THÔNG BÁO
+ Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. (Phơ-đi-năng Rô-mu-a-đét Ma-cốt) và Phu nhân sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 29 đến ngày 30/01/2024. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos Jr. kể từ khi nhậm chức.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam – Philippines phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác chính trị tiếp tục được tăng cường với các cuộc tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên. Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Philippines phát triển tích cực, Philippines là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong ASEAN và lớn thứ 16 trên thế giới và tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác như hợp tác an ninh – quốc phòng, giáo dục – đào tạo, lao động, văn hóa, du lịch… tiếp tục được chú trọng. Hai nước cũng duy trì phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại ASEAN, Liên hợp quốc, APEC…
Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. sẽ hội đàm với Chủ tịch nươc Võ Văn Thưởng, hội kiến với các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam và tham dự các hoạt động quan trọng khác.
+ Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Luang Phrabang, Lào
Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith (Xạ-lởm-xay Côm-mạ-xít), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại Luang Phrabang, Lào từ ngày 28 đến ngày 29/01/2024.
Đây là hoạt động khởi đầu năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”. Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần này là dịp để các nước ASEAN thống nhất định hướng, ưu tiên lớn cho hợp tác ASEAN năm 2024, tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN; đồng thời trao đổi và thúc đẩy cách tiếp cận, ứng xử chung của ASEAN với các vấn đề quốc tế và khu vực.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự kiến cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương trong khuôn khổ Hội nghị AMM Retreat.
+ Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU lần thứ 24, Diễn đàn cấp Bộ trưởng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lần thứ 3 và kết hợp thăm làm việc tại Bỉ
Nhận lời mời của Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell Fontelles (Dô-dép Bô-ren), từ ngày 31/01 đến ngày 02/2/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU (AEMM) lần thứ 24 và Diễn đàn cấp Bộ trưởng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPMF) lần thứ 3, kết hợp thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU lần thứ 24, ASEAN và EU sẽ tiến hành rà soát quan hệ hợp tác, trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới, nhất là triển khai kết quả Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN – EU năm 2022 và trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Việc tham gia Diễn đàn cấp Bộ trưởng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPMF) lần thứ 3 là dịp để Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với EU và các nước thành viên, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và cùng quan tâm, góp phần huy động nguồn lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của Việt Nam, trong đó có tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhằm tiếp tục triển khai kết quả chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Bỉ (12/2022), đẩy mạnh quan hệ song phương với Bỉ trên nhiều lĩnh vực.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự kiến sẽ hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ và tham dự các hoạt động quan trọng khác.
+ Chương trình Xuân Quê hương 2024
Nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Xuân Quê hương 2024” dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ ba chương trình được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của hơn 1.500 kiều bào. Dự kiến, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tham dự sự kiện này.
Chương trình “Xuân Quê hương” năm 2024 với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh – viết tiếp anh hùng ca ngời sáng” bao gồm các hoạt động tri ân và truyền thống như đoàn kiều bào dâng hương các Vua Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng; gặp gỡ lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và tham dự các hoạt động kết nối địa phương.
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Đài Truyền hình Hà Nội: Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) gần đây đã đưa ra một thông cáo báo chí trong đó đề cập đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam năm 2023. Bộ Ngoại giao bình luận như thế nào về thông cáo báo chí này?
Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là “Tổ chức Theo dõi Nhân quyền” vì những nội dung sai sự thật, bịa đặt trong báo cáo mà phóng viên vừa nêu. Đây không phải lần đầu tiên, tổ chức này đưa ra những luận điệu vu cáo, định kiến với ý đồ xấu nhằm vào Việt Nam, âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Những nỗ lực, quyết tâm, thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của con người đã được thể hiện thông qua những kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên thực tế và được đông đảo nhân dân trong nước, cộng đồng quốc tế thừa nhận và đánh giá cao.
2. Phoenix TV: Ngày 20/1/2024, tòa tuyên án 100 bị cáo trong vụ khủng bố Đắk Lắk. Trước đó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng vụ án này có liên quan đến một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ do đó phía Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để điều tra vụ án. Xin hỏi hai bên đã phối hợp như thế nào và sau khi tuyên án Việt Nam có tiếp tục điều tra về tổ chức này hay không. Sau khi tòa án đưa ra phán quyết, trên mạng xã hội có nhiều bài viết chỉ trích vấn đề “kỳ thị dân tộc thiểu số”. Xin Người Phát ngôn bình luận về vấn đề này?
Việc điều tra vụ án xảy ra tại Đắk Lắk ngày 11/6/2023 được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang thường xuyên trao đổi thông tin về các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật hai nước và luật pháp quốc tế.
Trong trao đổi với Bộ Công an Việt Nam, phía Hoa Kỳ khẳng định không dung túng bất kỳ tổ chức, cá nhân nào liên quan đến vụ việc, cam kết hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, gây ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.
Chúng tôi luôn tin tưởng rằng tất cả các nước và Việt Nam, cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới kiên quyết phản đối các hành động khủng bố dưới mọi hình thức, phối hợp điều tra xử lý nghiêm minh hành vi khủng bố theo quy định của pháp luật quốc tế.
Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn việc cho rằng có kỳ thị sắc tộc tại Việt Nam. Các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng như nhau và Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân./.