Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 30 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ ÁC-HEN-TI-NA VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


I. Khái quát:

          - Tên nước: Cộng hòa Ác-hen-ti-na (República Argentina).

          - Thủ đô: Bu-ê-nốt Ai-rết (Buenos Aires).

          - Vị trí địa lý: ở Nam Mỹ, Bắc giáp Bô-li-vi-a và Pa-ra-goay, Đông giáp Bra-xin, U-ru-goay và Đại Tây Dương; Nam và Tây giáp Chi-lê.

          - Diện tích: 3.761.274 km2 (bao gồm phần lục địa, vùng đất Nam Cực, các đảo Nam Đại Tây Dương và Mũi Đất Lửa - riêng phần lãnh thổ lục địa là 2.780.092 km2), lớn thứ hai Mỹ La-tinh (sau Bra-xin), có 23 tỉnh, 1 Thủ đô và 1 lãnh thổ.

          - Khí hậu: Phong phú, từ cận nhiệt đới đến hàn đới.

          - Dân số: 39 triệu người.

          - Tôn giáo: 92% theo Công giáo.

          - Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha.

          - Tiền tệ: Đồng Pê-xô, tỉ giá 3,5 Pê-xô = 1 USD.

          - Quốc khánh: 25/5/1810.

          -Tổng thống: Bà Cri-xti-na Phê-nan-đết đê Kiếc-chơ-nê(Cristina Fernandez de Kirchner), nhiệm kỳ 2007 - 2011.

          - Ngoại trưởng: Ông Héc-to Ti-mên-man (Hector Timerman).

 

II. Lịch sử:

- 1516: Tây Ban Nha xâm chiếm làm thuộc địa.

- 25/5/1810: Nhân dân tỉnh Bu-ê-nốt Ai-rết tiến hành cuộc “Cách mạng tháng 5” mở đầu cuộc đấu tranh giành độc lập.

- 9/7/1816: Tuyên bố độc lập và lập chính thể cộng hoà.

- 1825-1828: Chiến tranh với Braxin.

- 1829: Bắt đầu thời kỳ độc tài quân sự kéo dài.

- 1864-1870: Chiến tranh giữa Ác-hen-ti-na, Braxin và U-ru-guay với Pa-ra-guay.

- 1946-1952: Tổng thống Pê-rôn (1946-1952) thuộc Đảng Công lý và Phong trào Pê-rô-nit (Peronismo) cầm quyền, tiến hành quốc hữu hóa nhiều doanh nghiệp.

- 1955: Đảo chính quân sự lật đổ Pê-rôn.

- 1973: Tổng thống Pê-rôn trở lại cầm quyền.

- 1974: Tổng thống Pê-rôn từ trần, bà I-sa-ben -vợ ông- thay làm Tổng thống. 

- 1976: Đảo chính quân sự lật đổ bà I-sa-ben.

- 1982: Chiến tranh Ác-hen-ti-na - Anh, tranh chấp đảo Man-vi-nát. 

- 10/1983, ứng cử viên của Liên minh Yêu nước Cấp tiến Ra-un An-phôn-xin giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, đắc cử Tổng thống, đánh dấu sự chấm dứt của thời  kỳ các chế đố độc tài quân sự nắm quyền và chế độ dân sự, dân chủ được phục hồi.

          - 7/1989: Lãnh tụ Đảng Công lý Các-lốt Xa-un Mê-nêm trúng cử Tổng thống.

- 7/1995: Tổng thống Mê-nêm tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp.

- 1999: Ứng cử viên của liên minh đối lập Phéc-nan-đô Đê la Rua thắng cử.

- 20/12/2001: Tổng thống Đê la Rua từ chức vì khủng hoảng kinh tế-xã hội. Ông Rô-đơ-ri-ghết Xa được bầu làm Tổng thống lâm thời.

- 1/1/2002: Quốc hội Ác-hen-ti-na đã bầu ông Ê-đu-ác-đô Đoan-đê giữ chức Tổng thống.

-  5/2003: Ứng cử viên Đảng Công lý Nê-xtô Kiếc-chơ-nê trúng cử Tổng thống.

          - 10/2007: Bà Cri-xti-na Phê-nan-đết đê Kiếc-chơ-nê, phu nhân của Tổng thống Nết-xtô Kiếc-chơ-nê, ứng cử viên của Mặt trận để Chiến thắng, tách ra từ Đảng Công lý, trúng cử Tổng thống, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên do dân bầu trong lịch sử Ác-hen-ti-na và chính thức nhậm chức vào ngày 10/12/2007, nhiệm kỳ 2007-2011.

 

III. Chính trị:

Ác-hen-ti-na theo chế độ Cộng hoà. Tổng thống được bầu qua tuyển cử, là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, nhiệm kỳ 4 năm và có thể tái cử một nhiệm kỳ tiếp theo.

 

Quốc hội bao gồm Thượng nghị viện có 72 Thượng nghị sĩ, do bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 6 năm, mỗi tỉnh và thành phố Bu-ê-nốt Ai-rết được bầu 3, cứ 2 năm bầu lại 1/3 và Hạ nghị viện có 257 Hạ nghị sĩ, do bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 4 năm, cứ 2 năm bầu lại 1/2.

