Họp báo thường kỳ lần thứ 9
THÔNG BÁO
+ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (25-28/6/2023)
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab (Cờ-lau Xờ-oáp), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF từ ngày 25-28/06/2023.
Chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước duy trì xu thế phát triển tốt đẹp, nhất là từ sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-01/11/2022). Hợp tác kinh tế-thương mại và trên các lĩnh vực khác tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới xét theo tiêu chí quốc gia với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỉ USD.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự lễ đón, hội đàm chính thức với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường, hội kiến với Lãnh đạo chủ chốt Trung Quốc, trao đổi các biện pháp lớn tăng cường hợp tác giữa hai nước nhằm tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và việc thực hiện Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc (11/2022), thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Hai bên cũng sẽ trao đổi về việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc, tiếp một số nhân sỹ hữu nghị và doanh nghiệp lớn của Trung Quốc…
Quan hệ Việt Nam – WEF thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hợp tác giữa hai bên ngày càng thực chất, tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như tư vấn chính sách vĩ mô, giảm rác thải nhựa, nông nghiệp bền vững, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số… Với chủ đề “Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu”, Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF sẽ tập trung vào các nội dung về điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng và nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể “Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trường trong bối cảnh mong manh”; dự và phát biểu tại Phiên làm việc của các lãnh đạo về “Ngăn ngừa một thập kỷ mất mát”; gặp Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwab; cùng Lãnh đạo WEF đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF, tiếp xúc song phương với Lãnh đạo Chính phủ một số nước và lãnh đạo doanh nghiệp WEF…
+ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (22-24/06/2023)
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (Yun Sớc Yên) và Phu nhân có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/06/2023. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Tổng thống Yoon Suk Yeol tới Việt Nam kể từ khi nhậm chức vào tháng 05/2022.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Hàn Quốc đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Hai bên đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022. Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư trực tiếp (FDI) lớn nhất vào Việt Nam với 82 tỉ USD vốn đăng ký; đứng thứ 2 về hỗ trợ phát triển (ODA); đứng thứ 3 về hợp tác thương mại. Trong quý I/2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Hàn Quốc đạt 18,1 tỉ USD. Hợp tác trong các lĩnh vực khác đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ tập trung trao đổi các biện pháp lớn nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế, mở rộng đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực… Hai bên cũng sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hội kiến Lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc và có một số hoạt động khác.
+ Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới, làm việc tại Pháp và Hà Lan (21-27/06/2023)
Từ ngày 21-27/06/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới, tham dự cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng với biến đối khí hậu và quản lý nước (IC8) tại Hà Lan và có các hoạt động song phương tại 02 nước này.
Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới được tổ chức nhằm mục tiêu thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính quốc tế, xử lý khủng hoảng về khí hậu, đa dạng sinh học và phát triển thông qua việc tăng cường tài chính, hỗ trợ vốn ưu đãi cho các nước đang phát triển phương Nam. Hội nghị năm nay có sự tham dự khoảng 300 đoàn đại biểu đại diện các quốc gia, tổ chức chính trị-xã hội và doanh nghiệp, trong đó có khoảng 100 lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự kiến sẽ tham dự Phiên khai mạc, Phiên bế mạc, tham dự và phát biểu tại một số phiên quan trọng, tiếp xúc với các Trưởng đoàn một số nước, tổ chức quốc tế.
Thỏa thuận “Đối tác chiến lược giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước” được ký ngày 04/10/2010, xác định các mục tiêu chiến lược và nội dung ưu tiên hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nước. Để triển khai Thỏa thuận, hai nước đã thành lập Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước và họp luân phiên tại Việt Nam và Hà Lan. Đến nay, hai Bên đã tổ chức được 07 phiên họp.
Tại Pháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự kiến làm việc với Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp, Hội kiến Lãnh đạo Pháp, thăm và làm việc tại một số địa phương.
Tại Hà Lan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ có các cuộc làm việc với lãnh đạo phía Hà Lan, dự kiện Hội kiến Lãnh đạo Hà Lan, tham dự Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan…
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Tuổi trẻ: Ngày 15/6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo thường niên về tình hình buôn người. Đề nghị Người Phát ngôn cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc báo cáo trên có nêu tình hình ở Việt Nam?
Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người.
Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục quyết liệt triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 và đạt nhiều kết quả quan trọng như: tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành; cải thiện công tác thống kê; đẩy mạnh điều tra, xử lý tội phạm mua bán người và truyền thông phòng ngừa, nâng cao nhận thức về mua bán người. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) theo Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/3/2020, nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.
Việt Nam ghi nhận phía Hoa Kỳ đã có đánh giá tích cực hơn tại Báo cáo năm 2023 về tình hình mua bán người trên thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn hai Bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới để phía Hoa Kỳ có đánh giá khách quan, chính xác, toàn diện hơn nữa về tình hình, nỗ lực thực chất của Việt Nam. Chúng tôi cũng sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ cũng như các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.
2. AFP: Đề nghị Bộ Ngoại khẳng định hoặc cho biết thêm thông tin về việc cuối tuần này tàu hải quân Mỹ USS Ronald Reagan sẽ có mặt tại Việt Nam? Nếu như Người Phát ngôn khẳng định thông tin này, đề nghị bình luận sự kiện này có vai trò như thế nào trong xung đột tiềm tàng trên Biển Đông?
Theo tôi được biết, dự kiến, tàu sân bay Ronald Regan sẽ thăm thành phố Đà Nẵng từ ngày 25-30/06/2023.
Việc Việt Nam đón các chuyến thăm của tàu hải quân các nước, trong đó có Hoa Kỳ lần này là hoạt động giao lưu hữu nghị thông thường, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
3. Phoenix TV: Chúng tôi được biết tàu khu trục lớn nhất của Nhật Bản đang có chuyến thăm Cam Ranh, Khánh Hòa. Xin Người Phát ngôn cho bình luận về chuyến thăm này?
Theo tôi được biết, tàu khu trục của Nhật Bản thăm Việt Nam từ ngày 20-23/06/2023.
Cũng giống như những lần đón các chuyến tàu hải quân nước ngoài thăm Việt Nam, đây cũng là hoạt động hợp tác thông thường, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực.
4. Central News Agency: Thời gian gần đây, cuộc sống người dân và sản xuất công nghiệp khu vực miền Bắc bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu điện. Một số doanh nghiệp Đài Loan phản ánh việc thông báo cắt điện đột ngột, thậm chí cắt điện không báo trước, khiến họ gặp khó khăn khi sắp xếp lịch làm việc. Xin hỏi ngoài việc nâng cao năng lực sản xuất điện, Việt Nam có tính đến việc mở rộng hợp tác với các nước trong việc sản xuất và cung ứng điện hoặc là tiếp tục đàm phán nhập khẩu thêm điện hay không? Việt Nam làm thế nào để cải thiện vấn đề thiếu điện mà các doanh nghiệp nước ngoài phản ánh?
Chúng tôi hiểu quan tâm của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài về tình trạng thiếu điện đang diễn ra tại miền Bắc hiện nay.
Các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam đang nỗ lực hết sức với kết quả khả quan để sớm khắc phục tình trạng này, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |