BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
XUÂN THỦY
Tên thường dùng: Xuân Thuỷ
Tên khai sinh: Nguyễn Trọng Nhâm
Ngày tháng năm sinh: 02/09/1912
Nơi sinh: Xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội
Quê quán: Xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội
Nơi thường trú: Hà Nội
Tham gia cách mạng: Năm 1932
Quá trình công tác: Từ năm 1932 đến năm 1985
Được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao:
Từ 30/04/1963 đến tháng 04 năm 1965
Cấp bậc trong Đảng khi làm Bộ trưởng Ngoại giao:
Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Quá trình hoạt động:
- Phụ trách báo "Cứu quốc" (1944-1954);
- Uỷ viên Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc bộ; Xứ uỷ viên Bắc kỳ (1945);
- Đại biểu Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và CHXHCN Việt Nam, Uỷ viên thường trực Quốc hội từ khoá I (03/1946-11/1946) đến khoá VII (1987);
- Uỷ viên thường trực Thường vụ Tổng bộ Việt Minh (1948-1950); Trưởng ban thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Liên Việt, sau đổi thành Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1951-1963); Bí thư Đảng Đoàn Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, liên tục là Uỷ viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (1955); Trưởng ban chỉ đạo hoạt động quốc tế của các đoàn thể nhân dân;
- Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khoá III (09/1960-1976);
- Uỷ viên Ban bí thư Trung ương Đảng (1968);
- Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và Uỷ viên Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IV (1976-1982);
- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá II (năm 1960) đến khoá VI (năm 1976);
- Phụ trách Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam (1952); Uỷ viên Hội đồng Hoà bình thế giới (1954); Phụ trách Uỷ ban đoàn kết Á-Phi của Việt Nam (1957);
- Chủ tịch Hội những người viết báo Việt Nam khoá I (1950), khoá II (1959) và là uỷ viên Ban chấp hành Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ);
- Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Xô (1980);Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Trung (1960);
- Phó trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Giơ-ne-vơ về Lào (1961);
- Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam (1968 - 1973)
- Ngoài ra, trong thời gian từ 1968 đến 1982 còn đảm nhiệm những chức vụ:
+Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng;
+Trưởng ban Cán sự Đảng ngoài nước;
+Trưởng ban hoạt động quốc tế của Trung ương Đảng;
+ Trưởng ban công tác miền Tây;
+Trưởng ban Dân vận và Mặt trận Trung ương.
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nước CH XHCN Việt Nam khoá III (1981);
- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước Việt Nam (1981 - 06/1982);
Những đóng góp chính cho ngành Ngoại giao:
Là nhà ngoại giao xuất sắc, giàu kinh nghiệm, nhiều năm lãnh đạo công tác ngoại giao Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân, Bộ trưởng Xuân Thủy là một người có công đóng góp to lớn vào mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước và vào việc đàm phán và ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Bộ trưởng Xuân Thủy đã vận dụng sáng tạo sách lược "tuy hai mà một, tuy một mà hai", kiên trì và có nghệ thuật đàm phán nhằm giữ vững mục tiêu chung của đất nước trong toàn bộ cuộc đàm phán cũng như mục tiêu cụ thể trong từng bước đàm phán. Chủ trương vừa đánh vừa đàm đã được vận dụng một cách sáng tạo, vừa kiên quyết vừa khôn khéo trong đàm phán công khai cũng như bí mật, vừa đấu tranh trên lĩnh vực báo chí, dư luận vừa tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của thế giới nhằm bao vây cô lập đối phương
Là Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngoài vai trò là một nhà đàm phán chính, Bộ trưởng Xuân Thủy đã đào tạo được nhiều cán bộ ngoại giao giỏi cho cả hai miền Bắc-Nam. Tên tuổi của Bộ trưởng Xuân Thủy gắn liền với thắng lợi vẻ vang của Hội nghị Pa-ri về Việt Nam và để lại cho thế hệ sau nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu về ngoại giao.
Ngày qua đời: 18 tháng 6 năm 1985.
Được tặng thưởng:
- Huân chương Hồ Chí Minh;
- Huân chương Độc lập hạng Nhất;
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất;
- Và nhiều huân, huy chương cao quí khác.