“Làm kinh tế” ở xứ mặt trời mọc
Quan hệ hai nước ngày càng phát triển thuận lợi, mở rộng và có chiều sâu hơn. Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam cả về ODA, FDI và xuất nhập khẩu. Nhật Bản là một thành viên quan trọng của Hiệp định TPP mà Việt Nam tham gia và cũng là đối tác trọng yếu của Cộng đồng ASEAN.
Nắm bắt thời cơ
ĐSQ hướng tới việc mở rộng và củng cố “mạng lưới hiểu, tin cậy, coi trọng và yêu quý Việt Nam” trong chính giới và các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế của Chính phủ Nhật Bản, qua đó thúc đẩy Nhật Bản tăng viện trợ ODA cho Việt Nam, từng bước tháo gỡ các rào cản pháp lý và kỹ thuật để mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam sang Nhật Bản, mở rộng tiếp nhận và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác chính trị, giao lưu cấp cao,hợp tác kinh tế luôn được chú trọng. Các chuyến thăm cấp cao đều tạo ra đột phá trong hợp tác kinh tế.
Chẳng hạn, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 9/2015, Nhật Bản đã chính thức công bố cấp phép cho sản phẩm xoài tươi nguyên quả của Việt Nam. Hai bên cũng ký kết bốn văn kiện về vốn vay ODA với tổng số tiền là 166 tỷ Yên (tương đương 1,5 tỷ USD) nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 5/2016.
Bên cạnh đó, ĐSQ thường xuyên theo sát các chuyển biến chính sách của Nhật Bản, nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường cho sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản - một trong những lĩnh vực gặp rào cản khắt khe nhất.
Do vậy, mỗi loại sản phẩm hay nông sản cụ thể đều được ĐSQ nghiên cứu, tập trung vận động, đàm phán, tạo cơ hội tiếp cận thị trường. Thực tế, xoài Việt Nam đã vào được thị trường Nhật và từng bước củng cố vị trí tại đây. Từ kinh nghiệm đàm phán cho xoài, ĐSQ đang thúc đẩy đàm phán cho vải, nhãn, chôm chôm và các loại hoa quả mà Việt Nam có thế mạnh.
Việc vận động thành công cho xoài có đóng góp rất lớn của mạng lưới chính trị gia và doanh nghiệp thân Việt Nam. ĐSQ đã phối hợp nhịp nhàng, kịp thời, kiên trì giữ mạng lưới vận động hành lang, thường xuyên tác động tới các cấp ra quyết định với mạng lưới doanh nghiệp-nhà cung cấp Việt Nam và nhà tiêu thụ Nhật Bản để khẳng định tính khả thi và thiết thực của thỏa thuận. Thành công này cũng nhờ sự tích cực và cầu thị của các cơ quan chức năng Việt Nam liên tục sang khảo sát, nắm bắt các quy định pháp lý và kỹ thuật của nước bạn. Đối với các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, thực tế những năm qua cho thấy giá trị xuất khẩu vào Nhật Bản tăng tích cực ngay cả khi tình hình kinh tế Nhật và thế giới có nhiều khó khăn. Hàng dệt may và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật 6 tháng đầu năm nay tăng lần lượt 6,5% và 9,6%.
Thúc làn sóng đầu tư
Ngoài ra, ĐSQ tích cực vận độngđểhướng làn sóngđầu tư và chuyển giao sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, đặc biệt là thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong một số lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và môi trường. ĐSQ cũng chủ động kết nối, vận động các tập đoàn kinh tế Nhật tham gia thực hiện các dự án kinh tế trọng điểm theo chỉ đạo của lãnh đạo ta.
Trong cuộc tiếp xúc gần đây nhất giữa Thủ tướng hai nước, ta đã thúc đẩy một số dự án ODA thiết thực sớm đi vào triển khai (dự án chuyển giao công nghệ lọc nước sông thành nước uống tại 6 thành phố; hợp tác nghiên cứu chuyển giao công nghệ xử lý nền móng trên nền đất yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long...).
ĐSQ xúc tiến phối hợp với các đối tác Nhật Bản (như hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức tư vấn, nghiên cứu kinh tế, hiệp hội hữu nghị, diễn đàn kinh tế, cơ quan quản lý…) liên tục tổ chức các hội thảo hướng tới các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, ưu tiên các nội dung như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, thủ công làng nghề. Tính đến cuối tháng 5/2016, vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam dưới dạng cấp mới và tăng vốn cho 194 dự án đạt 640 triệu USD.
Đẩy mạnh hợp tác nguồn nhân lực cũng là một trọng tâm trong hoạt động ngoại giao kinh tế của ĐSQ. Ta kiên trì và tích cực vận động Nhật Bản cải cách các chính sách liên quan để tăng cường hơn nữa hợp tác Việt-Nhật trong lĩnh vực này, đồng thời bám sát các chuyển đổi chính sách ở nước sở tại để tăng số lượng và cải thiện quyền lợi cho người lao động trong các chương trình Thực tập sinh (TTS) tại Nhật Bản.
Cụ thể, Nhật Bản đã đồng ý thay đổi các quy định để TTS trong ngành chế biến thực phẩm (ngành mà Việt Nam có thế mạnh) kéo dài thời hạn thực tập từ một năm lên ba năm; thúc đẩy ngay các hợp đồng với Việt Nam trong ngành nghề bảo dưỡng chung cư cao tầng và bảo dưỡng ô tô ngay khi hai ngành này được bổ sung vào danh sách ngành nghề được tiếp nhận TTS (tháng 4/2016). Sáu tháng đầu năm nay, ta đưa được trên 16.000 TTS mới sang Nhật Bản, tăng đáng kể so với năm trước.
Hợp tác cấp địa phương
Đặc biệt, việc đẩy mạnh hợp tác cấp địa phương giữa hai nước là một hướng đi mới, hiệu quả cao mà ĐSQ triển khai mạnh mẽ trong ba năm qua.Trong gần một năm kể từ khi nhậm chức, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã chủ động thăm chính thức 26/47 tỉnh của Nhật Bản, trong đó, có những địa phương ta tiếp cận lần đầu, để quảng bá hình ảnh, giới thiệu cơ hội hợp tác và đầu tư tại Việt Nam.
ĐSQ cũng hỗ trợ các đoàn bộ ngành và địa phương của ta sang Nhật Bản xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường và tìm kiếm khách hàng. Năm 2015, trong số 33 đoàn tới Nhật Bản mà ĐSQ phối hợp, có 7 đoàn địa phương và hơn 15 đoàn bộ/ngành kết nối với các địa phương Nhật Bản.
ĐSQ đã vận động thành công Thống đốc của nhiều tỉnh Nhật Bản dẫn đoàn doanh nghiệp địa phương sang thăm và kết nối hợp tác kinh tế với Việt Nam như đoàn các tỉnh Gifu, Gunma, Miyagi và Aichi... Nhiều Thống đốc các tỉnh khác như Hokkaido, Mie, Nagano, Aomori và Fukushima... cam kết sớm sang thăm Việt Nam. Cá nhân Đại sứ đã thiết lập quan hệ thân thiết với nhiều Thống đốc tỉnh tại Nhật Bản. Với đặc thù chính quyền địa phương có tính độc lập cao với chính quyền Trung ương, các địa phương có chính sách phát triển kinh tế độc lập và ngày càng được chính quyền trung ương khuyến khích phát huy mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế tại Nhật Bản như hiện nay, đây là một trong những thành công ngoại giao kinh tế có ý nghĩa thiết thực của ĐSQ.
Cuối cùng, ĐSQ tích cực nghiên cứu tình hình kinh tế và động thái chính sách của Nhật Bản như đánh giá chính sách Abenomics, xu hướng cải cách mở cửa nền nông nghiệp, chuẩn bị cho TPP, khuyến khích đầu tư nước ngoài tại Nhật Bản, hình thành các khu vực kinh tế đặc biệt (nơi thử nghiệm các chính sách nới lỏng từng phần như lao động, y tế…), mở cửa du lịch, mở cửa tiếp nhận nhiều nhân lực nước ngoài cho các ngành mới hơn… ĐSQ cũng mở rộng mạng lưới quan hệ với các học giả, nhà kinh tế, viện nghiên cứu kinh tế, khoa học công nghệ, để tăng cường tham mưu cho Nhà nước, nhất là trong việc khuyến nghị phương hướng, chính sách phục vụ quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Back Top page Print Email |