Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TƯ LIỆU CƠ BẢN CỘNG HÒA LIÊN BANG BRA-XIN VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


I. Khái quát:
- Tên nước : Cộng hòa Liên bang Bra-xin.
- Thủ đô: Bra-xi-li-a (khoảng 2,8 triệu dân). Các thành phố lớn khác: Xao Pau-lu, Ri-u đư Gia-nây-ru, Poóc-tu A-lê-gơ-ru…
- Tôn giáo: 80% theo Cơ đốc giáo.
- Vị trí địa lý: Phía tây bắc, nam và tây có biên giới chung với hầu hết các nước Nam Mỹ (trừ Chi-lê và Ê-qua-đo); phía bắc và đông giáp Đại Tây Dương.
- Diện tích: 8.511.965 km2, chiếm 1/2 tiểu lục địa Nam Mỹ.
- Dân số: 205 triệu người (2016).
- Quốc khánh: 7/9 (Ngày Độc lập).
- Ngôn ngữ : Tiếng Bồ Đào Nha.
- Tiền tệ:  Đồng Real.
- Tổng thống: Mi-chen Tê-me (Michel Temer), từ 31/08/2016 đến hết 2018.
- Bộ trưởng Ngoại giao: Giô-xé Xe-ra (José Serra), từ 12/05/2016.

II. Lịch sử:
- Năm 1531: là thuộc địa của Bồ Đào Nha.
- Ngày 7/9/1822: Tuyên bố độc lập.
- Năm 1888: xóa bỏ chế độ nô lệ.
- Năm 1889: chuyển từ chế độ quân chủ sang chế độ cộng hoà.
- Từ 1964-1989: các chính quyền độc tài quân sự thay nhau cầm quyền.
- Năm 1989, ông Phéc-nan-đu Cô-lu, ứng cử viên của Đảng Phong trào Dân chủ Bra-xin (MDB) trúng cử Tổng thống, chấm dứt 25 năm chế độ độc tài quân sự, khôi phục dân chủ ở Bra-xin.
- Tháng 10/1994, ứng cử viên Đảng Xã hội Dân chủ Bra-xin (PSDB) Phéc-nan-đu En-ri-kê Ca-đô-xu, nguyên Bộ trưởng Kinh tế, thắng cử Tổng thống nhiệm kỳ 1995-1999 và tái đắc cử nhiệm kỳ 1999-2003.
- Tháng 10/2002, ứng cử viên cánh tả Lu-la đa Xin-va thuộc Đảng Lao động (PT) trúng cử Tổng thống (nhiệm kỳ 2003-2007), trở thành Tổng thống thiên tả đầu tiên trong lịch sử Bra-xin và tái đắc cử nhiệm kỳ 2 (2007-2011).
- Tháng 10/2010, ứng cử viên đảng PT, bà Đin-ma Ru-xép (Dilma Rousseff) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 2011-2015, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Bra-xin và sau đó, tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ (nhậm chức ngày 01/01/2015).
- Ngày 31/08/2016, Tổng thống Đin-ma Ru-xép đã bị Thượng viện phế truất. Phó Tổng thống Mi-chen Tê-me đã tuyên thệ nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống Bra-xin cho đến hết nhiệm kỳ của bà Ru-xép (kết thúc ngày 31/12/2018).

III. Chính trị:
Bra-xin là nước Cộng hòa Liên bang, Tổng thống là Nguyên thủ Quốc gia và đứng đầu Chính phủ, được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ hiện nay là 4 năm. Quốc hội gồm Thượng viện (81 ghế, bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 8 năm, phân bổ mỗi bang 3 người và theo các đảng phái) và Hạ viện (513 ghế, nhiệm kỳ 4 năm, được bầu trực tiếp, phân bổ theo dân số ở mỗi bang). Toà án Liên bang Tối cao gồm 11 thẩm phán, do Tổng thống bổ nhiệm.

IV. Kinh tế:
Nền kinh tế Bra-xin lớn nhất khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ 6 thế giới, giàu tài nguyên thiên nhiên (sắt, măng-gan, bô-xit, kền, nhôm, u-ra-ni-um, đá quý, gỗ, dầu khí, tài nguyên nước...), sản xuất nông nghiệp lớn thứ hai thế giới, xuất khẩu khoáng sản đứng thứ ba thế giới, đầu tư nước ngoài đứng thứ bảy thế giới (370 tỉ USD). Khoa học kỹ thuật, công nghệ đạt trình độ cao trong nhiều lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu ứng dụng; có nền công nghiệp hàng không, quân sự, cơ khí, chế tạo... khá phát triển.
Tăng trưởng kinh tế Bra-xin những năm gần đây: năm 2010: 7,8%; năm 2011: 2,7%; năm 2012: 0,9%; năm 2013: 2,6%, năm 2014: 0,1% và năm 2015: -3,8%. Cơ cấu kinh tế: dịch vụ 71,9%, công nghiệp 22,2% và nông nghiệp 5,9%; tỷ lệ lạm phát 9%; lực lượng lao động 103 triệu người, thất nghiệp 9%. Năm 2015 xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, chủ yếu là khí đốt tự nhiên, thiếc, kẽm, vàng, bạc, cà phê, đậu tương và sản phẩm từ gỗ; nhập khẩu đạt 172,4 tỷ USD, gồm máy móc và phương tiện vận tải, hàng tiêu dùng, nguyên liệu và bán thành phẩm, hoá chất, dầu thô, thực phẩm. Các thị trường chính: Trung Quốc, Mỹ, Ác-hen-ti-na, Cô-lôm-bi-a, Pê-ru. Mỹ là nước đầu tư lớn nhất, tiếp sau là Đức, Nhật, Pháp và Anh.
          
