Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bế mạc Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29

(MOFA) - Sáng ngày 19/11/2022, tại Bangkok, Thái Lan, các Nhà Lãnh đạo APEC tiếp tục họp phiên thứ hai của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 với chủ đề “Thương mại và Đầu tư bền vững”.

Lễ tiễn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân tại sân bay không quân Hoàng gia Thái Lan, Bangkok sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự hội nghị APEC. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Các nhà Lãnh đạo đã thảo luận thẳng thắn, sâu sắc về tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tình trạng lạm phát tăng cao và rủi ro suy thoái kinh tế và thách thức nhiều mặt mà khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt. Các nhà Lãnh đạo nhất trí cần có cách tiếp cận mới, toàn diện hơn, cân bằng hơn để vượt qua khó khăn, khắc phục những hạn chế của quá trình tự do hoá thương mại và đầu tư, và bảo đảm lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội và các nền kinh tế.

Theo đó, các Nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua Các Mục tiêu Bangkok về mô hình kinh tế sinh học – tuần hoàn và xanh (BCG). Đây là tài liệu định hướng quan trọng cho việc triển khai chương trình nghị sự của APEC về phát triền bền vững và bao trùm với bốn nội dung chính: (i) Đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu trong ứng phó toàn diện với các thách thức về môi trường; (ii) Thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững, bảo đảm các chính sách thương mại và đầu tư có tác động tương hỗ đối với các chính sách môi trường; (iii) Bao tồn, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; (iv) Quản lý rác thải bền vững và hiệu quả tài nguyên hướng tới rác thải bằng không. 

 
Bên cạnh đó, các Nhà Lãnh đạo APEC đã giao các Bộ trưởng khẩn trương triển khai một cách toàn diện các nội dung hợp tác trên cả ba trụ cột hợp tác, trong đó đặc biệt chú trọng một số điểm sau:

Về thương mại và đầu tư bền vững: bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, bao trùm và dễ dự đoán; mở cửa thị trường, tạo một sân chơi công bằng thông qua cải cách WTO và thúc đẩy các hiệp định khu vực toàn diện và chất lượng cao; gia tăng tỷ trọng dịch vụ của APEC trong thương mại dịch vụ toàn cầu.

Về kết nối toàn diện khu vực: tạo thuận lợi cho đi lại thông suốt và an toàn qua biên giới sau đại dịch; tăng cường kết nối về cơ sở hạ tầng, thể chế, giao lưu nhân dân và kết nối số, chú trọng các kết nối tiểu vùng, vùng sâu, vùng xa thông qua đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển du lịch bền vững, bao trùm; củng cố và phát triển các chuỗi cung ứng mở, an toàn và tự cường, giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng và tiếp tục các nỗ lực xoá bỏ các rào cản đối với các dịch vụ liên quan đến hậu cần.

Về chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm: đẩy nhanh thực hiện lộ trình kinh tế số/kinh tế internet để tận dụng các công nghệ, đổi mới sáng tạo và thu hẹp khoảng cách số trong mỗi nền kinh tế và giữa các nền kinh tế; ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bền vững, bảo đảm an ninh lương thực dài hạn; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lợi ích của thương mại và đầu tư phải hài hoà với trách nhiệm bảo vệ môi trường, thúc đẩy chuyển đổi xanh; mang lại việc làm, lan toả lợi ích đến mọi người dân; và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ. Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị APEC tập trung vào ba hướng lớn gồm:

Thứ nhất, bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư mở, minh bạch, không phân biệt đối xử thông qua việc thực hiện nghiêm túc các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư, cùng với xoá bỏ các hàng rào kỹ thuật không phù hợp, hỗ trợ các nền kinh tế cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm tính liên tục, tin cậy, bền vững, sáng tạo của các chuỗi cung ứng khu vực, thúc đẩy các sáng kiến liên kết kinh tế khu vực và hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương.

Thứ hai, gắn kết thương mại, đầu tư với các Mục tiêu phát triển bền vững 2030. Về thương mại, khuyến khích xuất nhập khẩu sản phẩm công nghệ sạch và các mặt hàng nông, thuỷ sản đáp ứng tiêu chuẩn bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng và được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về nuôi trồng. Về đầu tư, thúc đẩy các dự án năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh; huy động nguồn lực cho chuyển đổi số.

Thứ ba, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao. APEC cần hỗ trợ các thành viên xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đào tạo lại và tạo cơ hội việc làm cho người lao động bị đào thải do thay đổi công nghệ, thị trường.

Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung, nhấn mạnh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm, kết nối toàn diện. Các nhà Lãnh đạo cũng nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 30 tại Hoa Kỳ vào năm 2023./.

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer