Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ: Sự tin cậy giữa hai nước rất cao

(Báo TG & VN) - Trả lời phỏng vấn báo TG&VN bên lề Hội nghị Ngoại giao 29 tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ có sự tin cậy lẫn nhau về chính trị và là cơ sở rất quan trọng cho các mối quan hệ khác.

Xin Đại sứ cho biết đánh giá về quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ?

Quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ có lịch sử rất lâu đời thông qua giao lưu về thương mại, văn hóa và tôn giáo. Cách đây hàng nghìn năm, người Ấn Độ đã sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ngoài việc buôn bán, người Ấn Độ còn mang cả tôn giáo sang Việt Nam. Ấn Độ là cái nôi của các tôn giáo lớn, trong đó có Phật giáo. Phật giáo của Việt Nam cũng có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam cũng như của Ấn Độ, hai bên ủng hộ nhau rất mạnh mẽ, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ đầu Đổi Mới của Việt Nam. Khi Việt Nam bị bao vây cấm vận thì Ấn Độ cũng là nước ủng hộ, giúp đỡ cho Việt Nam.
Hai nước có quan hệ lãnh sự từ năm 1956. Năm 1972, hai bên nâng cấp quan hệ ngoại giao chính thức ở cấp Đại sứ. Đến năm 2007, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ được nâng lên lần nữa thành quan hệ đối tác chiến lược.

Khi thiết lập quan hệ chiến lược, hai bên xác định 5 lĩnh vực trụ cột của hợp tác, trong đó có quan hệ chính trị, ngoại giao thông qua các chuyến thăm cấp cao liên tục giữa hai nước. Phía Việt Nam: Chủ tịch nước đã thăm Ấn Độ năm 2011, Tổng Bí thư thăm Ấn Độ năm 2013, Thủ tướng thăm Ấn Độ năm 2014. Trước đó, cũng trong năm 2014, Tổng thống Ấn Độ sang thăm Việt Nam. Sắp tới đây, sẽ có chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ tới Việt Nam sau 15 năm.

Thông qua các chuyến thăm đó cũng như cơ chế hợp tác rất hiệu quả như Ủy ban Hỗn hợp, các cuộc tham khảo chính trị, đối thoại chiến lược, đối thoại quốc phòng - an ninh, quan hệ chính trị, sự tin cậy giữa hai nước rất cao. Đó là cơ sở rất quan trọng cho các mối quan hệ khác.

Quan hệ về an ninh - quốc phòng cũng rất hiệu quả trên các lĩnh vực như huấn luyện, đào tạo, thông tin, cung cấp trang thiết bị. Gần đây, quan hệ về đối thoại quốc phòng giữa hai nước đã nâng lên cấp Bộ trưởng.

Về quan hệ kinh tế, kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đến nay, kim ngạch thương mại cũng tăng lên rất nhanh. Năm 2006, kim ngạch thương mại hai chiều là khoảng 1 tỷ USD. Đến nay, con số này là trên 5 tỷ USD theo số liệu Việt Nam, trong khi đó số liệu của Ấn Độ gần 9 tỷ USD.

Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam cũng tăng. Riêng năm 2015, con số này tăng rất mạnh, khoảng 250 triệu USD, bằng toàn bộ giá trị đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam trước đây. Tổng cộng các giá trị đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam hiện khoảng 550 triệu USD (số liệu của Việt Nam). Theo số liệu của Ấn Độ, tính cả số đầu tư vào các nước thứ ba thì lên đến gần 1 tỷ USD, với trên 130 dự án.

Về du lịch, vào những năm mới thiết lập quan hệ đầu tư chiến lược, du lịch hai chiều khoảng 20.000 người và hiện tăng lên khoảng 120.000 người. Người Ấn Độ sang Việt Nam nhiều hơn và người Việt Nam sang thăm Ấn Độ cũng tăng, nhất là du lịch về đất Phật.

Hợp tác về khoa học – kỹ thuật cũng có những bước phát triển tốt. Hai bên có nhiều dự án nghiên cứu chung. Ấn Độ giúp Việt Nam nhiều công trình mang tính khoa học – kỹ thuật và hỗ trợ đào tạo cán bộ khoa học.

Về văn hóa, giao lưu văn hóa ngày càng tăng. Hai bên có nhiều trao đổi các đoàn nghệ thuật và các hợp tác về bảo tồn, bảo tàng…

Đặc biệt, về giáo dục, hợp tác  hai bên rất tốt. Ấn Độ thường xuyên cho Việt Nam 120 suất học bổng. Sinh viên Việt Nam sang Ấn Độ học tự túc ngày càng đông.

Đấy là những thành quả hợp tác giữa hai nước từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Thưa Đại sứ, Sứ quán có những kế hoạch kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ như thế nào?

Hai nước sẽ có chương trình kỷ niệm rất lớn bởi không chỉ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972-7/1/2017) mà còn là kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Do vậy, tới đây hai bên sẽ phải trao đổi để phối hợp tiến hành kỷ niệm tại hai nước. Chắc chắn sẽ có trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Lãnh đạo hai bên sẽ tham dự các lễ kỷ niệm ở hai nước. . Nhân đây, hai nước sẽ tổ chức các cuộc xúc tiến, quảng bá về thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai bên và trao đổi về các đoàn văn hóa. Chương trình sẽ bắt đầu từ đầu năm 2017 và tiếp diễn trong cả năm.

Đại sứ đánh giá thế nào về các cơ chế hợp tác giữa ASEAN - Ấn Độ?

Hiện nay, Việt Nam đóng vai trò điều phối mối quan hệ ASEAN - Ấn Độ. Đây là điều kiện tốt để Việt Nam tham gia, đóng góp vào hợp tác giữa hai bên. Quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ đã phát triển được 25 năm và cũng đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược. Năm 2007 sẽ kỷ niệm 25 năm đối thoại giữa Ấn Độ và ASEAN. Hiện hai bên đang tập trung vào thực hiện hiệp định về thương mại tự do giữa ASEAN và Ấn Độ, thúc đẩy kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Bên cạnh đó, hai bên cũng thúc đẩy các dự án kết nối mà Ấn Độ rất quan tâm, đặc biệt là triển khai khoản tín dụng 1 tỷ USD mà Ấn Độ dành cho ASEAN để triển khai việc kết nối số, kết nối hạ tầng cơ sở đường bộ, đường không, đường biển giữa hai bên.

Thưa Đại sứ, như Đại sứ đã nói, Ấn Độ và Việt Nam đã có sự giao lưu từ lâu đời và văn hóa Ấn Độ - Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với giao lưu nhân dân giữa Ấn Độ - Việt Nam?

Hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tôn giáo. Cách tư duy, cách suy nghĩ của người dân hai nước có nhiều điểm giống nhau, đặc biệt là sự coi trọng những giá trị về gia đình.

Hai nền văn hóa Ấn Độ, Việt Nam là hai nền văn hóa lớn. Ấn Độ là một nền văn hóa rất lớn, có bề dày lịch sử lâu đời, bản sắc văn hóa rất đa dạng, phong phú về tất cả các lĩnh vực, từ văn học đến âm nhạc, kiến trúc...
Đó là những cơ sở tốt cho hợp tác về văn hóa, đặc biệt về mặt giáo dục. Hệ thống giáo dục Ấn Độ rất tốt. Nền giáo dục đó đã đào tạo nguồn nhân lực rất tốt để công cuộc cải cách hiện nay đạt được được nhiều thành tựu.

Thực tế, tôi thấy chúng ta khai thác chưa được nhiều các lợi ích của giao lưu nhân dân và phải tăng cường trao đổi hơn nữa để có thêm sự hiểu biết, nhất là sự hiểu biết về tiềm năng của nhau. Không phải ai cũng hiểu rõ về tiềm năng của Ấn Độ. Chính vì vậy, hợp tác về văn hóa, tăng cường giao lưu nhân dân là nền móng, nền tảng tốt cho việc thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực khác nữa. Ví dụ như hiểu biết văn hóa, hiểu biết về tiềm năng Ấn Độ sẽ thúc đẩy được hợp tác về kinh tế.

Vậy khả năng mở đường bay thẳng  Việt Nam - Ấn Độ thế nào, thưa Đại sứ?

Việc mở đường bay thẳng giữa hai nước đến bây giờ rất là cần. Sự kết nối về hàng không giữa Việt Nam và Ấn Độ đang là một vấn đề, nếu không giải quyết được vấn đề kết nối này sẽ  trở thành một điểm hạn chế trong quan hệ giữa hai nước. Lẽ ra, hai bên hoàn toàn có thể tăng cường kết nối đường bộ, đường không và đường thủy.

Tuy nhiên, đường thủy hiện nay vẫn chưa có đường container trực tiếp nên hàng hóa phải mất nhiều thời gian mới cập cảng Ấn Độ. Về đường bộ, hình thành tuyến đường từ Đông Bắc Ấn Độ đi sang Việt Nam qua Myanmar và Thái Lan là hoàn toàn khả thi. Đặc biệt về hàng không, nếu có đường bay trực tiếp, tôi tin chắc giao lưu giữa hai bên, nhất là giao lưu về du lịch sẽ được tăng cường.

Hiện nay, có khoảng 20 triệu người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài mỗi năm. Mỗi năm, có khoảng 2,5 triệu người Ấn Độ sang các nước Đông Nam Á du lịch, trong đó có hơn 1 triệu người sang Thái Lan. Nếu như chưa mở đường bay thẳng từ Việt Nam sang Ấn Độ, máy bay vẫn phải dừng ở những điểm trung chuyển như Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur sẽ khiến khách hàng phải bỏ thêm chi phi và mất thêm thời gian.

Sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng thúc đẩy rất mạnh về việc xúc tiến du lịch nhưng nếu như không có đường bay trực tiếp thì hiệu quả của việc quảng bá cũng rất thấp. Đồng thời với việc quảng bá, chúng ta phải giải quyết được vấn đề kết nối, đặc biệt phải có đường bay trực tiếp.

Ấn Độ đã có một chính sách hàng không mới cho phép những hãng hàng không chỉ cần có 20 máy bay, không cần đủ 5 năm như trước là  đã có thể mở đường bay quốc tế. Được biết, một số hãng hàng không của Ấn Độ đang có kế hoạch mở đường bay trực tiếp với Việt Nam và một số hãng hàng không Việt Nam cũng đã có kế hoạch mở đường bay sang Ấn Độ. Tôi đang rất hy vọng và lạc quan về việc kết nối, mở đường bay trực tiếp sắp tới sẽ được giải quyết, mở ra một triển vọng tốt cho hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là về du lịch.

Xin cảm ơn Đại sứ!

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer