TƯ LIỆU CƠ BẢN NƯỚC CỘNG HÒA CÔ-LÔM-BI-A

 I. Khái quát:

-   Tên nước: Cộng hoà Cô-lôm-bi-a (República de Colombia).

-   Thủ đô: Bô-gô-ta (Bogota).       

-   Vị trí địa lý: nằm ở Tây Bắc lục địa Nam Mỹ. Phía Bắc giáp Pa-na-ma và biển An-ti-gia, Đông giáp Vê-nê-xu-ê-la và Bra-xin, Nam giáp Pê-ru và Ê-qua-đo, Tây giáp biển Thái Bình Dương.

-   Diện tích:  1.138.914 km2 (lớn thứ tư Nam Mỹ).

-   Dân số: 50 triệu (2018) trong đó chủ yếu là người lai (75%), da trắng (20%), da đen (4%) và thổ dân (1%).

-   Quốc khánh:  20/7 (Ngày Độc lập 20/7/1810).

-   Tôn giáo: 90% theo Thiên chúa giáo.

-   Ngôn ngữ: tiếng Tây Ban Nha.

-   Tiền tệ: Đồng Pê-xô.

-   Tổng thống: I-van Đu-kê Ma-kết, nhiệm kỳ 2018 - 2022.

-   Ngoại trưởng: Cờ-lau-đi-a Bờ-lum, từ tháng 11/2019.

II. Lịch sử:

- Năm 1499, người Tây Ban Nha đặt chân đến Cô-lôm-bi-a và tiến hành quá trình thực dân hoá.

- Sau khi đánh bại quân đội thực dân, ngày 17/12/1819, Xi-môn Bô-li-va tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Đại Cô-lôm-bi-a (gồm E-qua-đo, Cô-lôm-bi-a, Vê-nê-xu-ê-la và Pa-na-ma).

- Năm 1830, Vê-nê-xu-ê-la và E-qua-đo tách khỏi Cộng hoà Cô-lôm-bi-a.

- Năm 1863, theo Hiến pháp mới, Liên bang Cô-lôm-bi-a được thành lập.

- Năm 1886 đổi tên thành nước Cộng hoà Cô-lôm-bi-a.

- Ngày 24/11/2016, Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã ký hiệp định kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm, khiến 250.000 người thiệt mạng.

- 8/2018, ông I-van Đu-kê thuộc đảng Trung tâm Dân chủ (CD) thiên hữu đắc cử Tổng thống Cô-lôm-bi-a với 54% phiếu bầu, nhậm chức ngày 7/8/2018.

 

 

III. Chính trị:

- Hệ thống chính trị: Cô-lôm-bi-a theo chế độ Cộng hoà. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, được bầu trực tiếp nhiệm kỳ 4 năm và có thể tái cử ở nhiệm kỳ tiếp theo.

- Hệ thống lập pháp: Quốc hội lưỡng viện, nhiệm kỳ 4 năm. Thượng viện có 102 Thượng nghị sĩ, Hạ viện có 166 Hạ nghị sĩ.

          - Hệ thống tư pháp: Toà Hiến pháp (các vấn đề Hiến pháp, thoả thuận và hiệp định quốc tế), Toà án tối cao (các vấn đề lao động, dân sự, hình sự), Hội đồng Nhà nước (các vấn đề hành chính) và Toà Tư pháp tối cao (các vấn đề hành chính tư pháp).

Các đảng phái chính trị: khoảng 60 đảng phái chính trị, các đảng lớn là Đảng Bảo thủ (PC), Đảng Xã hội Đoàn kết Dân tộc (PSUN) và Đảng Đổi mới (CR).

IV.Kinh tế:

Cô-lôm-bi-a là nước giàu khoáng sản và năng lượng: đứng đầu khu vực về trữ lượng than (chiếm 40% tổng trữ lượng của Mỹ Latinh), thứ hai khu vực về tiềm năng thuỷ điện (sau Bra-xin), dầu lửa có trữ lượng khoảng 3,1 tỷ thùng, ngoài ra còn có vàng, bạc, pla-tin... Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là cà phê, hoa, thuốc lá, thịt bò, ngũ cốc, hoa quả...

Từ đầu thập kỷ 90, Cô-lôm-bi-a tiến hành cải cách kinh tế theo hướng tự do hoá, với các biện pháp giảm thuế, bỏ quản lý tài chính, tiến hành tư nhân hoá, thả nổi tỷ giá hối đoái, mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Từ 2015, do giá dầu thô trên thế giới giảm khiến tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm bị ảnh hưởng, giảm lần lượt từ 3,1%, 2% và 1,7%. GDP theo sức mua năm 2017  đạt 714 tỷ USD; FDI 2017 đạt 14,5 tỷ USD tăng 5% so với năm 2016; xuất khẩu 2017 đạt 36,79 tỉ USD (dầu lửa, than, cà phê, hoa tươi, chuối, dược phẩm, xi măng) sang các thị trường chính Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc và nhập khẩu 44,68 tỉ USD (máy công nghiệp, phương tiện vận tải, hàng hóa tiêu dùng, lương thực, hoá chất, quặng kim loại)…từ các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Mê-hi-cô, Bra-xin.

V. Đối ngoại:

Cô-lôm-bi-a chú trọng thúc đẩy quan hệ với các nước Mỹ Latinh, liên kết khu vực; chủ trương đa đạng hoá quan hệ với các khu vực khác trên giới, hướng mạnh sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 4/2011, Cô-lôm-bi-a tham gia thành lập Liên Minh Thái Bình Dương (cùng Pê-ru, Mê-hi-cô và Chi-lê) và đang vận động gia nhập APEC và tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cô-lôm-bi-a là thành viên của hơn 50 tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Tổ chức các nước Châu Mỹ (OEA), Phong trào Không Liên kết, Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC), Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Liên minh các Quốc gia Nam Mỹ (UNASUR). Liên minh Thái Bình dương (gồm 4 nước là Colombia, Mexico, Chile, Peru)…

VI. Quan hệ với Việt Nam:

  1. Về chính trị - ngoại giao:

Việt Nam và Cô-lôm-bi-a thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ tháng 1/1979. Đại sứ ta tại Vê-nê-xu-ê-la kiêm nhiệm Cô-lôm-bi-a. Tháng 8/2013, Cô-lôm-bi-a xúc tiến mở Đại sứ quán tại Hà Nội và bổ nhiệm Đại biện (1/2014); Việt Nam có Lãnh sự danh dự tại Cô-lôm-bi-a (từ 10/2012). 

Cô-lôm-bi-a coi Việt Nam là đối tác ưu tiên ở khu vực Châu Á; sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp ta đầu tư, kinh doanh tại Cô-lôm-bi-a, trong các lĩnh vực năng lượng và viễn thông; ký kết các hiệp định và thỏa thuận hợp tác; thúc đẩy hợp tác Nam-Nam về biến đổi khí hậu và thiên tai, bảo trợ xã hội, phát triển nông nghiệp và du lịch. Trao đổi thương mại song phương năm 2019 đạt hơn 520 triệu USD, chủ yếu là hàng thủy sản, hàng dệt may, giày dép, săm lốp... và nhập phụ liệu may, giày dép, sản phẩm bằng đồng, chất dẻo...

Hai bên tích cực hợp tác, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về nông nghiệp, biến đổi khí hậu, giao thông công cộng, hạ tầng đô thị. Hai nước cũng đang thúc đẩy các sáng kiến hợp tác theo các khuôn khổ Nam – Nam và ba bên (Việt Nam và Cô-lôm-bi-a giúp Hai-ti nâng cao khả năng tự túc lương thực và xóa đói giảm nghèo). Cô-lôm-bi-a chú trọng, quan tâm thúc đẩy quan hệ văn hóa-giáo dục với Việt Nam: cử đoàn tham dự Festival Huế (2012, 2014, 2016), cử giáo viên sang Việt Nam dạy tiếng Tây Ban Nha, cấp học bổng đào tạo tiếng cho hướng dẫn viên và nhà báo ngành du lịch Việt Nam trong khuôn khổ FEALAC./.

Tháng 12/2020

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn