Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 8 năm 2022


I. THÔNG BÁO
1. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 27 và thăm làm việc Nhật Bản (từ ngày 26-27/5/2022)

Từ ngày 26 – 27/5/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 27 theo lời mời của Giám đốc Điều hành Nikkei Naotoshi Okada, đơn vị tổ chức Hội nghị Tương lai châu Á. Với chủ đề “Định hình vai trò của châu Á trong một thế giới chia rẽ”, Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 27 sẽ tập trung thảo luận về tầm nhìn, vai trò và định hướng hợp tác của châu Á trong xử lý các vấn đề toàn cầu.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh sẽ thăm và làm việc tại Nhật Bản. Chuyến thăm làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục phát triển tốt đẹp, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực và hai nước đang tích cực chuẩn bị cho hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản vào năm 2023.
2. Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Algeria thăm Việt Nam từ ngày 26-27/5/2022
Từ ngày 26-27/5/2022, Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Dân chủ và Nhân dân Algeria Chakib Rachid Kaid (Sa-kíp Ra-sít Cai-ít) sẽ thăm Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp Tham vấn chính trị lần thứ ba giữa Bộ Ngoại giao hai nước cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tại Kỳ họp, hai bên sẽ rà soát tình hình hợp tác trong thời gian qua, trao đổi định hướng và các biện pháp thúc đẩy hợp tác quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Algeria trong thời gian tới trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại cũng như thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Thanh Niên: Thủ tướng Hunsen trong chuyến thăm tới Châu Âu có phát biểu là Việt Nam và Campuchia đạt được thoả thuận về 6% biên giới chưa phân chia. Xin hỏi Người phát ngôn quan điểm của Việt Nam về vấn đề này và có thêm thông tin gì không?

Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền để xây dựng đường biên giới Việt Nam – Campuchia hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững là nguyện vọng chính đáng từ lâu nay của nhân dân hai nước.
Với tinh thần đó trong những năm qua, Việt Nam và Campuchia đã hợp tác chặt chẽ, hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 1.045km đường biên giới, tương đương với khoảng 84% chiều dài đường biên giới trên toàn tuyến. Đây là thành quả hết sức quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước cũng như việc phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước. Hiện nay hai bên đang nỗ lực đàm phán để giải quyết phân giới cắm mốc khoảng 16% đường biên giới còn lại.
2. Central News Agency: Việt Nam là thành viên trong nhóm các nước đầu tiên của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dư luận bên ngoài cho rằng mục đích của IPEF được thành lập là để chống lại Trung Quốc. Xin hỏi phía Việt Nam nhìn nhận như thế nào về cách hiểu này?
Như các bạn đã biết và báo chí đã đưa tin, chiều ngày 23/05/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự lễ công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF).
Xin nhắc lại đây là sự kiện khởi động cho quá trình thảo luận. Trong quá trình thảo luận, Việt Nam sẽ cùng với các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi, làm rõ các nội hàm của IPEF, tập trung vào bốn trụ cột, đó là thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng, nhằm đem lại một chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước, hướng đến một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới.
Việt Nam cho rằng IPEF cần dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN, bổ trợ cho các liên kết kinh tế đã có.
Với chủ trương xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, Việt Nam cũng đã tham gia một số sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, qua đó, phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
3. Central News Agency: Cho đến nay Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách phòng chống dịch “Zero Covid”, điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải rời đi. Có thông tin cho rằng nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đã chuyển sản xuất sang Việt Nam, xin hỏi phía Việt Nam có thể xác nhận thông tin này không?
Với chủ trương coi đầu tư nước ngoài là một trong những nguồn lực quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam luôn quan tâm và coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đến kinh doanh, sản xuất lâu dài tại Việt Nam.
Thời gian vừa qua, nhằm thúc đẩy sản xuất – kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cải cách thể chế, hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần tạo dựng sự tin tưởng và thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, làm ăn tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp nhằm tăng năng suất khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả, chất lượng cao, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển của Việt Nam, trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
4. Phoenix TV: Tới nay đã có thương nhân Trung Quốc vào Bắc Giang thu mua quả vải chưa? Trong tình hình Trung Quốc siết chặt phòng dịch như hiện nay, hai bên phối hợp như thế nào để đảm bảo xuất khẩu quả vải Việt Nam sang thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi?
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và địa phương của Việt Nam và Trung Quốc luôn phối hợp chặt chẽ trong việc giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thương nhân, các chuỗi siêu thị hai bên sang tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại nông sản song phương đạt nhiều kết quả tích cực.
Riêng đối với sản phẩm quả vải, các cơ quan chức năng và địa phương Việt Nam và Trung Quốc đã tích cực phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động giới thiệu, kết nối, xúc tiến tiêu thụ quả vải ở hai nước, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc; đồng thời cũng thường xuyên trao đổi thông tin về các quy định trong xuất nhập khẩu, góp phần nâng cao hiệu suất thông quan và lưu thông hàng hóa trên cơ sở đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch của mỗi nước. Ngày 25/5 vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều” với 80 điểm cầu trong nước và quốc tế với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố; các Hiệp hội xuất nhập khẩu hoa quả tại địa phương, các Tập đoàn bán lẻ, hệ thống siêu thị các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước, trong đó có một số địa phương Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên của Trung Quốc.
Theo thông tin được cung cấp tại Hội nghị, vụ vải thiều ở Bắc Giang dự kiến thu hoạch từ ngày 25/5 cho đến ngày 25/7 trong năm nay. Các cơ quan chức năng của Việt Nam, các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Giang, luôn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam thu mua vải. Theo chúng tôi được biết, đã có hàng trăm thương lái của Trung Quốc đã được giải quyết thủ tục để đến Bắc Giang thu mua vải thiều.
5. Trí Thức Trẻ: Việc Việt Nam tham gia khởi động thảo luận Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có đồng nghĩa với việc Việt Nam tham gia vào khuôn khổ này không? Nếu chưa thì có kế hoạch tham không?
Như tôi đã nói đây mới là quá trình khởi động cho tiến trình thảo luận, việc tham gia của các nước, trong đó có Việt Nam, phụ thuộc vào kết quả của quá trình thảo luận./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer