Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Họp báo thường kỳ lần thứ 6


THÔNG BÁO

1. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm chính thức Cuba và Venezuela (14-19/4)

Từ ngày 14-19/4/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Cuba và Cộng hòa Venezuela.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ đoàn kết truyền thống, hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Cuba không ngừng được quan tâm củng cố, thúc đẩy và phát triển trên mọi lĩnh vực. Hai bên đồng thời duy trì quan hệ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc.

Năm 2024 là năm đánh dấu dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Venezuela. Quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác toàn diện Việt Nam – Venezuela tiếp tục được thúc đẩy, tăng cường trên các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại Nhân dân, cũng như ngoại giao nghị viện và quan hệ giữa các địa phương. Hai bên cũng duy trì trao đổi tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba và Venezuela của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có ý nghĩa quan trọng, nhằm tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt đoàn kết gắn bó và hợp tác toàn diện với Đảng, Chính phủ và Nhân dân Cuba anh em, cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác tốt đẹp và khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Venezuela; qua đó nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam – Cuba và Việt Nam – Venezuela trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.

2. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Thái Lan đồng chủ trì kỳ họp Ủy ban hỗn hợp song phương lần 5 (10-12/4)

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara (Pan-pri Pha-hịt-tha-nu-con), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Thái Lan và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan (JCBC 5) từ ngày 10 đến ngày 12/4/2024.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan tiếp tục phát triển tốt đẹp, tin cậy chính trị gia tăng, trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, cũng như các cơ chế hợp tác song phương được duy trì hiệu quả. Chuyến thăm góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam – Thái Lan, duy trì và phát huy hiệu quả cơ chế Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan nhằm rà soát các lĩnh vực hợp tác và đề xuất định hướng phát triển quan hệ hai nước.

Trong sáng ngày hôm nay, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã tới chào Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn (Ma-hả Chặc-kri Si-rin-thon), Thủ tướng Thái Lan Sretha Thavisin (Xệt-tha Tha-vi-xin) và cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara (Pan-pri Pha-hịt-tha-nu-con) đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan.

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Thông tấn xã Việt Nam: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về nội dung báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV?

Chúng tôi rất thất vọng trước việc mặc dù có sự hiện diện đầy đủ tại Việt Nam và quan hệ hợp tác lâu dài, toàn diện với các Ban, Bộ, ngành Việt Nam, Báo cáo riêng của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV có nhiều nội dung sai sự thật, không được kiểm chứng cùng nhiều đánh giá không khách quan, không cân bằng, không phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Trong thời gian qua, quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam đã được tiến hành một cách nghiêm túc, toàn diện, có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan cũng như các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, Báo cáo riêng của các cơ quan Liên hợp quốc đã không được xây dựng một cách minh bạch tương xứng với những thiện chí hợp tác và quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia của Việt Nam, hoàn toàn không thể hiện đúng tinh thần và thực tiễn hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, các ưu tiên hợp tác mà Việt Nam và các cơ quan phát triển Liên hợp quốc đã nhất trí. Chúng tôi cho rằng các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và các cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam trong tương lai cần được triển khai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan và các ưu tiên của Việt Nam. 

2. Báo Tuổi trẻ: Đề nghị Phó Phát ngôn cho biết quan điểm của Việt Nam về việc một số nước đã tiến hành diễn tập trên Biển Đông trong thời gian gần sát nhau?

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng trong khu vực. Do đó, việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là mục tiêu, lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia.

Việt Nam đề nghị hoạt động của các bên ở Biển Đông cần phải được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu trên.

3. AFP: Hiện tại Tổng giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher,  đang có chuyến thăm Việt Nam. Trong các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng như Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Việt Nam và Tòa Thánh Vatican có thảo luận về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Đức Giáo hoàng Vatican và việc nâng cấp quan hệ hai nước không? Đề nghị Phó Phát ngôn bình luận về quan hệ Việt Nam – Vatican?

Quan hệ Việt Nam – Tòa thánh Vatican thời gian qua có nhiều tiến triển tích cực thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai bên, kết quả các vòng đàm phán của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican và đặc biệt là việc hai bên đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam tháng 7/2023.

Từ ngày 9-11/4/2024, Tổng giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher đã có chuyến thăm tới Việt Nam.

Tại buổi tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và cuộc làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Paul Richard Gallagher đã đánh giá cao những thành tựu phát triển về mọi mặt của Việt Nam cũng như sự phát triển, đóng góp tích cực của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển Việt Nam. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì hiệu quả các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao, phát huy vai trò của Đại diện Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam, góp phần đưa quan hệ hai bên đạt được thêm nhiều bước tiến quan trọng.

4. AFP: Thủ tướng Campuchia Hun Manet mới đây thông báo nước này sẽ thúc đẩy kế hoạch xây dựng kênh đào Funan Techo. Đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về thông báo của phía Campuchia?

Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các nước ven sông Mê Công, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước sông Mê Công, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích của cộng đồng người dân trên lưu vực, tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông.

Việt Nam rất quan tâm đến những thông tin về Dự án Kênh đào Funan Techo và đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam và Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực.

5. Central News Agency: Hội thương nhân Đài Loan thế giới mới đây đã tổ chức một hội nghị tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội nhưng quá trình này luôn bị phía Trung Quốc can thiệp gây sức ép, khiến thương nhân tại Đài Loan lo lắng. Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố sẽ tạo môi trường thuận lợi cho thương nhân nước ngoài đến đầu tư. Việt Nam có đồng tình và ủng hộ việc Trung Quốc gây sức ép đối với các hoạt động của thương nhân Đài Loan tại Việt Nam không và Việt Nam có biện pháp nào để cam kết các thương nhân nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ bị can thiệp chính trị không?

Trên cơ sở chính sách “Một Trung Quốc”, Việt Nam duy trì và phát triển quan hệ dân gian, phi chính phủ với Đài Loan (Trung Quốc) trên nhiều lĩnh vực trong đó có kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, đào tạo, văn hóa…

Với chủ trương coi đầu tư nước ngoài là một trong những nguồn lực quan trọng, là động lực để phát triển đất nước, Việt Nam luôn quan tâm và coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Đài Loan đến kinh doanh, sản xuất, làm ăn lâu dài tại Việt Nam./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer