Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ sáu, ngày 03 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông cáo báo chí số 05 - Ngày 31/03/2005


THÔNG CÁO BÁO CHÍ

P R E S S R E L E A S E

VỤ THÔNG TIN BÁO CHÍ - BỘ NGOẠI GIAO NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

Press & Information Department, Ministry of Foreign Affairs of SR of Vietnam

7 Chu Văn An - Hà Nội, Điện thoại: 199 2516, Fax: 823 4137

Số: 05/TCBC-NGĐ Ngày: 31/03/2005

_______________________________________________________________

I- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO CHÍNH NỬA CUỐI THÁNG 03/2005

(Theo thứ tự thời gian)

ĐOÀN VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI

1) Từ ngày 20-24/03/2005, đoàn đại biểu Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phúc Thanh dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Lào.

2) Từ ngày 21-24/03/2005, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Văn Bàng đã tới Cu-ba tham dự Hội nghị lần thứ 11 Ủy ban điều phối liên chính phủ về hợp tác kinh tế giữa các nước đang phát triển (IFCC-XI) của nhóm 77 (G-77) tổ chức tại La Ha-ba-na.

3) Từ ngày 24-26/03/2005, nhận lời mời của Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào Khăm-tày Xi-phăn-đon, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh và phu nhân đã thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào.

4) Từ ngày 28/03/2005, nhận lời mời của Quốc vương Cam-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-mu-ni, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Cam-pu-chia.

ĐOÀN NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM

Ngày 13/03/2005, đoàn đại biểu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Bua-xỏn Bụp-phả-văn dẫn đầu đã thăm Việt Nam.

Từ ngày 14-17/03/2005, Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á và các nước thành viên liên kết đã tới Việt Nam tham dự Hội nghị Hội đồng các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 40 tổ chức tại Hà Nội. Bao gồm:

-Bộ trưởng Giáo dục Bru-nêi P. Áp-đu A-gít U-ma,

-Bộ trưởng Giáo dục Cam-pu-chia Im Sê-thi,

-Bộ trưởng Giáo dục Quốc gia In-đô-nê-xi-a Bam-bang Su-đi-bi-ô,

-Bộ trưởng Giáo dục Lào Phim-ma-son Lu-ang-kham-ma,

-Bộ trưởng Giáo dục Ma-lay-xi-a D. S. Hi-sa-mu-đin Tun Hun-xê-in,

-Bộ trưởng Giáo dục Mi-an-ma Than A-ung,

-Bộ trưởng Giáo dục Phi-líp-pin Phờ-lo-ren-xi-ô Áp-bát,

-Bộ trưởng Giáo dục Xin-ga-po Tha-man San-mu-ga-rát-nam,

-Thứ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan Cha-ru-ai-pon Tô-ra-nin.

-Bộ trưởng Giáo dục Na-uy He-gơ Ô-lơ Be-gơ-sen

-Bộ trưởng Giáo dục Đông Timo A-min-đô Mai-a

3) Ngày 21/03/2005, đoàn đại biểu cấp cao Bộ An ninh Trung Quốc do Bộ trưởng An ninh quốc gia Hứa Vĩnh Dược dẫn đầu đã thăm làm việc tại Việt Nam.

4) Từ ngày 28/03-01/04/2005, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn An, đoàn đại biểu Quốc hội Nhân dân nước Cộng hoà An-giê-ri Dân chủ và Nhân dân do Chủ tịch Quốc hội Nhân dân A-ma Xa-a-đa-ni dẫn đầu đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

II- NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM, ÔNG LÊ DŨNG TRẢ LỜI PHÓNG VIÊN (theo thứ tự thời gian)

Ngày 14 tháng 03 năm 2005,

AFP, Bloomberg và Thanh niên: Đề nghị cho biết chi tiết liên quan đến việc 3 công ty dầu khí của Việt Nam, Trung Quốc và Phi-lip-pin đã ký một Thoả thuận ba bên về khảo sát địa chấn biển chung trong Khu vực Thoả thuận tại Biển Đông”?

Trả lời: Ngày 14/3/2005, tại thủ đô Ma-ni-la, Phi-lip-pin, đã diễn ra lễ ký "Thỏa thuận ba bên về khảo sát địa chấn biển chung trong Khu vực Thỏa thuận tại Biển Đông” giữa Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Công ty Dầu khí quốc gia Phi-lip-pin (PNOC) và Tổng công ty Dầu khí quốc gia ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC).

Theo Thỏa thuận, Các Bên cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc và bày tỏ quyết tâm biến Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Các Bên cũng khẳng định việc ký thỏa thuận không làm phương hại đến lập trường cơ bản của Chính phủ mỗi bên về vấn đề Biển Đông. Thỏa thuận còn nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng, nhất trí giữa các Bên liên quan trong quá trình thực hiện khảo sát chung.

Thỏa thuận quy định ba công ty dầu khí Việt Nam, Phi-lip-pin và Trung Quốc sẽ cùng tiến hành nghiên cứu chung về tiềm năng tài nguyên dầu khí trong một khu vực tại Biển Đông, được xác định bởi các tọa độ địa lý cụ thể; thời hạn của Thỏa thuận là ba năm.

Chủ tịch Hạ viện Phi-li-pin Giô-xê đờ Vê-nê-xi-a (Jose de Venecia), Bộ trưởng Năng lượng Phi-lip-pin Vin-xen-tê Pê-rết (Vincente Perez), Đại sứ Việt Nam và Đại sứ Trung Quốc tại Phi-lip-pin đã chứng kiến lễ ký.

Cùng ngày, Tổng thống Phi-lip-pin Gờ-lo-ri-a Ma-ca-pa-gan A-rô-giô (Gloria Macapagan Arroyo) đã thân mật tiếp đại diện của ba công ty dầu khí quốc gia. Đại sứ Việt Nam tại Phi-lip-pin Đinh Tích cùng dự buổi tiếp.

Ngày 15 tháng 03 năm 2005,

1. AFP: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc bày tỏ lo ngại việc Phi-lip-pin và Việt Nam sẽ tiến hành các nghiên cứu khoa học chung vào tháng 4/2005 tại khu vực quần đảo Trường Sa ?

Trả lời: Theo thỏa thuận giữa hai bên tại Khóa họp lần thứ ba Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Phi-lip-pin về hợp tác song phương tại Ma-ni-la tháng 2/2003, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Trung tâm Biển và Đại dương, Bộ Ngoại giao Phi-lip-pin, sẽ chủ trì tổ chức chuyến khảo sát nghiên cứu khoa học biển hỗn hợp giữa Việt Nam và Phi-lip-pin trên Biển Đông vào đầu tháng 4/2005.

Đây là chuyến khảo sát nghiên cứu khoa học biển hỗn hợp lần thứ ba được thực hiện giữa các nhà khoa học Việt Nam và Phi-lip-pin. Trước đây, hai chuyến nghiên cứu tương tự đã được hai bên thực hiện vào tháng 4/1996 và tháng 5/2000.

Các chuyến khảo sát nghiên cứu khoa học biển này được tiến hành nhằm nghiên cứu thực vật biển, san hô, cá biển, động vật nhuyễn thể, phù hợp với Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC) và các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

2. Câu hỏi: Đề nghị cho biết số liệu và tình hình hồi hương những người tị nạn Việt Nam đầu tiên từ Căm-pu-chia trở về nước? Liệu những người này có bị đối xử theo luật pháp của Việt Nam về tội vượt biên trái phép hoặc xâm phạm an ninh quốc gia?

Trả lời: Theo thông tin chúng tôi có được, ngày 11/3/2005 chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận 9 người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia tự nguyện trở về Việt Nam, trong khuôn khổ thỏa thuận chung giữa Việt Nam - Căm-pu-chia và UNHCR ký ngày 25/01/2005.

Chính phủ Việt Nam không phân biệt đối xử, trừng phạt những người trở về vì tội vượt biên trái phép. Những người trở về sẽ nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương để nhanh chóng ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng./.

Ngày 17 tháng 03 năm 2005,

Câu hỏi: Lập trường của Việt Nam về việc Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua "Luật chống chia cắt".

Trả lời: Trước sau như một, Việt Nam kiên trì lập trường "một nước Trung Quốc", Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Việt Nam phản đối các hoạt động Đài Loan độc lập, đồng thời chia sẻ nguyện vọng thống nhất đất nước của nhân dân Trung Quốc và hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc kiên trì thực hiện hòa bình thống nhất đất nước, duy trì hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan.

Ngày 21 tháng 03 năm 2005,

1. AFP: Đề nghị khẳng định thông tin về việc Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ vào mùa hè tới? Nếu đúng, đề nghị cho biết thời gian cụ thể và các chi tiết liên quan?

Trả lời: Thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những tiến triển. Hai nước đã tăng cường các cuộc tiếp xúc và đối thoại ở cấp cao, và giữa các Bộ, ngành nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy phát triển quan hệ theo một khuôn khổ ổn định, lâu dài trong tương lai.

Chúng tôi tin rằng những cuộc tiếp xúc như vậy ở các cấp giữa hai nước sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

2. Tuổi trẻ: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Mỹ đơn phương ngừng chương trình nghiên cứu (phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường Việt Nam) về tác hại của chất da cam/điôxin, với lý do chính phủ Việt Nam không hỗ trợ cho chương trình?

Trả lời: Các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết phía Hoa Kỳ đã quyết định đơn phương ngừng chương trình hợp tác nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin đã thỏa thuận với Việt Nam .

Chúng tôi cho rằng giải quyết những hậu quả nặng nề của chất độc da cam/đi-ô-xin mà quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh gây ra cho con người và môi trường Việt Nam là vấn đề nhân đạo hết sức bức xúc. Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác với các nhà khoa học trên thế giới, trong đó có các nhà khoa học Hoa Kỳ, trong việc nghiên cứu và xử lý tác hại và ảnh hưởng của chất độc da cam, và trao đổi, thoả thuận về kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực này.

Quan điểm của Việt Nam là trong khi tiến hành nghiên cứu khoa học, điều cấp bách là cần tiến hành ngay những hoạt động cứu trợ và khắc phục hậu quả cho các nạn nhân. Việt Nam luôn hoan nghênh bất cứ chương trình nghiên cứu nào nhằm mục đích tẩy độc, chẩn đoán, điều trị bệnh cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin ở Việt Nam.

Ngày 29 tháng 03 năm 2005,

1-Nikkei: Đề nghị cho biết vòng đàm phán đa phương lần thứ 10 về việc Việt Nam gia nhập WTO tại Giơ-ne-vơ dự kiến sẽ diễn ra và kết thúc vào ngày nào?

Trả lời: Dự kiến, phiên 10 đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 5/2005 tại Giơ-ne-vơ (Thuỵ Sĩ). Phiên họp này sẽ tiếp tục tập trung vào việc hoàn tất Báo cáo gia nhập WTO của Việt Nam.

2- Nikkei: Xin cho biết thành phần đoàn Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Đối thoại Hợp tác Châu Á ( ACD) lần thứ 4 tại Pa-ki-xtan?

Trả lời: Từ ngày 4-7/4/2005, nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Pa-ki-xtan, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Đối thoại Hợp tác Châu Á (ACD) lần thứ 4 được tổ chức tại I-xla-ma-bat ( Pa-ki-xtan). Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác, đặc biệt là hợp tác kinh tế ở khu vực.

HẾT

 

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer