THÔNG BÁO
1. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân thăm chính thức Malaysia (21 - 23/11/2024)
Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (An-oa I-bờ-ra-him) và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến ngày 23/11/2024.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Malaysia phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Malaysia ngày càng được tăng cường, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ tích cực với các chính đảng lớn tại Malaysia. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển tích cực. Trong ASEAN, Malaysia là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Malaysia. Hợp tác trên các lĩnh vực khác như quốc phòng - an ninh, lao động, giáo dục, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân… đạt được nhiều kết quả tích cực. Hai nước phối hợp chặt chẽ tại ASEAN và các diễn đàn khu vực và quốc tế. Năm 2025, Việt Nam và Malaysia sẽ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm là dịp để lãnh đạo hai nước thông tin cho nhau về tình hình mỗi nước, trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Malaysia về mọi mặt, đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 21/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (An-oa I-bờ-ra-him). Tại cuộc gặp gỡ báo chí chung ngay sau hội đàm, lãnh đạo hai nước đã tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Malaysia lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng sẽ hội kiến Chủ tịch Thượng viện Awang Bemee Awang Ali Basah (A-goang Bê-mi A-goang A-li Ba-sa), Chủ tịch Hạ viện Tan Sri Dato’ Johari Bin Abdul (Tan Sơ-ri Đa-tô Giô-ha-ri Bin Áp-đun); tiếp một số lãnh đạo chính đảng của Malaysia; có bài phát biểu chính sách tại trường Đại học Malaya và có các hoạt động quan trọng khác.
2. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các chính đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP) (Từ ngày 21 – 24/11/2024)
Nhận lời mời của Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen (Xăm-đéc Tê-chô Hun Sen), Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary (Xăm-đéc Khuôn Xộ-đa-ry) và Chủ tịch Ủy ban Thường trực Hội nghị quốc tế các Đảng chính trị châu Á Chung Eui-yong (Châng Ưi I-âng), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các chính đảng chính trị châu Á và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình từ ngày 21 – 24/11/2024.
Đây là chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kể từ khi nhậm chức. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước tiếp tục được duy trì và phát triển. Hai bên duy trì nhiều hoạt động tiếp xúc cấp cao và các cấp. Các cơ chế hợp tác song phương quan trọng tiếp tục phát huy hiệu quả. Hợp tác thương mại - đầu tư, quốc phòng - an ninh, giao thông - vận tải, giáo dục – đào tạo, du lịch, nông nghiệp… đạt nhiều kết quả thiết thực. Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary (Khuôn Xộ-đa-ry); hội kiến Quốc vương Norodom Sihamoni (Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni); hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen và Thủ tướng Hun Manet (Hun Ma-nét); dự Lễ khánh thành Trụ sở hành chính mới của Quốc hội Campuchia và có các hoạt động quan trọng khác.
Hội nghị toàn thể lần thứ 12 Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) là diễn đàn quốc tế lớn nhất của các đảng chính trị ở khu vực châu Á và cũng là diễn đàn đa phương chính đảng lớn nhất thế giới. Năm nay, với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải”, Hội nghị nhằm thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các đảng chính trị tại châu Á và châu Đại Dương, tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa các dân tộc và các quốc gia; thúc đẩy hoà bình và thịnh vượng thông qua quan hệ kênh đảng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Lễ Khai mạc, làm việc với lãnh đạo Hội nghị quốc tế các chính đảng chính trị châu Á (ICAPP) và có các hoạt động tiếp xúc bên lề Hội nghị.
Đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên họp của Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ tham dự Phiên khai mạc và có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo nghị viện các nước tham dự Phiên họp này.
3. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thăm làm việc Vương quốc Đan Mạch và Cộng hòa Phần Lan (24 - 29/11/2024)
Từ ngày 24-29/11/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ thăm làm việc Vương quốc Đan Mạch và Cộng hòa Phần Lan. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với Vương quốc Đan Mạch và Phần Lan phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.
Về quan hệ Việt Nam – Đan Mạch, hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt trên 566 triệu USD. Đan Mạch hiện có 166 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 2 tỷ USD. Đan Mạch là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam–EU (EVIPA) (tháng 11/2021). Về hợp tác phát triển, Đan Mạch thuộc nhóm các nước cung cấp nhiều vốn không hoàn lại (ODA) nhất cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững… Đan Mạch đã tham gia Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam (tháng 12/2022).
Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan đang phát triển tốt đẹp. Về chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp. Về kinh tế, Phần Lan là một đối tác quan trọng của Việt Nam tại Bắc Âu. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 376 triệu USD. Về hợp tác phát triển, Phần Lan liên tục dành viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với tổng số tiền viện trợ khoảng 340 triệu USD.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự kiến có các cuộc hội kiến với lãnh đạo cấp cao, hội đàm song phương với lãnh đạo đồng cấp và tiếp xúc với các thành viên Chính phủ của hai nước Đan Mạch và Phần Lan và tham dự một số hoạt động quan trọng khác.
4. Tổng thống Cộng hòa Bun-ga-ri Ru-men Ra-đép và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam (24 - 28/11/2024)
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Bulgaria (Bun-ga-ri) Rumen Radev (Ru-men Ra-đép) và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 đến ngày 28/11/2024.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Bun-ga-ri phát triển tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Về chính trị - ngoại giao, Bun-ga-ri là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1950). Thời gian qua, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao và phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Về hợp tác kinh tế - thương mại, kim ngạch thương mại song phương giai đoạn 2021 - 2023 đạt trên 200 triệu USD/năm, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2019 - 2020. Giáo dục - đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước. Bun-ga-ri đã đào tạo cho Việt Nam trên 3.600 cán bộ khoa học và khoảng 30.000 công nhân kỹ thuật tay nghề cao. Bên cạnh đó, hợp tác lao động là lĩnh vực tiềm năng. Hợp tác địa phương cũng được duy trì và thúc đẩy, với việc thiết lập nhiều cặp quan hệ hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Bun-ga-ri.
Dự kiến, trong chuyến thăm, Tổng thống Ru-men Ra-đép sẽ hội đàm với Chủ tịch nước Lương Cường; hội kiến Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và có các hoạt động quan trọng khác.
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Tuổi trẻ: Có thông tin Đại sứ quán một số nước tại Ucraina đã đóng cửa và đưa ra cảnh báo đối với công dân trước nguy cơ leo thang xung đột Nga – Ucraina. Trước tình hình đó, Việt Nam có cảnh báo gì đối với công dân?
Trước diễn biến xung đột giữa Nga và Ucraina, trong đó có nguy cơ leo thang và lan rộng đến một số thành phố lớn của Ucraina, Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Ucraina như sau:
Đối cộng đồng người Việt Nam tại Ucraina, cần sẵn sàng phương án tốt nhất để giữ an toàn cho bản thân và gia đình, trong đó có việc sơ tán khỏi các thành phố lớn, tránh xa các khu vực nguy hiểm; thường xuyên theo dõi những thông tin cảnh báo của sở tại và của Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự hoặc các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) để phản ứng kịp thời và giữ liên lạc thường xuyên với các hội đoàn và Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina.
Công dân Việt Nam không đến Ucraina trừ trường hợp thực sự cần thiết.
Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, người dân có thể liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân: Đại sứ quán Việt Nam tại U-crai-na: +380930293889 và Tổng đài Bảo hộ công dân: +84.981848484.
2. VTC: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết ngày 20/11 đã diễn ra lễ bàn giao 5 trong số 12 máy bay T-6C từ Hoa Kỳ cho Việt Nam; đánh giá đây là một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ quốc phòng song phương. Xin Người Phát ngôn cho biết thêm thông tin và bình luận. Trong tương lai sẽ có thêm những kế hoạch chuyển giao nào khác không?
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương như Biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác quốc phòng năm 2011, Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng năm 2024, ngày 20/11/2024, Việt Nam đã tiếp nhận 5 máy bay huấn luyện T-6C thế hệ mới do Hoa Kỳ sản xuất.
Hoạt động hợp tác này nằm trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
3. Vietnamnet: Đề nghị Người Phát ngôn cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tổng thống Phi-líp-pin ký ban hành Đạo luật Các vùng biển, Đạo luật về luồng hàng hải vùng nước quần đảo của Phi-líp-pin và việc Trung Quốc công bố “Thông báo tên gọi tiêu chuẩn một phần các đảo, bãi của Trung Quốc ở Nam Hải” gồm 64 thực thể tại Biển Đông?
Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Việt Nam tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong việc ban hành nội luật và các quy định liên quan đến biển phù hợp với UNCLOS 1982. Đồng thời, Việt Nam cũng đề nghị các quốc gia khác tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, và các quyền của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.
Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, để thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng trên các vùng biển của mình. Việt Nam sẵn sàng cùng các bên giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
4. Sputnik (Nga): Theo thông tin từ The Times ngày 18/11, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch hỗ trợ ngân sách (trả một khoản tiền) cho các quốc gia như Việt Nam và Iraq nhằm giảm thiểu tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Xin Người Phát ngôn cho biết khoản ngân sách này có nằm trong các thỏa thuận hợp tác chống di cư bất hợp pháp giữa Việt Nam và Anh không? Nếu có, khoản ngân sách này sẽ được phân bổ cho các hoạt động cụ thể nào?
Chính sách nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng chống đưa người di cư trái phép, mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư. Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với các đối tác, bao gồm Anh, trong các vấn đề về di cư.
5. VnExpress: Báo cáo giữa năm của Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Đề nghị Người Phát ngôn bình luận về vấn đề này?
Việt Nam đánh giá cao việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ kết luận không có đối tác thương mại nào, trong đó có Việt Nam, can thiệp vào tỷ giá nhằm mục đích tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế, tại Báo cáo giữa năm về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Hoa Kỳ”.
Thời gian qua, trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ, trao đổi thường xuyên, có hiệu quả với Bộ Tài chính Hoa Kỳ, qua đó tăng cường hiểu biết hơn nữa, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước.
6. CNA (Đài Loan): Gần đây Việt Nam đã sửa đổi quy định về thị thực thương mại 3 tháng có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Theo đó, trước đây, người nước ngoài có thể xin thị thực không giới hạn trong một năm nhưng hiện nay chỉ có thể xin tối đa 2 lần trong 1 năm. Một số ý kiến cho rằng việc điều chỉnh này nhằm ngăn chặn việc có nhiều người Trung Quốc lợi dụng điều này để cư trú dài hạn ở Việt Nam. Đề nghị khẳng định thông tin cũng như bình luận về những ý kiến này? Có phải các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tăng cường kiểm tra người nước ngoài ở Việt Nam “không đúng theo mục đích của thị thực” hay không? Đề nghị Bộ Ngoại giao xác nhận thông tin cho biết có khoảng 100.000 người Trung Quốc đang cư trú tại tỉnh Bắc Ninh và khoảng 200.000 người Trung Quốc tại các khu vực miền Bắc?
Liên quan đến vấn đề thị thực cho người nước ngoài, chủ trương nhất quán của Việt Nam là luôn tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Vừa qua, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023, có nhiều nội dung tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài đến Việt Nam với mục đích học tập, làm việc, đầu tư, tìm hiểu thị trường và du lịch, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.
Những thông tin cho rằng Việt Nam tăng cường kiểm soát, xiết chặt chính sách thị thực đối với người nước ngoài là hoàn toàn không có cơ sở.
Đối với câu hỏi của phóng viên liên quan đến số liệu người Trung Quốc ở tỉnh Bắc Ninh và khu vực miền Bắc, chúng tôi sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng./.