể thực hiện việc này trong thời gian sớm nhất.
12. Tuổi trẻ: Cập nhật tình hình Việt Nam hỗ trợ với công cuộc chống dịch ở Trung Quốc, Việt Nam đã viện trợ các thiết bị y tế cho Trung Quốc, nhưng đến giờ chưa có thông tin được Trung Quốc ghi nhận?
Như tôi đã trả lời, phía Việt Nam đã triển khai gói hỗ trợ bằng hàng hóa, vật dung y tế trị giá 500.000 USD cho chính phủ và nhân dân Trung Quốc, cũng như Hội Chữ thập đỏ và các địa phương biên giới đã có hỗ trợ phía Trung Quốc. Trên một số báo chí Việt Nam, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã có lời cảm ơn tới sự giúp đỡ của Việt Nam. Bạn có thể theo dõi và xem lại bản tin thời sự lúc 19 giờ ngày hôm qua trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).
13. AFP: Hôm qua trong cuộc họp báo của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long có nói tất cả các khách nước ngoài đã tới Trung Quốc trong vòng 14 ngày, khi tới Việt Nam sẽ bị từ chối nhập cảnh, vậy có thể làm rõ ở đây có bao gồm Hồng Kong và Macao không? Và nếu họ đã được cấp visa rồi thì họ có bị từ chối nhập cảnh hay sẽ bị cách ly?
Theo tôi được biết việc tạm dừng xuất nhập cảnh là đối với người nước ngoài tới từ vùng có dịch của Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc đã thông báo có 31 vùng có dịch. Thông tin này đã được thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như các trang thông tin điện tử chính thức của các cơ quan chức năng Việt Nam như Chính phủ và Bộ Y tế.
Chúng tôi hy vọng khách nước ngoài khi tới Việt Nam sẽ nhận thức được thông báo này và sẽ không để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào khi nhập cảnh vào Việt Nam.
14. AFP: Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có sự kiện là cuộc đua công thức một đầu tiên, liệu tình hình dịch có làm ảnh hưởng tới việc tổ chức sự kiện này không?
Liên quan đến giải đua công thức một, cơ quan tổ chức là Thành phố Hà Nội, nhưng từ góc độ Bộ Ngoại giao, tôi xin nhấn mạnh Việt Nam đang theo dõi rất sát tình hình dịch bệnh, bản thân Chính phủ Việt Nam cũng đang triển khai rất nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn ngừa, phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, tiến tới kiểm soát dịch bệnh. Chúng tôi cũng mong muốn việc tổ chức các hoạt động ở Việt Nam, đặc biệt là các sự kiện quốc tế với sự tham gia đông đảo của khách nước ngoài phải được tổ chức trong điều kiện an ninh, an toàn nhất./.