Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Công viên Địa chất Toàn cầu


1. Cao nguyên đá Đồng Văn (2010)

Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được UNESCO kết nạp là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10/2010. Đây cũng là công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam. Tháng 9/2014, tại Hội nghị Công viên địa chất lần thứ 6 tại Canada, Cao nguyên đá Đồng Văn đã được tái công nhận tư cách thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Hiện khu vực cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư ngụ của khoảng 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc thiểu số khác nhau của Việt Nam.

(Rừng đa cổ thụ thôn Thiên Hương – Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn)

2. Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng (2018)


Vào 13:00 ngày 12/04/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO (CVĐCTC). Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng trở thành CVĐCTC thứ hai ở Việt Nam, sau CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng có diện tích hơn 3275 km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện nơi địa đầu Tổ quốc, nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người. Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá,đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình,cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông- hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy,các loại hình khoáng sản..., tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này. CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, Quần thể Hồ Thang Hen, Động Ngườm Ngao… và đặc biệt Thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.

3. Công viên Địa chất Đắk Nông (2020)


Ngày 07/7/2020, tại Trụ sở UNESCO ở Paris, Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 đã thông qua Quyết định của Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu công nhận Công viên Địa chất Đắk Nông là Công viên Địa chất Toàn cầu.

Với sự công nhận này, Công viên Địa chất Đắk Nông trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có tổng cộng 147 Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO ở 41 quốc gia.

Công viên địa chất Đắk Nông được thành lập năm 2015 hướng đến mục tiêu tham gia mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu vào năm 2020. Trong thời gian vừa qua, các bộ ngành liên quan, trong đó có Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và nhất là UBND tỉnh Đắk Nông, cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế đã phối hợp, nghiên cứu các giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học, trên cơ sở đó xây dựng và đệ trình hồ sơ Công viên địa chất Đắk Nông lên UNESCO vào tháng 11/2018.

Với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 mét, các miệng núi lửa, thác nước…, Công viên địa chất Đắk Nông, miền đất của những âm điệu, từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, cùng với nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer