Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 21 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Hệ thống chính trị


Hiến pháp:
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Hiến pháp Việt Nam hiện nay - Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi), được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII năm 2013, là sự tiếp tục kế thừa của Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và những nguyên tắc, nội dung cơ bản, tư tưởng cốt lõi của Hiến pháp 1992 (được sửa đổi năm 2001 tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa X) với những bổ sung quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) bao gồm Lời nói đầu, 11 chương và 120 điều, quy định rõ chế độ chính trị: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Chính quyền địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, Bảo vệ Tổ quốc, Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp chỉ rõ Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.
Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
Hiến pháp quy định, ở Việt Nam các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Hiến Pháp trao cho mọi công dân (dù là nam hay nữ) quyền bình đẳng về mọi mặt; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình; quyền tự do đi lại và cư trú ở trên đất nước Việt Nam... Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Hệ thống chính trị:
Hệ thống chính trị của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm các cấu thành quyền lực chính trị sau:
Đảng Cộng sản Việt Nam: là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức từ ngày 20-28/01/2016, đã bầu 19 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - tái cử chức Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ khoá XII.
Nhân dân trong hệ thống chính trị: với tư cách là người sáng tạo lịch sử, nhân dân là lực lượng quyết định trong quá trình biến đổi xã hội, hình thành nên hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam. Mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân và họ thực hiện quyền lực của mình chủ yếu thông qua Nhà nước. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: là tổ chức trung tâm và là trụ cột của hệ thống chính trị, thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân quản lý toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội và thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại.

Quốc hội: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Ngày 31/03/2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII.
a) Nhiệm vụ: lập hiến, lập pháp; giám sát, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, những nguyên tắc chủ yếu của bộ máy Nhà nước, quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.
b) Nhiệm kỳ của Quốc hội: là 5 năm; Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ.
c) Đại biểu Quốc hội: là công dân Việt Nam, từ 21 tuổi trở lên, có phẩm chất, trình độ, năng lực, được cử tri tín nhiệm bầu ra. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước. Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
d) Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội: là đại biểu Quốc hội do Quốc hội bầu ra vào kỳ họp đầu tiên của mỗi khóa Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội là người giúp việc cho Chủ tịch theo sự phân công của Chủ tịch.
e) Ủy ban thường vụ Quốc hội: là cơ quan thường trực của Quốc hội, gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên; tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì kỳ họp Quốc hội; ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Toà án Tối cao, Viện Kiểm sát tối cao, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội.
g) Hội đồng Dân tộc gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên. Chủ tịch Hội đồng dân tộc do Quốc hội bầu; các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Hội đồng dân tộc nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội về công tác dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
h) Ủy ban chức năng của Quốc hội: Uỷ ban pháp luật; Uỷ ban tư pháp; Uỷ ban kinh tế; Uỷ ban tài chính, ngân sách; Uỷ ban quốc phòng và an ninh; Uỷ ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Uỷ ban về các vấn đề xã hội; Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường; Uỷ ban đối ngoại.
Chủ tịch nước: là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội.  Hiến pháp ghi rõ Chủ tịch nước có 06 quyền hạn, trong đó quan trọng nhất là: Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao… Chủ tịch nước giữ chức chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, Thủ tướng làm Phó chủ tịch và 4 ủy viên; danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn.
Ngày 02/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chính phủ: là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Chính phủ tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Chính phủ gồm có Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Ngày 07/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tòa án nhân dân: Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự và các Tòa án khác do luật định. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp Quốc hội có quy định khác khi thành lập Tòa án đó. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Viện kiểm sát nhân dân: Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Các tổ chức chính trị-xã hội và đoàn thể nhân dân: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.


Attachment files:

Cập nhật 13-06-2019

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer