Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tạo dựng chỗ đứng của Việt Nam

(TGVN) Nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 và Ngoại vụ 18, phóng viên Báo TG&VN đã cuộc trao đổi với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, người đã từng làm việc một thời gian dài trong ngành Ngoại giao về vị thế hiện nay của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.

Chia sẻ ý kiến về khái niệm “vị thế quốc tế”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, trước kia, thường nói tới vai trò và uy tín của quốc gia trên trường quốc tế, ngày nay, trong thời kỳ đổi mới mới sử dụng nhiều khái niệm “vị thế quốc tế”. Có thể hiểu vị thế là chỗ đứng của Việt Nam ở khu vực và trên toàn cầu ở tầm cao nào; Việt Nam có được cộng đồng quốc tế coi trọng không.

Năm nhân tố làm nên vị thế

Trao đổi về những nhân tố làm nên vị thế của đất nước, nguyên Phó Thủ tướng cho rằng có năm nhân tố quyết định vị thế của một quốc gia. Thứ nhất là nhân tố tự nhiên, có nghĩa là vị trí địa lý của quốc gia đó ở đâu, có phải là nơi có tầm quan trọng lớn đối với khu vực và thế giới không. Thứ hai là nhân tố lịch sử. Dân tộc đó, đất nước đó đã có những đóng góp như thế nào cho sự phát triển của lịch sử loài người. Thứ ba là nhân tố kinh tế, liên quan đến trình độ phát triển kinh tế của nước đó. Thứ tư là sức mạnh quân sự của quốc gia đó mạnh yếu tới chừng nào. Thứ năm là tình hình chính trị xã hội có ổn định không, đường lối chính sách đối nội và đối ngoại có hợp lòng dân và xu thế của thế giới không. Nếu xét theo những tiêu chí đó thì có thể nói đất nước ta quy tụ hầu như tất cả các nhân tố nói trên.

Xét về yếu tố tự nhiên thì Việt Nam có vị trí địa kinh tế và chính trị rất quan trọng. Đông Nam Á nằm trên trục đường giao lưu vào loại quan trọng bậc nhất của thế giới. Hàng triệu tấn hàng được chuyên chở từ châu Âu qua Trung Cận Đông, sang Ấn Độ Dương, eo biển Malacca ra Biển Đông, đi lên phía Đông Bắc và sang bờ Đông Thái Bình Dương ở châu Mỹ.  Hơn thế nữa, Đông Nam Á là khu vực rất giàu tiềm năng về kinh tế, ngày nay là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên toàn cầu.

Đây cũng là khu vực có ý nghĩa địa chính trị rất lớn. Chẳng thế mà từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, ở đây đã liên tục diễn ra các cuộc xung đột, tranh chấp giữa các nước lớn.

Về lịch sử, Việt Nam đã có những đóng góp rất lớn vào cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả của nhân loại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vì sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, nhân dân ta đã giành được sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của cả nhân loại tiến bộ. Và ngày nay, nhờ những thành tựu trong công cuộc đổi mới và đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa, vị thế của nước ta trên trường quốc tế cũng rất cao.

Tuy sức mạnh kinh tế của nước ta còn có hạn, song cả thế giới đều thừa nhận Việt Nam là một trong những nước phát triển năng động, là một trong những điểm đến đầy hấp dẫn của các doanh nghiệp toàn cầu. Sức mạnh quân sự của nước ta, nhất là học thuyết quân sự về chiến tranh nhân dân, có thể tạo nên sức mạnh lớn lao.

Bên cạnh các nhân tố tự nhiên, lịch sử và sức mạnh cứng về kinh tế và quốc phòng, nước ta còn có một sức mạnh rất lớn là sức mạnh mềm. Đó là tính chính nghĩa của sự nghiệp mà chúng ta theo đuổi. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sự đồng tình ủng hộ của tất cả những người yêu chuộng công lý trên thế giới. Đó là đường lối, chính sách đối ngoại mang tính xây dựng và những đóng góp của dân tộc ta vào sự nghiệp chung của nhân loại.

Nhiều thành tựu đối ngoại

Về những thành tựu trên mặt trận ngoại giao trong thời gian qua, nguyên Phó Thủ tướng cho rằng nhờ đường lối chính sách đúng đắn sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu hết sức to lớn về đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ chỗ bị bao vây cô lập, ngày nay đất nước ta có quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với nhiều nước trên thế giới, trong đó có tất cả các nước lớn. Chính sách và hoạt động ngoại giao tích cực và khôn khéo đã góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước. Nhờ chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường của chúng ta được mở rộng chưa từng có. Đất nước ta đã thu hút được lượng lớn đầu tư nước ngoài. Thông qua đàm phán ngoại giao, chúng ta đã ký kết được nhiều hiệp định về biên giới lãnh thổ với các nước xung quanh. Nước ta tích cực tham gia và có vị trí cao trong hàng loạt các tổ chức trong khu vực và trên thế giới.

Khi nói đến vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới, chúng ta có thể xem xét ở bốn tầng nấc. Đó là tầng nấc ba nước Đông Dương, ASEAN, khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, trên mặt trận ngoại giao, còn nhiều việc chúng ta phải làm. Mọi người đều biết tình hình trên Biển Đông diễn biến rất phức tạp. Về phương diện này, chúng ta luôn luôn theo đuổi một đường lối có tính nguyên tắc. Đó là kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta trên Biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế. Chúng ta kiên quyết và kiên trì phấn đấu để giải quyết những tranh chấp ở khu vực này thông qua đàm phán hòa bình. Chúng ta cũng kiên quyết và kiên trì theo đuổi nguyên tắc đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), cũng như tuyên bố của ASEAN và Trung Quốc về ứng xử trên Biển Đông (DOC), thúc đẩy quá trình đàm phán để đi đến bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC). Về quan hệ với các quốc gia thì đã đạt được yêu cầu về chiều rộng, tuy nhiên về chiều sâu cũng cần có nhiều cố gắng hơn nữa. Tương tự như vậy, chiều rộng và khối lượng vốn đầu tư tuy khá lớn song chất lượng và hiệu quả của hợp tác kinh tế quốc tế cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa. Tuy vị thế quốc tế của đất nước ta đã khá cao song điều đó không có nghĩa là chúng ta đã làm đủ mà cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao tính chủ động, tích cực, từ đó nâng cao vị thế của đất nước.

Không ít thách thức

Mặc dù vị thế trên trường quốc tế không ngừng được củng cố và nâng cao nhưng nguy cơ tụt hậu của nước ta về kinh tế ngày càng lớn, không những về lượng mà cả về chất, đó là thực tế không vui, nguyên Phó Thủ tướng chia sẻ. Mối đe dọa này ngày càng tăng lên trong bối cảnh thế giới đang trải qua thời kỳ tái cấu trúc một cách toàn diện. Nền kinh tế nước ta ngày nay đang đứng trước những khó khăn thách thức cả về ngắn hạn lẫn dài hạn. Về ngắn hạn, đó là những khó khăn, thử thách của 10 năm qua dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, cộng với những khó khăn mới nảy sinh như hạn hán, nước biển dâng, ngập mặn, bão lũ, thảm họa môi trường cộng với tác động tiêu cực của những diễn biến không thuận trên thế giới. Đó là chưa kể đến những khó khăn phức tạp trên Biển Đông cũng dẫn đến những tác động. Về dài hạn, đó là nguy cơ tụt hậu ngày càng xa do thế giới đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên cơ sở những thành tựu khoa học tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin, trong khi đất nước ta chưa đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020.

Chúng ta có được vị thế quan trọng do thái độ tích cực và chính sách xây dựng. Vấn đề là đừng thụ động, mà phải chủ động đề ra sáng kiến, tham gia kiến tạo luật chơi; khôn khéo xử lý mối quan hệ giữa các thành viên, phát huy vai trò hàn gắn của Việt Nam; luôn có nhiều sáng kiến củng cố, nâng cao vị thế của tổ chức, tranh thủ tài trợ; và chú trọng đưa nhân sự của mình vào các tổ chức đó”.
Nói như vậy để thấy hết những khó khăn của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, cũng không nên bi quan, hoảng loạn. Tiềm lực, tiềm năng phát triển đất nước còn rất lớn. Đó là những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới. Đó là tính cần cù, sáng tạo của người Việt Nam. Đó là vị thế quốc tế ngày càng cao của đất nước.

Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới mạnh mẽ thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tranh thủ tối đa nguồn lợi do thời kỳ hội nhập quốc tế mới mang lại. Điều này cũng nhắc nhở những người làm công tác đối ngoại xác định nhiệm vụ phải gìn giữ môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư...

Việc thực hiện rốt ráo những chủ trương lớn đó sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trước mắt, hiện thực hóa những ước vọng của nhân dân ta về một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer