THÔNG BÁO
+ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội chợ và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại – Đầu tư Trung Quốc – ASEAN lần thứ 20 (16 - 17/9/2023)
Nhận lời mời của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, từ ngày 16-17/9/203, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại – Đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc.
Hội chợ CAEXPO và Hội nghị CABIS được Trung Quốc và ASEAN đồng tổ chức hàng năm tại Nam Ninh là một trong 10 hội chợ triển lãm hàng đầu của Trung Quốc. CAEXPO và CABIS lần thứ 20 năm nay có chủ đề “Cùng xây dựng ngôi nhà chung, Cộng đồng chung vận mệnh hướng đến tương lai – Thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường phát triển chất lượng cao và xây dựng Trung tâm tăng trưởng kinh tế”, nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Trung Quốc – ASEAN. Tại kỳ Hội chợ lần này, khu gian hàng thương mại Việt Nam có sự tham gia của 120 doanh nghiệp với 200 gian hàng gồm nhiều mặt hàng phong phú và đa dạng thuộc các lĩnh vực nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, giày dép, gia dụng và may mặc, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ…
Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Lễ Khai mạc Hội chợ CAEXPO và Hội nghị CABIS lần thứ 20, thăm các gian hàng của Việt Nam, hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường, tiếp Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lưu Ninh và tham gia một số hoạt động đối ngoại khác.
+ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ và thăm chính thức Brazil (Bra-xin)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ và thăm chính thức Brazil (Bra-xin) theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva (Lu-la đa Xin-va) từ ngày 17 đến ngày 26/9/2023.
Thời gian qua, Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm, đóng góp hiệu quả thực chất về mọi mặt tại Liên hợp quốc. Phiên thảo luận chung cấp cao lần thứ 78 lần này của ĐHĐ LHQ sẽ được tổ chức với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu. Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ LHQ, Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu, Hội nghị cấp cao về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch, hội kiến Tổng Thư ký LHQ và Chủ tịch ĐHĐ LHQ, và có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam cũng sẽ tham dự các họp và hội nghị chuyên ngành trong khuôn khổ Phiên họp cấp cao này.
Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có những bước tiến phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực song phương, khu vực và quốc tế và hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 10-11/9/2023. Chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa các kết quả chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Biden. Tại Hoa Kỳ, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc gặp và hội kiến với Lãnh đạo chính quyền, Quốc hội Hoa Kỳ, tham dự một số hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước và một số hoạt động đối ngoại khác.
Quan hệ Việt Nam – Brazil thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực. Brazil là đối tác kinh tế thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ La tinh với kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 6.78 tỉ USD, tăng 6,6% so với năm 2021. Các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, thể thao, quốc phòng được hai bên quan tâm thúc đẩy. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Brazil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến hội đàm với Tổng thống Brazil Lula da Silva (Lu-la đa Xin-va); hội kiến Lãnh đạo Quốc hội Brazil và một số các hoạt động quan trọng khác.
+ Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc về “Các thách thức phát triển hiện nay: Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” và tham làm việc tại Cuba (13 - 20/9/2023)
Nhận lời mời của Chính phủ nước Cộng hòa Cuba, Chủ tịch Nhóm G77 và Trung Quốc năm 2023, từ ngày 13-20/9/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc và thăm làm việc tại Cuba.
Nhóm G77 là tổ chức liên minh chính phủ lớn nhất của các nước đang phát triển được thành lập năm 1964 với 77 quốc gia sáng lập trong đó có Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác Nam-Nam và hợp tác kinh tế của các quốc gia thành viên.
Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm G77 và Trung Quốc là sáng kiến của Cuba trên cương vị Chủ tịch Nhóm nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước đang phát triển để ứng phó, giải quyết các thách thức toàn cầu. Với chủ đề "Các thách thức phát triển hiện nay: Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Hội nghị sẽ tập trung trao đổi, đề xuất các giải pháp tăng cường hợp tác, phát huy vai trò Nhóm G77 và Trung Quốc trong thúc đẩy phục hồi kinh tế, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (SDG) trên cơ sở tri thức, khoa học – công nghệ và – đổi mới sáng tạo, đóng góp vào Chương trình Nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78.
Quan hệ Việt Nam – Cuba trong thời gian qua không ngừng được củng cố, thúc đẩy và phát triển trên mọi lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng, nông nghiệp...và trên các diễn đàn quốc tế. và có thể các bạn cũng đã biết, năm 2023, Việt Nam và Cuba kỷ niệm 50 năm lãnh tụ Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam. Đây là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam – Cuba.
Dự kiến trong thời gian ở Cuba, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ tham dự các hoạt động Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc, có tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao Cuba và lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị và các hoạt động quan trọng khác.
+ Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 (14-18/9/2023)
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ diễn ra từ ngày 14-17/9/2023 tại Hà Nội với chủ đề: "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo".
Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, là hoạt động đối ngoại đa phương có quy mô lớn nhất trong năm 2023 do Việt Nam đăng cai tổ chức với khoảng 500 đại biểu tham dự.
Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu sẽ có các phiên khai mạc, các phiên thảo luận chuyên đề, phiên bế mạc cũng như các hoạt động tiếp xúc gặp gỡ song phương, các hoạt động bên lề Hội nghị như khai mạc Triển lãm Thành tựu đối mới sáng tạo, Tọa đàm “Tăng cường năng lực số cho thanh niên”…
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, hai nước đã tái khẳng định hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương. Vậy Bộ Ngoại giao sẽ có các hoạt động gì để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp Hà Nội, tiếp cận thị trường Mỹ?
Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững đã đề ra những phương hướng lớn cho hợp tác trong 10 năm tới và lâu hơn nữa với 10 trụ cột, bao trùm tất cả các lĩnh vực trên bình diện hợp tác song phương và trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư.
Để triển khai khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện đạt được trong chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương làm việc với các cơ quan, địa phương của Hoa Kỳ để cụ thể hoá các lĩnh vực hợp tác trong Tuyên bố chung, đồng thời tận dụng những khuôn khổ cơ chế sẵn có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) và những khuôn khổ, cơ chế sẽ được thiết lập trong thời gian tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng tâm, đột phá về thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; qua đó tạo cơ chế hợp tác hiệu quả và môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân hai nước. Bộ Ngoại giao cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường kết nối, tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh đầu tư với đối tác Hoa Kỳ để đem lại lợi ích và thịnh vượng cho cả hai bên.
Quá trình này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của mỗi bên, trong đó có các cơ quan chính quyền, Quốc hội, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp.
2. Trước tình hình động đất ở Ma-rốc và lũ lụt ở Libya khiến hàng nghìn người thiệt mạng, đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc và Libya đã thực hiện công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở 2 nước như thế nào?
Liên quan đến trận động đất 6,8 độ richter gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều thành phố tại Ma-rốc ngày 8/9/2023 vừa qua, cho đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc chưa ghi nhận thông tin về thương vong của người Việt trong trận động đất này.
Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Ả rập Ai Cập kiêm nhiệm Libya cũng chưa ghi nhận thông tin về người Việt bị ảnh hưởng do cơn bão Daniel gây lũ lụt và lở đất ở Libya ngày 10/9/2023 vừa qua khiến hàng nghìn người thiệt mạng và mất tích.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc và Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Ả rập Ai Cập kiêm nhiệm Libya đang tích cực giữ liên lạc với các cơ quan chức năng sở tại và các đầu mối cộng đồng Việt Nam tại Ma-rốc và Libya theo dõi sát tình hình, sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Công dân Việt Nam cần giúp đỡ có thể liên hệ với:
- Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc theo số điện thoại +212 7 61 86 87 29 và +212 6 18 53 65 52
- Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Ai Cập kiêm nhiệm Libya theo số điện thoại +202 27364327
- Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tại số điện thoại +84 981 84 84 84.
3. Phoenix TV: Hội nghị cấp cao Vành đai con đường lần thứ 8 đang được tổ chức tại Hồng Công, Trung Quốc với sự tham dự của nhiều lãnh đạo Asean, trong đó có Việt Nam. Xin bộ ngoại giao bình luận về hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và con đường?
Trong các ngày 13-14/9/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dự Hội nghị cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 8 tại Hồng Công, Trung Quốc.
Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, hướng đến mục tiêu đóng góp cho phát triển bền vững và thịnh vượng chung của tất cả các quốc gia.
Thời gian qua, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì xu thế phát triển, trong đó có các khuôn khổ hợp tác, kết nối Việt Nam – Trung Quốc nói chung, và kết nối trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường nói riêng. Chính phủ hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ về cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp của Việt Nam, Trung Quốc đã tích cực hợp tác vận chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kết nối từ thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc đi qua Việt Nam và một số nước ASEAN và từ Việt Nam qua Trung Quốc đi tới Trung Á, châu Âu... Việt Nam mong muốn Sáng kiến “Vành đai và Con đường” tiếp tục góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối khu vực, hỗ trợ các nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng thị trường, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và đem lại cơ hội mới cho doanh nghiệp, người dân ở khu vực và trên toàn thế giới.
Trong cuộc gặp gần đây nhất giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, hai bên cũng đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy kết nối chiến lược, hợp tác xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao; tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt khu vực biên giới, xây dựng hệ thống logistics đa phương thức, hiệu quả cao, bền bỉ; đem lại cơ hội mới cho doanh nghiệp, người dân hai nước cũng như đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới./.