 

Hiện nay có 25 đảng chính trị hợp pháp, trong đó các đảng lớn là: Đảng Công lý (PJ - cầm quyền), Liên minh Nhân dân Cấp tiến (UCR), Mặt trận Đất nước Đoàn kết (FREPASO).

 

Toà án Tối cao là cơ quan cao nhất ngành Tư pháp. Tổng thống bổ nhiệm các thẩm phán, Thượng viện phê chuẩn.

 

IV. Kinh tế:

Ác-hen-ti-na hiện tại là nền kinh tế lớn thứ 3 ở Mỹ Latinh (sau Bra-xin và Mê-hi-cô), có truyền thống sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi đại gia súc; công nghiệp tương đối phát triển, với các ngành  mũi nhọn như chế biến thực phẩm, dầu khí, luyện kim, chế tạo ô tô, năng lượng nguyên tử, sinh học...

 

Trong thập niên 1980 kinh tế Ác-hen-ti-na bị khủng hoảng như nhiều nước Mỹ Latinh khác, từ đầu thập niên 1990 dần được phục hồi, từ 1996 - 2001 quay lại chu kỳ suy thoái và 2002 rơi vào khủng hoảng trầm trọng (tăng trưởng GDP -10,9%, lạm phát 41%), đồng nội tệ bị phá giá, nợ nước ngoài lên đến mức kỷ lục (134 tỷ USD). Đến năm 2003 bắt đầu quá trình hồi phục mới, giai đoạn 2003-2008 kinh tế phát triển mạnh đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 8,2%/năm. Năm 2009, do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, kinh tế suy giảm mạnh, tăng trưởng GDP chỉ đạt 0,9 % (tương đương 301 tỷ USD). Từ năm 2010, kinh tế được phục hồi và tăng trưởng trở lại tuy còn chưa ổn định, GDP 6 tháng đầu năm đạt 9,4%, dự kiến cả năm đạt trên 7%, trao đổi thương mại 8 tháng đầu đầu năm đạt gần 80 tỷ USD (so với gần 100 tỷ) của năm 2009), dự trữ ngoại tệ đạt mức kỷ lục 51 tỷ USD (năm 2009 là 45 tỷ), tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 8,4% (2009) xuống còn  7,9%, lạm phát ở mức 11,2%.

 

Hàng xuất khẩu chủ yếu là ngũ cốc, thịt bò, da bò, dầu thực vật, hàng công nghiệp. Hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, phương tiện vận tải, hoá chất. Các thị trường xuất nhập khẩu chính: NAFTA (Mỹ, Canada Mexico), Trung Quốc,  EU, MERCOSUR.

 

V. Đối ngoại:

Chính phủ của Tổng thống Cri-xti-na Phê-nan-đết tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại cân bằng tại khu vực, đề cao liên kết và hợp tác khu vực, trong đó coi trọng và thúc đẩy quan hệ với Vê-nê-xu-ê-la, củng cố quan hệ với Chi-lê, Bra-xin và khối MERCOSUR. Với Mỹ, tuy có va chạm vào đầu nhiệm kỳ nhưng Chính phủ tiếp tục coi trọng phát triển quan hệ đồng minh với Mỹ trong khi vẫn duy trì quan hệ tốt với Cu-ba. Với Tây Âu, tiếp tục nỗ lực khôi phục niềm tin để tranh thủ vốn, mở rộng thị trường và giải quyết khoản nợ 6,3 tỉ USD với Câu lạc bộ Pa-ri. Ác-hen-ti-na có vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Man-vi-nát (Malvinas) với Anh và vùng đất đóng băng với Chi-lê, tuy nhiên, Chính phủ của Tổng thống Cri-xti-na Phê-nan-đết chủ trương giải quyết các vấn đề này bằng giải pháp hóa bình.

 

Là nước lớn trong khu vực Mỹ Latinh, Ác-hen-ti-na có vai trò quan trọng ở khu vực và quốc tế, có quan hệ ngoại giao với hơn 142 nước, là thành viên của LHQ, WTO, Hiệp hội Liên kết Mỹ Latinh (ALADI), Tổ chức các nước Châu Mỹ (OEA), Hệ thống Kinh tế Mỹ Latinh (SELA), Nghị viện Mỹ Latinh (PARLATINO), Nhóm 77, Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Hội đồng Kinh tế Lòng chảo TBD (PBEC), Liên minh các Quốc gia Nam Mỹ (UNASUR, 5/2008) và Cộng đồng các Nhà nước Mỹ Latinh và Ca-ri-bê (2/2010).

 

VI. Quan hệ với Việt Nam:

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, các chính quyền độc tài quân sự có quan hệ ngoại giao với ngụy quyền Sài Gòn, nhưng phong trào quần chúng nhân dân Ác-hen-ti-na đoàn kết và ủng hộ Việt Nam chống Mỹ phát triển mạnh mẽ.

 

Ngày 25/10/1973, dưới chính quyền Pê-rôn, Ác-hen-ti-na lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 1/1995, Việt Nam lập Đại sứ quán tại Bu-ê-nốt Ai-rết. Tháng 2/1997, Tổng thống Mê-nêm thăm chính thức Việt Nam và khai trương Đại sứ quán Ác-hen-ti-na tại Hà Nội.

 

Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn thăm các cấp, nổi bật về phía bạn có các đoàn Tổng thống Các-lốt Mê-nem (2/1997), Bộ trưởng Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Gui-đô Đi Tê-la (6/1996), Bộ trưởng Tư pháp G. Campô (1999), Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện R. Pu-ê-rơ-ta(10/2000), Thứ trưởng Ngoại giao Víc-tô-ri-ô Ta-xê-ti (6/2010), Đoàn Phó Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương- Bộ Ngoại giao, ngoại thương và Tôn giáo Lu-ít Ma-ri-a (7/2008), Đoàn Thị trưởng Thành phố Bu-ê-nốt Ai-rết Mau-ri-xi-ô Ma-cri(7/2008)… Về phía Việt Nam có các đoàn: Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (11/2004), nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (3/2006), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (4/2010), nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (9/1999), nguyên Bộ trưởng Văn hoá và Thông tin Nguyễn Khoa Điềm (2000), nguyên Tổng thanh tra Nhà nước Tạ Hữu Thanh (6/1998)...

 

Hai nước đã ký kết nhiều Hiệp định, Thoả thuận hợp tác: Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hợp tác Kinh tế-Thương mại, Hợp tác Công và Nông nghiệp, Hợp tác Thú y, Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (1996), Hợp tác Khoa học-Công nghệ, Hợp tác hai ngành Thanh tra (1997), Hợp tác Thể thao (1999), Hợp tác Văn hóa-Giáo dục (2000) và Hợp tác Sử dụng Năng lượng Hạt nhân vào Mục đích Hòa bình (2002), thoả thuận hợp tác về dầu khí giữa PVN và ENARSA, MOU cấp Bộ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí (3/2009). Hai nước đã khôi phục lại hoạt động của Ủy ban Hợp tác liên chính phủ (thành lập từ năm 1999), tiến hành khóa họp II tại Bu-ê-nốt Ai-rết (5/2009). Trong chuyến thăm Argentina của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (4/2010), hai bên đã ký Hiệp định cấp Chính phủ về Hợp tác Năng lượng, Bản ghi nhớ giữa hai Bộ Ngoại giao về đàm phán kinh tế - Thương mại và Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2010-2012 giữa hai Bộ Văn hóa.

 

          Trao đổi thương mại song phương liên tục gia tăng: năm 2007: 316 triệu USD; 2008: trên 400 triệu USD; năm 2009: 634 triệu USD; 7 tháng đầu năm 2010: trên 576 triệu USD (ta xuất được 43,4 triệu USD và nhập 533,9 triệu USD). Các mặt hàng chính ta xuất khẩu: dệt may, giầy dép, cao su, điện-điện tử, nồi hơi, thiết bị dụng cụ cơ khí, đồ gỗ, phụ tùng xe đạp và xe máy, va-li và túi xách, hàng thủ công mỹ nghệ. Các mặt hàng chính ta nhập khẩu: đậu tương, lúa mì, phụ phẩm gia súc, tân dược, hoá chất, chất dẻo, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, máy móc, ô tô, linh kiện ô tô, sữa và sản phẩm sữa, da bò, gỗ, hạt nhựa, thép, rượu vang. Về đầu tư tại Việt Nam, Ác-hen-ti-na có dự án sản xuất các sản phẩm sinh học (phân bón, thuốc diệt côn trùng, thuốc kích thích rau quả) với vốn khoảng 120.000 USD; đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp Luyện kim IMPSA của Ác-hen-ti-na và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đang triển khai 03 các dự án phong điện và thủy điện tại Việt Nam với số vốn có thể lên tới 3,2 tỷ USD.

 

          Quan hệ trên các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao… cũng được tăng cường: Giao lưu giữa các trường đại học Ác-hen-ti-na với các trường đại học Việt Nam;  tổ chức triển lãm tranh ảnh nghệ thuật ở hai nước; Ác-hen-ti-na cử đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn tại Festival Huế (6/2004); Ac-hen-ti-na đồng ý giúp Việt Nam phát triển bộ môn bóng đá, tập đoàn IMPSA cam kết tặng Việt Nam 10 học bổng về chuyên ngành rượu vang tại Đại học Tổng hợp Mên-đô-xa... Hai bên cũng đã trao đổi một số đoàn nghiên cứu khoa học trong đó có đoàn năng lượng nguyên tử và đoàn nhân chủng học pháp y của bạn đã thăm và làm việc tại Việt Nam.

 

          Hai bên duy trì tốt sự phối hợp và hợp tác tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế mà hai nước đều là thành viên như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).... Ác-hen-ti-na ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an/Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009; công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ WTO (trao đổi thông tin và kinh nghiệm , đào tạo cán bộ…). Ta ủng hộ Ác-hen-ti-na làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2004-2005; Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khóa 2008-2011; Hội đồng Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) nhiệm kỳ 2010-2012 và Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2010-2012./.

 

   Tháng 10/2010      

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer