Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 30 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới


1. Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới (2009)

Mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới đầu tiên của Việt Nam, được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009.

Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.555 tấm, là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Mộc bản triều Nguyễn ra đời khi triều đình nhà Nguyễn cho khắc các bản thảo trên gỗ để ban cấp cho các nơi do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo; cũng như lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử...

 

2. 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ Triều Lê – Mạc 1442-1779 – Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (2010) và di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới (2011)

Ngày 9/3/2010, UNESCO đã ghi danh 82 bia đá Tiến sĩ Văn Miếu thời Lê-Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2011, 82 bia đá Tiến sĩ Văn Miếu thời Lê-Mạc được chính thức công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới.

82 bia đá Tiến sĩ Văn Miếu thời Lê - Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội khắc các bài văn bia đề danh cùng thứ bậc và quê quán của 1304 vị tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình thời Lê sơ, thời Mạc và thời Lê trung hưng (1442-1779).  82 bia đá này là những tấm bia tiến sĩ duy nhất trên thế giới có bài ký không chỉ lưu danh những tiến sĩ đã thi đỗ trong các kỳ thi trải dài suốt gần 300 năm mà còn ghi lại lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài.

 

3. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm – Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (2012)

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã chính thức được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản tư liệu trong Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào ngày 16/5/2012, tại Băng Cốc (Thái Lan).

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những trung tâm đào tạo của giáo hội Phật giáo Việt Nam, nơi cất giữ hồ sơ của tăng ni toàn quốc; cũng là trung tâm ấn hành, xuất bản lớn của Phật giáo Việt Nam. Bộ mộc bản được san khắc tại chùa vào thời kỳ này bao gồm 3.050 bản ván khắc lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính, trong đó hầu hết là kinh, sách, luật giới nhà Phật, trước tác của Tam thế tổ. Ngoài ra, chùa Vĩnh Nghiêm có một số mộc bản in sớ, điệp, là loại văn bản chỉ có trong Phật phái Trúc Lâm.

 

4. Châu bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (2014)

Châu bản triều Nguyễn được UNESCO chính thức công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á –Thái Bình Dương vào tháng 5/2014 tại Kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam từ 1802 đến 1945. Các tài liệu này được hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn bao gồm văn bản của các cơ quan trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trình lên Hoàng đế phê duyệt và văn bản của các Hoàng đế ban hành cùng một số văn kiện ngoại giao và thơ văn ngự chế.

Châu bản triều Nguyễn chủ yếu được viết tay trên giấy dó bằng chữ Hán và chữ Nôm, một số văn bản giai đoạn cuối triều Nguyễn viết bằng chữ Pháp và chữ Việt. Châu bản lưu bút tích phê duyệt của 10 vị Hoàng đế nhà Nguyễn trên văn bản. Châu bản triều Nguyễn phản ánh các vấn đề của đời sống xã hội, các biến động về lịch sử, các chính sách đối nội, đối ngoại của triều Nguyễn như chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, xã hội, tôn giáo… ở Việt Nam thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

 

5. Mộc bản trường học Phúc Giang – Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (2016)

Mộc bản Trường học Phúc Giang được UNESCO chính thức công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 5/2016 tại Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Huế, Việt Nam.

Mộc bản Trường học Phúc Giang do dòng họ Nguyễn Huy khởi tạo trong thời kỳ hoạt động văn hóa của họ từ thế kỷ thứ 18 đến thế kỷ thứ 20, được sử dụng để dạy và học tại trường học Phúc Giang, làng Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh, Việt Nam.

Các tấm mộc bản này đại diện cho những bộ sách được lựa chọn của dòng họ Nguyễn Huy được hoàn thành bằng những bản viết tay thư pháp, khắc ngược lên gỗ thị đực. Nội dung viết về nhiều mảng lịch sử, chính trị, xã hội, tư tưởng, văn hóa, quan hệ ngoại giao và những tư tưởng thừa kế và phát triển Nho giáo.

 

6. Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế - Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (2016)

Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế được UNESCO chính thức công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 5/2016 tại Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Huế, Việt Nam.

Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu phản ánh lại nhân sinh quan của các vị vua nhà Nguyễn (1802-1945) về lịch sử, độc lập dân tộc, văn hóa, tư tưởng lãnh đạo đất nước và cuộc sống của con người. Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế đặc biệt có tính trang trí cao và độc đáo, bao gồm khoảng 3.000 tấm thư họa trên các loại chất liệu phong phú: gỗ, đã, đồng, pháp lam, gốm sứ, sơn mài…

 

 

7. “Hoàng Hoa sứ trình đồ” vào danh sách các di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO.

Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.555 tấm, là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

-Vào lúc 15h5, ngày 30-5-2018, Hội nghị Toàn thể lần thứ 8 Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO tại Gwangju, Hàn Quốc đã nhất trí ghi danh hồ sơ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” vào danh sách các di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO. Theo đó, Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO họp Hội nghị Toàn thể lần thứ 8 tại Gwangju, Hàn Quốc diễn ra từ ngày 29-5 đến 31-5-2018,. Tham dự cuộc họp có 125 đại biểu tham dự từ 28 quốc gia thành viên, Văn phòng UNESCO tại Băng Cốc, Văn phòng UNESCO tại Jarkarta, các chuyên gia tư vấn, các thành viên Văn phòng MOWCAP và các thành viên của các tiểu ban của MOWCAP. Ông Mai Phan Dũng, Phó Tổng Thư ký UBQG UNESCO, ông Đặng Quốc Vinh, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đại diện một số ban ngành tỉnh Hà Tĩnh và đại diện dòng họ Nguyễn Huy có mặt để bảo vệ hồ sơ. “Hoàng hoa sứ trình đồ” là cuốn sách miêu tả về một trong những hoạt động ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc trong thế kỷ XVIII, cụ thể là việc đi sứ của sứ bộ Việt Nam sang Trung Quốc, thể hiện việc giao lưu giữa các quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Phần chính của cuốn sách là bản đồ ghi chép bằng nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của Sứ bộ Đại Việt thế kỷ XVIII do Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ. Hồ sơ “Hoàng hoa sứ trình đồ” đã được bảo vệ thành công tại phiên họp thứ 7 của khóa họp, được các nước đánh giá cao là một hồ sơ hiếm, quý nói về quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 18, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực và trên thế giới và được thông qua với số phiếu 17/17 phiếu.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer