Miệt mài và trăn trở trong công tác đa phương
Đại sứ Nguyễn Phương Nga gửi email trả lời phỏng vấn TG&VN khi New York sắp chào ngày mới. Tôi hiểu, với lịch làm việc vô cùng bận rộn của ba, những đêm trắng cũng không phải là cá biệt.
Chẳng thể đo đếm được những vất vả của nghề ngoại giao, cũng chẳng thể liệt kê hết những đêm không ngủ, nhưng với Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Nga, niềm tự hào được đại diện cho đất nước, được góp phần vào việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với bạn bè quốc tế là động lực quan trọng để bà vượt qua tất cả.
Hình dung về công việc của nhà ngoại giao, người ta thường nghĩ tới những cụm từ như “mũ cao, áo dài, lên xe, xuống ngựa…”. Đại sứ suy nghĩ như thế nào về điều đó?
Đúng là khi nói về công tác ngoại giao, mọi người thường hay liên tưởng tới hình ảnh các nhà ngoại giao lịch lãm, với những cái bắt tay, nụ cười thân thiện, những bữa tiệc chiêu đãi… Không có nhiều người hiểu được những vất vả, khó khăn mà các nhà ngoại giao phải trải qua kể cả khi công tác ở trong nước cũng như khi ở nước ngoài.
Công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài không vất vả như các anh chị làm công tác phân giới, cắm mốc ở Bộ Ngoại giao, song đòi hỏi cán bộ ngoại giao phải nắm được thông tin cập nhật về tình hình sở tại, phải gây dựng được quan hệ hợp tác tốt với các đối tác của sở tại… Do vậy, lượng thông tin mà nhà ngoại giao cần đọc, khối lượng công việc phải xử lý, đối tượng cần tiếp xúc… rất nhiều, đặc biệt là khi chuẩn bị cho các sự kiện cấp cao, khi tham gia các cuộc đàm phán.
(Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ New York.)
Trong nhiệm kỳ công tác của tôi tại Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, có lúc chúng tôi phải tổ chức một loạt sự kiện dồn dập: Đón Thủ tướng Chính phủ ta sang thăm chính thức nước bạn, tổ chức “Những ngày Việt Nam” ở 3 thành phố lớn của Bỉ và Luxembourg. Công việc quá nhiều trong khi lực lượng cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán lại mỏng, Đại sứ Phan Thuý Thanh đã cùng tất cả các cán bộ nhân viên Đại sứ quán làm việc cật lực, cả ngày lẫn đêm để kịp chuẩn bị cho các sự kiện.
Tôi còn nhớ một hôm tôi gửi email cho anh bạn người Bỉ, liên quan đến thay đổi trong chương trình. Vừa gửi xong, tôi đã nhận được ngay thư trả lời của bạn, kèm theo câu hỏi: “Giờ này chị chưa ngủ à?”. Lúc đó, tôi mới nhìn đồng hồ thì đã 3 giờ sáng. Tôi đã trả lời: “Anh vẫn còn đang làm việc để chuẩn bị đón đoàn Việt Nam thì làm sao tôi có thể ngủ được?”.
Còn rất nhiều câu chuyện chưa kể của nhiều thế hệ cán bộ của Bộ Ngoại giao, những người đã từng phải thức trắng nhiều đêm, suy nghĩ, đấu trí căng thẳng hàng giờ liền trên bàn đàm phán để có thể bảo vệ được tốt nhất lợi ích của đất nước. Không thể đo đếm được vất vả của nghề ngoại giao, nhưng đối với tôi, cũng như các đồng nghiệp khác, ý thức trách nhiệm, niềm vui, niềm tự hào được đại diện cho đất nước, được góp phần vào việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với bạn bè quốc tế là động lực quan trọng để vượt qua tất cả.
Đại sứ Nguyễn Thị Hồi từng chia sẻ rằng, "làm ngoại giao song phương là nói chuyện với một người nhưng ngoại giao đa phương là nói chuyện với nhiều người". Đảm nhiệm vai trò quan trọng là Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), lại là phụ nữ, Đại sứ có được thuận lợi và gặp phải những thách thức như thế nào?
Tôi hoàn toàn đồng ý với chị Hồi. Ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương có những điểm chung, song cũng có nhiều khác biệt. Đối tượng khác nhau, nên cách tiếp cận, phương thức hoạt động đối ngoại, trọng tâm ưu tiên cũng khác nhau. Thành quả của ngoại giao song phương dễ được nhận biết hơn qua những hiệp định, thoả thuận cụ thể, trong khi tại diễn đàn đa phương, để ghi nhận một quan điểm, thúc đẩy giải quyết một vấn đề, là cả một tiến trình khó khăn bởi có rất nhiều bên tham gia với nhiều khác biệt về lợi ích.
Tôi cũng đã có thời gian công tác nhiệm kỳ tại các địa bàn khác nhau, cũng đã trải qua công tác phát ngôn, báo chí. Cũng có nhiều người nói rằng việc tôi là phụ nữ cũng là một “lợi thế”!!! Mặc dù có một số thuận lợi nhất định như vậy, đối với cá nhân tôi, nhiệm vụ Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ là thách thức rất lớn.
Trước hết là quy mô hoạt động đối ngoại. LHQ là tổ chức quốc tế lớn nhất với 193 thành viên, rất đa dạng về trình độ phát triển, chế độ chính trị, chính sách đối ngoại, văn hoá, lối sống. Bên cạnh đó còn có rất nhiều tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ. Hoạt động đối ngoại tại LHQ do vậy cũng hết sức sôi động, đa dạng. Ngoài các cuộc họp, các tiếp xúc chính thức trong ngày, trong một buổi tối, tôi được mời dự tới 4-5 cuộc chiêu đãi là điều rất bình thường. Để triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy” của cộng đồng quốc tế đòi hỏi phải xác định được ưu tiên trong khi vẫn phải giữ được cân bằng các mối quan hệ.
Thứ hai là tính chất đa dạng, phức tạp của các vấn đề phải xử lý tại diễn đàn LHQ trên cả ba trụ cột của tổ chức này là duy hoà bình và an ninh quốc tế, phát triển và quyền con người. Có những vấn đề nan giải nhiều năm vẫn chưa có lời giải, có những vấn đề rất mới nảy sinh. Làm sao để vừa thúc đẩy lợi ích của Việt Nam, vừa duy trì được quan hệ hữu nghị với các nước khác và đóng góp được vào lợi ích chung của quốc tế luôn luôn là thách thức rất lớn.
Thứ ba là áp lực về thời gian. Rất nhiều việc đòi hỏi phải xử lý nhanh, nhưng để đưa ra một kiến nghị lại đòi hỏi phải có nghiên cứu sâu, nắm bắt, tổng hợp được thông tin đầy đủ, chính xác về xuất xứ vấn đề, quan điểm của các nước.
Thứ tư là nhu cầu tự thân phải tự học thêm, đọc nhiều để có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Nhất là khi ở trong môi trường các đại sứ, các nhà ngoại giao của các nước khác tại LHQ đều rất giỏi, nhiều vị Đại sứ đã từng giữ các chức vụ lãnh đạo đất nước, Chính phủ, các tổ chức quốc tế, có bề dày kinh nghiệm, kiến thức rất uyên bác.
Đại sứ có thể chia sẻ điều gì khiến mình trăn trở nhiều nhất khi công tác tại Liên hợp quốc?
Ngay từ khi vào làm việc tại Bộ Ngoại giao, tôi đã mơ ước được có dịp làm việc tại diễn đàn LHQ. Bây giờ, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực. Nhưng chính tại đây, khi có điều kiện được tiếp xúc với đại diện của tất cả các quốc gia, được tham gia phần nào vào việc xử lý những vấn đề thế giới đang phải đối mặt, tôi lại có nhiều điều trăn trở.
Những khó khăn, nguy hiểm mà các nhà ngoại giao phải đối mặt không hiện hữu một cách cụ thể. Nhưng trên mặt trận đối ngoại thì các nhà ngoại giao thực sự là chiến sỹ trong cả thời chiến và thời bình.
Đó là làm sao để có thể đóng góp tốt nhất vào việc nâng cao hơn nữa vai trò, tiếng nói của Việt Nam tại LHQ, để bạn bè quốc tế hiểu đúng và ủng hộ Việt Nam, vừa để bảo vệ, thúc đẩy được lợi ích của đất nước, vừa để góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế giải quyết những thách thức rất to lớn như nghèo đói, bất bình đẳng, khủng bố, tị nạn, khủng hoảng môi trường..., vì hoà bình, an ninh và tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người.
Đó là làm sao để có thể góp phần xây dựng được một đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam tâm huyết, trách nhiệm, tận tuỵ, giỏi cả song phương và đa phương, có thể đảm đương được tốt nhất nhiệm vụ đại diện cho đất nước tại diễn đàn đặc biệt quan trọng này.
Có người nói rằng, các nhà ngoại giao giống như những chiến sỹ trong thời bình, đấu tranh trên mặt trận đối ngoại và cũng phải đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm thường trực, Đại sứ nghĩ sao về điều này?
Ta vẫn thường nghe câu nói: “Mọi sự so sánh đều là khập khiễng”. Những khó khăn, nguy hiểm mà các nhà ngoại giao phải đối mặt không hiện hữu một cách cụ thể. Nhưng trên mặt trận đối ngoại thì các nhà ngoại giao thực sự là chiến sỹ trong cả thời chiến và thời bình. Bởi cũng như các chiến sỹ đang canh giữ biên cương hay nơi đảo xa, các nhà ngoại giao đang nỗ lực hết sức mình để canh giữ và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của đất nước, bảo vệ môi trường hoà bình, ổn định và thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của nhân loại.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |