Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Ngoại giao và thành viên các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài
BỘ NGOẠI GIAO CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
QUY TẮC ỨNG XỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC,
VIÊN CHỨC BỘ NGOẠI GIAO VÀ THÀNH VIÊN CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 722 /QĐ-BNG ngày 26 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao)
------------------
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy tắc này quy định các nguyên tắc ứng xử chuẩn mực trong việc sử dụng mạng xã hội của cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao, thành viên cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài; trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trong việc thực hiện và xử lý vi phạm.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội này được áp dụng đối với:
1. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao và các cơ quan, đơn vị cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ ở trong nước, bao gồm cả công chức dự bị, viên chức tập sự, nhân viên hợp đồng và cán bộ biệt phái, sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức.
2. Cán bộ ngoại giao, nhân viên hành chính kỹ thuật, cán bộ biệt phái đang công tác tại các cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài và bên cạnh các tổ chức quốc tế, bao gồm cả các phu nhân, phu quân được hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước sau đây gọi chung là các thành viên cơ quan đại diện.
3. Cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.
Điều 3. Mục đích
1. Hướng dẫn, bảo đảm tất cả các cán bộ, công chức, viên chức Bộ Ngoại giao và thành viên các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sử dụng mạng xã hội phù hợp với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Bộ Ngoại giao, đặc biệt là Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Ngoại giao và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Ngoại giao và các thành viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
2. Là căn cứ để các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý trách nhiệm khi cán bộ, công chức, viên chức và các thành viên cơ quan đại diện vi phạm các chuẩn mực, nguyên tắc trong quá trình sử dụng mạng xã hội.
Chương II
CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI
Điều 4. Những điều cần làm
1. Sử dụng ngôn ngữ trên mạng xã hội chuẩn mực, lịch sự, tôn trọng người giao tiếp và cộng đồng mạng, phù hợp với vị trí và chức vụ đang giữ, văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam và nước sở tại.
2. Kiểm soát chặt chẽ tài khoản cá nhân của mình và các nội dung đăng tải trên mạng xã hội, đồng thời có hình thức quản lý phù hợp nhằm giảm thiểu khả năng thông tin bị thay đổi gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.
3. Chủ động bảo vệ tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để hạn chế bị tấn công mạng, quản lý chặt chẽ các bình luận trong tài khoản cá nhân trên mạng xã hội nhằm loại bỏ những nội dung tiêu cực có tính kích động, trái với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước và Bộ Ngoại giao, quan hệ của Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.
4. Đăng tải những thông tin, hình ảnh tích cực nhằm quảng bá đất nước, con người Việt Nam; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; quan hệ của Việt Nam với các nước, tổ chức quốc tế, góp phần tăng cường hiểu biết, nhận thức chung về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đoàn kết, gắn bó dân tộc, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế; chia sẻ các thông tin, dữ liệu, quan điểm chính thức của Bộ Ngoại giao, đặc biệt là các vấn đề được dư luận quan tâm.
5. Chủ động phát hiện và thông báo cho cơ quan những thông tin sai sự thật, thông tin bất lợi bị phát tán trên mạng xã hội có ảnh hưởng tiêu cực, gây hậu quả nghiêm trọng đến lợi ích của đất nước, uy tín và hình ảnh của Bộ Ngoại giao.
Điều 5. Những điều không được làm
1. Không có các hành vi sử dụng mạng xã hội vi phạm quy định của Nhà nước và của ngành, các điều lệ và quy định của Đảng (đối với Đảng viên), vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm quy định về bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của công dân và các quy định khác của pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng.
2. Không trao đổi, để lộ thông tin, tài liệu bí mật của Đảng, Nhà nước và của ngành hoặc những vấn đề, tài liệu chưa được phép công bố; những vấn đề nội bộ, nhân sự, vấn đề chuyên môn đang trong quá trình xử lý, chưa có chủ trương công bố của Bộ Ngoại giao.
3. Không sử dụng mạng xã hội để đăng tải các ý kiến phản hồi, phát tán các tác phẩm, bài viết, hình ảnh mang tính kích động, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Bộ và của ngành.
4. Không chia sẻ thông tin, bình luận, bày tỏ quan điểm trên các trang tin, diễn đàn có nội dung trái pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng, gây hại, đe dọa, bôi nhọ, xâm phạm riêng tư của người khác, không phù hợp thuần phong mỹ tục, kích động hận thù, hoặc phân biệt chủng tộc, dân tộc hoặc tôn giáo – tín ngưỡng.
5. Không sử dụng danh nghĩa, chức vụ công tác cho mục đích cá nhân trên mạng xã hội; đăng tải thông tin, bình luận, quan điểm của cá nhân gây hiểu sai thành quan điểm của đơn vị/cơ quan hoặc Bộ Ngoại giao.
6. Không sử dụng logo, địa chỉ, điện thoại và thư điện tử có tên miền chính thức của các đơn vị, tổ chức của Bộ Ngoại giao và/hoặc các CQĐD để đăng ký thông tin trên các trang mạng xã hội.
7. Không chia sẻ/bình luận những sự việc có liên quan đến công việc nội bộ nhạy cảm của các quốc gia khác và các tổ chức khu vực, quốc tế mà ta là thành viên hoặc có quan hệ ngoại giao.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Quy tắc này tại các đơn vị trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
2. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm quán triệt, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quy tắc này; kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên trong cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý; nhắc nhở, đề nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý các vi phạm đối với cá nhân trong đơn vị theo hình thức phù hợp.
3. Cán bộ, công chức, viên chức Bộ Ngoại giao và các thành viên Cơ quan đại diện có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại Quy tắc này; vận động, đôn đốc, nhắc nhở đồng nghiệp và người thân đi theo thực hiện đúng các quy định của Quy tắc này; phát hiện và báo cáo các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về những vi phạm Quy tắc này của cán bộ, công chức, viên chức trong cùng bộ máy, trong hệ thống ngành, lĩnh vực.
4. Học viện Ngoại giao, Vụ Tổ chức Cán bộ đưa nội dung liên quan đến Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào Chương trình đào tạo tiền công vụ và các lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, nhân viên trước khi đi công tác tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
5. Văn phòng Đảng ủy, Đoàn thể tăng cường phổ biến các nội dung liên quan đến Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội trong các hoạt động của Công đoàn Bộ, Chi bộ, Đoàn Thanh niên, Câu lạc bộ hưu trí Bộ Ngoại giao.
Điều 7. Xử lý vi phạm
Các đối tượng nêu tại Điều 2, Chương I vi phạm các quy định tại Quy tắc này, tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả thiệt hại của hành vi vi phạm gây ra, các đơn vị liên quan kiến nghị hình thức xử lý phù hợp./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(đã ký)
Nguyễn Quốc Cường
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Attachment files:
- final. Bo quy tac ung xu.doc - Kích cỡ 47.5 kB