V.  Chính sách đối ngoại:
Bra-xin triển khai chính sách đối ngoại với các ưu tiên tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, gia tăng ảnh hưởng với các nước trong khu vực Ca-ri-bê song song với việc tăng cường vị thế và vai trò tại các tổ chức khu vực và quốc tế (tiếp tục đẩy mạnh vận động cải tổ LHQ và các nước ủng hộ Bra-xin trở thành ủy viên thường trực khi HĐBA/LHQ được mở rộng); thúc đẩy tiến trình hội nhập các nước Nam Mỹ trong khuôn khổ hợp tác Liên minh các Quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS), tăng cường hợp tác trong cơ chế nhóm BRICS. Bra-xin là thành viên của LHQ, WTO, Hiệp hội Liên kết Mỹ Latinh (ALADI), nhóm BRICS, Tổ chức các nước Châu Mỹ (OEA), Liên minh các Quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Nhóm 77, G20, Diễn đàn Hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh (FEALAC)...

VI. Quan hệ với Việt Nam:
Việt Nam và Bra-xin lập quan hệ ngoại giao ngày 8/5/1989. Ta lập Đại sứ quán tại Bra-xi-li-a năm 2000 trên cơ sở nâng cấp Tổng Lãnh sự quán lập tại Thành phố Sao Paulo (1998); Bra-xin là nước Nam Mỹ đầu tiên lập Đại sứ quán ở Hà Nội (1994). Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn thăm nhau: về phía Việt Nam, nổi bật là các Đoàn Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (5/2007), Chủ tịch nước Lê Đức Anh (10/1995), Trần Đức Lương (11/2004), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (3/2006), và nhiều đoàn cấp Phó Thủ tướng, Bộ/Thứ trưởng thăm Bra-xin; về phía Bra-xin, TTh Lu-la đa Xin-va (7/2008), Chủ tịch Hạ viện An-đu Ra-be-lu (10/2003), hai Bộ trưởng Ngoại giao Xen-xu A-mô-rim (2/2008) và An-tô-ni-ô đư A-ghi-a Pa-tri-ô-ta (7/2012), Thứ trưởng các Bộ Ngoại giao, Công nghiệp và Phát triển Công thương... Tháng 4/2012, Hội Hữu nghị và Hợp tác Bra-xin – Việt Nam được thành lập do Thượng nghị sỹ I-na-xi-u A-ru-đa làm Chủ tịch. Hai bên đã tổ chức thành công Tuần văn hóa Việt Nam tại Bra-xin (10/2009).
Quan hệ thương mại hai chiều tăng nhanh từ 113,8 triệu USD năm 2005 lên 3,35 tỷ USD năm 2014. Cán cân thương mại song phương tương đối cân bằng, ta xuất khẩu sang Bra-xin chủ yếu là thủy sản, da giầy, vải sợi, cao su, săm lốp, hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ; nhập khẩu từ Bra-xin đậu tương, khô đậu tương làm thức ăn chăn nuôi, bột mì, giấy và bột giấy, vật liệu da.
Hai nước đã trao đổi về khả năng hợp tác trên một số lĩnh vực như sản xuất và sử dụng cồn etanol, sản xuất thép, chế tạo máy, nông nghiệp, thể thao, du lịch; ta gợi ý bạn tham gia các dự án xây dựng và nâng cấp cầu và cảng biển ở Việt Nam; hiện mỗi nước có 01 dự án đầu tư FDI trên lãnh thổ của nhau (dự án Bra-xin là trong lĩnh vực sản xuất cao su trị giá 2,6 triệu USD và dự án của Việt Nam là sản xuất mỳ ăn liền trị giá 0,8 triệu USD). Bra-xin đã thông qua danh sách 74 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn xuất hàng thủy sản sang thị trường Bra-xin. Hai bên tổ chức thành công phiên họp I và II của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Bra-xin tại Bra-xin (tháng 5/2009 và tháng 4/2012).
Hai bên đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác như Thoả thuận về tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (10/1995); Hiệp định về hợp tác văn hoá; Thoả thuận về hợp tác giữa hai Phòng Thương mại (10/2003); Thoả thuận về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao (11/2004); Hiệp định về Hợp tác Y tế (5/2007); Bản Ghi nhớ thành lập Ủy ban Hỗn hợp, Hiệp định Hợp tác khoa học và công nghệ, Bản Ghi nhớ về hợp tác chống đói nghèo, Bản Ghi nhớ về hợp tác thể thao, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Bra-xin S.A (7/2008); Thỏa thuận Kế hoạch hành đồng Xóa đói nghèo giữa Bộ Lao động Thương binh và xã hội Việt Nam và Bộ Phúc lợi Xã hội Xóa đói nghèo Bra-xin  (4/2012)…
Về hợp tác đa phương, hai nước chia sẻ quan điểm về cải tổ Liên hợp quốc và nhiều vấn đề quốc tế khác. Bra-xin đã sớm ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, ứng cử làm Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ khoá 2008-2009; ta ủng hộ Bra-xin trở thành Ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2010-2011, Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) nhiệm kỳ 2011-2016 và thành viên Ủy ban Luật quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2012-2016.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer