Khai giảng khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Mai Phan Dũng phát biểu tại Lễ khai mạc
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cho biết: Sau 2 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, năm 2022, với tình hình dịch bệnh đã ổn định, bằng sự quyết tâm, mong muốn thúc đẩy, hỗ trợ phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNON và để tiếp nối thành công của các Khóa tập huấn trước, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN theo hình thức trực tiếp.
Công tác xây dựng, củng cố và phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phổ biến, truyền bá tiếng Việt và văn hóa dân tộc ở nước ngoài. Ông Mai Phan Dũng chia sẻ, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng vẫn ngày càng lan tỏa và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Các giáo viên kiều bào vẫn luôn tận tình, sáng tạo trong việc giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ tại nhiều địa bàn. Ủy ban Nhà nước về NVNONN ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi của các thầy cô trong sự nghiệp “gieo chữ, trồng người” rất cao cả này.
Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng thông báo về việc Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN" giai đoạn 2023-2030, chính thức lựa chọn ngày 8/9 hằng năm là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. Đây cũng là dấu mốc quan trọng hằng năm trong đời sống tinh thần của cộng đồng NVNONN với những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh ngôn ngữ dân tộc. Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ mang ý nghĩa lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS Vũ Thị Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, phát biểu tại buổi lễ cho biết, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt cho NVNONN có vai trò quan trọng trong sự phát triển và bảo tồn tiếng tiếng Việt. Chính vì vậy, việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới, phương pháp, kỹ năng, kinh nghiệm cho giáo viên kiều bào là hết sức cần thiết để việc giảng dạy tiếng Việt hiệu quả và chất lượng. “Mục tiêu của Khóa tập huấn là để các học viên có thể áp dụng ngay những kiến thức học được vào việc dạy học tại cộng đồng nơi mình sinh sống”, PGS.TS Vũ Tú Anh chia sẻ.
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tiếng Việt cho NVNONN” diễn ra sau Lễ khai mạc, các giảng viên và học viên đã trao đổi những kinh nghiệm cụ thể trong ứng dụng công nghệ vào việc giảng dạy ngôn ngữ như việc lựa chọn sự dụng phần mềm, kho học liệu trên nền tảng internet... để việc sử dụng các công cụ hỗ trợ này đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, tính pháp lý và tính thực tiễn. Những chia sẻ, giới thiệu của các giảng viên, học viên tại buổi tọa đàm có ý nghĩa rất thiết thực cụ thể trong việc xây dựng, thiết kế bài giảng tiếng Việt thêm phong phú, đa dạng và tạo sự hấp dẫn đối người học.
Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN là hoạt động do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thường niên nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN. Khóa tập huấn được thiết kế nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, trình độ chuyên môn, sư phạm của giáo viên trong việc giảng dạy tiếng Việt theo giáo trình dành riêng cho NVNONN do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.
Hoạt động này cũng đóng góp tích cực trong việc xây dựng, củng cố, phát triển các tổ chức và hoạt động về tiếng Việt trong cộng đồng với sự tham gia của các cơ quan đại diện của Việt Nam, các tổ chức và cá nhân kiều bào, sự hợp tác và hỗ trợ của sở tại.
Ngoài ra, thông qua các hoạt động bên lề, Khóa tập huấn còn góp phần giáo dục, tuyên truyền về lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, công cuộc đổi mới toàn diện ở trong nước, gắn sự phát triển của tiếng Việt với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.
Từ năm 2013 đến nay, hơn 600 lượt giáo viên kiều bào đã tham gia các khóa tập huấn với sự hỗ trợ của các giảng viên là những chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp lên lớp, giảng dạy.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |