THÔNG CÁO BÁO CHÍ
P R E S S R E L E A S E
|
VỤ THÔNG TIN BÁO CHÍ - BỘ NGOẠI GIAO NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM
Press & Information Department, Ministry of Foreign Affairs of SR of Vietnam
7 Chu Văn An - Hà Nội, Điện thoại: 199 2516, Fax: 823 4137
Số: 09/TCBC-NGĐ Ngày: 15/05/2005
_________________________________________________________________________________________________________________________________
I- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO CHÍNH NỬA ĐẦU THÁNG 05/2005
(Theo thứ tự thời gian)
ĐOÀN VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI
- Từ ngày 2-4/5/2005, nhận lời mời của Ủy ban Kế hoạch và Đầu tư Lào, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc dẫn đầu đã thăm làm việc tại Lào.
- Từ ngày 2-5/5/2005, nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc Ban Ki Mun, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên đã thăm chính thức Hàn Quốc.
- Nhận lời mời của Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Giôn Hô-uốt và Thủ tướng Niu-di-lân Hê-len Clác, đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu đã thăm chính thức Ô-xtrây-li-a từ ngày 4-7/5/2005 và Niu-di-lân từ ngày 8-11/5/2005.
- Từ ngày 13-15/5/2005, Thứ trưởng thường trực Ngoại giao Việt Nam Lê Công Phụng đã tới Xinh-ga-po tham dự cuộc họp thường kỳ lần thứ hai giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Xinh-ga-po.
ĐOÀN NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
- Từ ngày 5-6/05/2005, nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rô-bớt Giô-ê-líc đã thăm chính thức Việt Nam.
- Từ ngày 14-19/05/2005, Phó Chủ tịch Quốc hội Đức, Tiến sĩ Héc-man Ốt-tô Som dẫn đầu đoàn đại biểu CHLB Đức đã thăm chính thức Việt Nam.
II- NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM, ÔNG LÊ DŨNG TRẢ LỜI PHÓNG VIÊN (theo thứ tự thời gian)
Ngày 6 tháng 5 năm 2005,
1. AFP, Bloomberg: Theo tin tức từ Washington, Hoa Kỳ thông báo hôm thứ Năm rằng nước này đã ký được một Hiệp định về Tự do Tôn giáo với Việt Nam mà trong Hiệp định này có nêu ra "nhiều lo ngại lớn về tự do tôn giáo" ở Việt Nam mà ông Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick sẽ cần phải đề cập đến trong chuyến thăm hiện nay ở Việt Nam. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam và Hiệp định trên? Đề nghị cho biết rõ Hiệp định trên đã được quan chức nào của hai nước ký kết, thời gian và địa điểm ký? Việt Nam có tin là thỏa thuận này giúp loại bỏ nguy cơ Việt Nam bị áp đặt các chế tài kinh tế do Hoa Kỳ gọi là một nước quan tâm đặc biệt về các vấn đề tự do tôn giáo?
Trả lời: Nhân dịp chuyến thăm Hoa Kỳ từ 31/3-6/4/2005, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng đã có các cuộc tiếp xúc với các quan chức Hoa Kỳ để trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có cuộc gặp với Đại sứ lưu động về các vấn đề tôn giáo của Hoa Kỳ, John Hanford. Các cuộc tiếp xúc đã góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa hai bên.
Về vấn đề tự do tôn giáo, hai bên đã trao đổi trên tinh thần thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời đã trao đổi thư, trong đó Việt Nam thông báo về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, khẳng định chính sách tôn trọng tự do tôn giáo của Nhà nước Việt Nam qua việc ban hành và triển khai thực hiện những văn bản pháp quy mới về tôn giáo. Phía Việt Nam yêu cầu Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các nước đặc biệt quan tâm” về tự do tôn giáo (CPC).
Phía Hoa Kỳ ghi nhận những phát triển tích cực về tôn giáo ở Việt Nam và cam kết xem xét việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC.
Việt Nam mong rằng phía Hoa Kỳ sẽ có quyết định đúng đắn, phù hợp với những nguyên tắc trong quan hệ giữa hai nước trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, không để ảnh hưởng đến lợi ích rộng lớn giữa hai nước.
2. Bloomberg: Hôm qua 5/5/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết ông sẽ đi thăm Mỹ vào tháng Sáu tới. Xin cho biết Thủ tướng sẽ đi thăm Mỹ vào ngày nào, tới những đâu và gặp những ai?
NHK: Xin khẳng định thông tin trong cuộc họp báo chiều nay 6/5/2005 của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Robert Zoellick có nói rằng: trong buổi làm việc sáng nay với Phó Thủ tướng Vũ Khoan, ông ta đã chuyển lời mời của Tổng thống Mỹ tới Thủ tướng Phan Văn Khải tới thăm chính thức Mỹ vào ngày 21/6/2005?
Trả lời: Năm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1995-12/7/2005). Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại song phương giữa hai bên được ký kết, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những phát triển quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tạo cơ sở để tiến tới xây dựng một quan hệ ổn định, vững chắc và lâu dài giữa hai nước.
Trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 6/5/2005, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Robert Zoellick đã chính thức chuyển lời của Tổng thống George Bush mời Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Hoa Kỳ cuối tháng 6/2005.
Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ góp phần tăng cường và phát triển quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước.
Hiện nay, hai bên đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm. Chúng tôi sẽ thông báo khi có thông tin chi tiết.
3. AFP: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc ông Tony Blair đã thắng lợi trong cuộc bầu cử tại Anh và lần thứ 3 sẽ trở thành Thủ tướng của nước này?
Trả lời: Chúng tôi xin chúc mừng Ngài Tony Blair đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua và sẽ trở thành Thủ tướng Vương Quốc Anh nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.
Trong hai nhiệm kỳ vừa qua của Thủ tướng Tony Blair, quan hệ giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh đã có nhiều tiến triển tốt đẹp. Chúng tôi mong rằng trong nhiệm kỳ tới của Thủ tướng Tony Blair, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ngày 12 tháng 5 năm 2005,
1. AFP: Đề nghị cho biết ngày cụ thể Thủ tướng Phan Văn Khải rời Việt Nam lên đường đi thăm Hoa Kỳ? Liệu trong chuyến thăm Hoa Kỳ tới, Thủ tướng Phan Văn Khải có đi thăm nước nào khác tại Bắc Mỹ hay Châu Âu?
Trả lời: Nhận lời mời của Tổng thống George W. Bush, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ vào cuối tháng 6/2005.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải sẽ đi thăm chính thức Ca-na-đa.
Các bên đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm. Chúng tôi sẽ thông báo khi có chương trình chi tiết.
2. AFP: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Quốc vương Căm-pu-chia Norodom Sihamoni đã thông qua việc thành lập Hội đồng Biên giới Quốc gia để xem xét các tranh chấp về biên giới của nước này với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam
Việt Nam có sẵn sàng mở lại các cuộc thương lượng song phương về vấn đề biên giới với Căm-pu-chia và xin cho biết những bất đồng chủ yếu hiện nay?
Trả lời: Việt Nam coi việc thành lập Hội đồng Biên giới Quốc gia là công việc nội bộ của Căm-pu-chia.
Chính sách trước sau như một của Việt Nam là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước, trong đó có Vương quốc Cam-pu-chia.
Việt Nam luôn triệt để tôn trọng các thoả thuận về biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và Cam-pu-chia đã được ký kết giữa hai nước trên cơ sở thực sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Tại diễn đàn gần đây của Ủy ban Liên hợp Biên giới Việt Nam-Căm-pu-chia (3/2005), hai bên nhất trí tăng cường đàm phán về vấn đề biên giới và mong muốn sớm giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết lẫn nhau và láng giềng tốt nhằm xây dựng đường biên giới Việt Nam-Căm-pu-chia thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Điều này cũng đã được khẳng định rõ trong Tuyên bố chung Việt Nam-Căm-pu-chia nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Căm-pu-chia của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh từ ngày 28-30/3/2005.
3- AP: Đề nghị khẳng định thông tin nói rằng tàu Sea Bee thuộc trường Đại học Hàng hải của Việt Nam bị tàu hải quân Trung Quốc đang tập trận bắn chìm sáng ngày 2/5/2005 tại vùng biển cách Thượng Hải 100 hải lý làm 23 thủy thủ trên tàu mất tích.
Trả lời: Thông tin như phóng viên hỏi là không có cơ sở.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam cho biết: Tàu SEA BEE, quốc tịch Mông Cổ, chủ tầu là Công ty Vận tải biển Đông Long quản lý và khai thác, trên tàu có 23 thủy thủ Việt Nam, đang trên đường chở 5.000 tấn thép từ cảng Quinghuang Dao- Trung Quốc đi Manila-Phi-lip-pin đã phát tín hiệu báo nạn ngày 2/5/2005 ngoài khơi, cách bờ biển Thượng Hải khoảng 100 hải lý.
Các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã nỗ lực tìm kiếm. Cho đến nay, đã xác định được vị trí nơi tàu SEA BEE bị đắm và tìm thấy thi thể hai nạn nhân, trong đó có 01 người được xác định là máy trưởng Đàm Cao Vân.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan của Trung Quốc giải quyết hậu quả và tìm hiểu nguyên nhân của vụ tàu SEA BEE bị đắm.
Ngày 13 tháng 5 năm 2005,
AFP, DPA: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam đối với bản báo cáo mới nhất của tổ chức Human Rights Watch trong đó cho rằng văn bản pháp quy mới về tôn giáo đang được dùng để đàn áp những người dân tộc thiểu số theo đạo và Công an Việt Nam trong thời gian gần đây có bắt giữ bất hợp pháp một số người Thượng ở Tây Nguyên?
Trả lời: Thông tin của " Tổ chức theo dõi nhân quyền" (Human Rights Watch) đưa ra là bịa đặt. Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ.
Ở Việt Nam không có vấn đề đàn áp tôn giáo, không có việc "cưỡng bức bỏ đạo”, không có ai bị giam giữ vì lý do tôn giáo.
Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân. Việc ban hành và đưa vào thực hiện những văn bản pháp quy mới đây về tôn giáo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chức sắc, tín đồ tôn giáo, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, thực hành đức tin của mình phù hợp với pháp luật.
Liên quan đến những người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trở về từ Căm-pu-chia, chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam là không phân biệt đối xử, trừng phạt những người trở về vì tội vượt biên trái phép. Những người trở về sẽ nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương để nhanh chóng ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Thời gian qua, chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận 35 người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Căm-pu-chia tự nguyện trở về Việt Nam, trong khuôn khổ thỏa thuận chung giữa Việt Nam-Căm-pu-chia và UNHCR ký ngày 25/1/2005. Chính quyền địa phương đã giúp đỡ, tạo điều kiện để những người trở về sớm ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Việt Nam tiếp tục hợp tác với Căm-pu-chia và UNHCR để thực hiện những thoả thuận đã đạt được tại Biên bản Ghi nhớ về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở Căm-pu-chia./.