THÔNG BÁO
1. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2024 (02-03/5/2024)
Nhận lời mời của Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann (Ma-thi-át-xơ Co-rơ-man), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD từ ngày 02-03/5/2024 tại Paris, Pháp.
Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD là hoạt động thường niên quan trọng nhất của OECD nhằm thảo luận các vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội chiến lược, định hướng hợp tác trong OECD cũng như trao đổi về xây dựng các quy định, tiêu chuẩn quản trị kinh tế toàn cầu. Hội nghị năm nay có chủ đề “Cùng kiến tạo thay đổi: Dẫn đầu thảo luận toàn cầu với cách tiếp cận khách quan và đáng tin cậy vì mục tiêu tăng trưởng bền vững và bao trùm”. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các vấn đề như biến đổi khí hậu, cách mạng số, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và các giá trị chung, tìm kiếm giải pháp để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và phát triển kinh tế bền vững và bao trùm. Hội nghị lần này cũng cũng diễn ra Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP) mà Việt Nam và Australia đang đảm nhiệm cương vị Đồng Chủ tịch nhiệm kỳ 2022 – 2025. Quan hệ hợp tác Việt Nam – OECD thời gian qua phát triển tích cực, thực chất với việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam – OECD giai đoạn 2022-2026 phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững, bao trùm, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam
Dự kiến, trong thời gian tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD tại Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cũng như có một số hoạt động đối ngoại quan trọng khác.
2. Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc” tại tỉnh Bình Dương (17/5/2024)
Ngày 17/5/2024, Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức Hội nghị Gặp gỡ Hàn Quốc (Meet Korea) tại tỉnh Bình Dương. Đây là hoạt động mà Việt Nam và Hàn Quốc đã tổ chức thường niên từ năm 2016 đến nay. Hoạt động này luôn thu hút được sự chú ý và quan tâm, tham dự của nhiều doanh nghiệp, địa phương Việt Nam và Hàn Quốc, là dịp để các bên giao lưu, kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác cũng như củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị trong các lĩnh vực quan trọng giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Hội nghị Gặp gỡ Hàn Quốc năm nay dự kiến có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp địa phương. Về phía Hàn quốc có sự tham dự của trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan/tổ chức kinh tế, văn hóa, du lịch… Hàn Quốc tại Việt Nam, các tập đoàn/doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Hội nghị năm nay sẽ tập trung trao đổi tình hình hợp tác thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển nông nghiệp xanh giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc; qua đó các bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra kiến nghị và đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa trong các lĩnh vực nêu trên.
Các cơ quan báo chí quan tâm có thể liên hệ với Bộ Ngoại giao Việt Nam để đăng ký tham dự đưa tin về sự kiện này.
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Vietnamnet: Đề nghị bình luận về Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024 vừa qua trong đó có nội dung về Việt Nam?
Báo cáo Nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4/2024 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.
Một lần nữa chúng tôi khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó coi con người là trung tâm, là động lực của quá trình Đổi mới và công cuộc phát triển đất nước. Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và được bảo vệ, thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn.
Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục trao đổi thẳng thẳn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết, qua đó đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
2. Lao động: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc công bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông?
Lập trường của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán, đã được khẳng định rõ trong những năm qua. Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, mà còn vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông./.