Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Trả lời phỏng vấn của Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN về Hội nghị ASEAN lần thứ 55 và các Hội nghị liên quan Khẳng định giá trị của đối thoại và hợp tác


Câu hỏi: Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và kết quả của các Hội nghị lần này?

Từ ngày 2-5/8/2022, tại Phnom Penh, Campuchia đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các hội nghị liên quan, với hơn 20 hoạt động trong các khuôn khổ ASEAN, ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Các Hội nghị lần này mang rất nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Hội nghị AMM được tổ chức trực tiếp sau hơn hai năm gián đoạn do dịch bệnh COVID-19. Hội nghị AMM là một trong những đợt hoạt động quan trọng nhất của ASEAN trong năm, hội tụ đông đủ nhất Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và các đối tác cả trong và ngoài khu vực. Điều này phản ánh mong muốn của các nước sớm nối lại trao đổi, hợp tác với khu vực, cho thấy vai trò của ASEAN tiếp tục được các nước ủng hộ và coi trọng.

Thứ hai, các Hội nghị lần này là dịp để các nước đánh giá lại toàn bộ tiến trình hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong năm qua, để từ đó, cùng nhau đề ra định hướng tương lai sắp tới.

Nội dung được trao đổi tại các Hội nghị rất đa dạng, từ hợp tác ứng phó dịch bệnh, nâng cao năng lực y tế, thúc đẩy phục hồi, đến thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, hợp tác tiểu vùng, kết nối. Các nước cũng thảo luận tăng cường phối hợp ứng phó với các thách thức đang đặt ra như biến đổi khí hậu, khoảng cách phát triển, môi trường, dịch bệnh, an ninh năng lượng và lương thực…

Thứ ba, trên tinh thần đối thoại thẳng thắn và thực chất, ASEAN và các đối tác đã trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề cùng quan tâm ở khu vực và thế giới như Biển Đông, Mi-an-ma, Bắc Triều Tiên, Ucraina và Eo biển Đài Loan. Qua đó, khẳng định vai trò và giá trị chiến lược của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tạo diễn đàn để các nước trao đổi quan điểm của nhau, góp phần nâng cao hiểu biết, thu hẹp khác biệt và thúc đẩy lòng tin.

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã thông qua Thông cáo chung AMM-55 phản ánh các nội dung thảo luận, thể hiện đoàn kết, thống nhất và trách nhiệm của ASEAN, đúng như tinh thần chủ đề của năm Chủ tịch 2022 là “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức chung”. ASEAN và các đối tác cũng đã thông qua nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, làm cơ sở tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ trong thời gian tới.

Câu hỏi: Xin Đại sứ cho biết sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các Hội nghị lần này?

Sự tham gia của Việt Nam tại các Hội nghị lần này thể hiện sự tiếp nối các cam kết và trách nhiệm của chúng ta đối với khu vực và với công việc chung của ASEAN. Ngay từ đầu năm 2022 khi Campuchia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta đã có sự chuẩn bị từ sớm để có thể tham gia, đóng góp hiệu quả cho tất cả các hoạt động của ASEAN trong năm nay.

Trên tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, phương châm xuyên suốt 27 năm tham gia ASEAN, chúng ta luôn phối hợp chặt chẽ với các nước triển khai các ưu tiên và sáng kiến của ASEAN, sẵn sàng chung tay cùng ASEAN ứng phó các thách thức chung, như trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Tiếp nối tinh thần đó, đoàn Việt Nam, do Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn đầu, đã tham dự và tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công chung của các Hội nghị.

Trong bối cảnh các diễn biến căng thẳng gần đây như ở Biển Đông, Mi-an-ma, Bắc Triều Tiên và cả ở khu vực ngay bên cạnh ASEAN như Eo biển Đài Loan, Bộ trưởng đã cùng các nước trao đổi cởi mở và xây dựng, đề cao hợp tác thiện chí và đóng góp trách nhiệm, lấy đối thoại, tham vấn làm công cụ để tìm ra giải pháp, không để các mâu thuẫn, khác biệt và bất đồng leo thang thành xung đột. Tại tất cả các Hội nghị, Bộ trưởng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng lòng tin, kêu gọi kiềm chế, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Bộ trưởng cùng các nước tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, kêu gọi xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình và ổn định, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó  có Công ước Luật Biển 1982. Bộ trưởng cũng chia sẻ quan điểm của ASEAN và Việt Nam về các vấn đề khác.

Trao đổi về hợp tác trong ASEAN và với các đối tác, Đoàn ta đã có nhiều đóng góp cụ thể, đề xuất các sáng kiến liên quan đến tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, định hướng phát triển cho ASEAN sau 2025, thúc đẩy phục hồi, phát triển tiểu vùng, cũng như ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Cả trước và trong Hội nghị, Đoàn ta tham gia tích cực, đóng góp cân bằng, hài hòa vào nội dung các văn kiện, dung hòa khác biệt giữa các nước, bảo đảm đoàn kết, thống nhất của ASEAN. Các ý kiến của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của các nước và được phản ánh trong văn kiện của Hội nghị./.

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer