THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CU-BA VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
I. KHÁI QUÁT CHUNG:
- Tên chính thức: Cộng hoà Cu-ba.
- Vị trí địa lý: Cu-ba là một quần đảo (gồm hơn 1.600 đảo, lớn nhất là đảo Cu-ba với diện tích 110.922 km2 và đảo Thanh Niên với 3.061 km2), nằm ở vùng biển Ca-ri-be, án ngữ lối vào vịnh Mê-hi-cô, giữa Bắc, Trung và Nam Mỹ; 3/4 diện tích là đồng bằng; sông ngòi ít, nhỏ.
- Diện tích: 114.524 km2
- Dân số: 11,5 triệu người (7/2010); hơn 70% da trắng gốc Âu (chủ yếu Tây Ban Nha), 14% người lai, 12% gốc Phi (da đen), còn lại là người gốc Á (gốc Hoa).
- Thủ đô: La Ha-ba-na (2,1 triệu người).
- Tiền tệ: đồng Pê-xô (đồng Pê-xô nội địa và đồng Pê-xô chuyển đổi).
- Ngôn ngữ chính thức: tiếng Tây Ban Nha.
- Ngày lễ lớn: + 1/1/1959, Ngày Giải phóng (Quốc khánh)
+ 26/7/1953, Ngày Khởi nghĩa Vũ trang
- Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng Cộng sản Cu-ba: Phi-đen Ca-xtơ-rô Ru-xơ.
- Chủ tịch HĐNN và HĐBT: Ra-un Ca-xtơ-rô Ru-xơ.
- Chủ tịch Quốc hội: Ri-các-đô A-la-rơ-côn đê Kê-xa-đa.
- Bộ trưởng Ngoại giao: Bru-nô Rô-đri-ghết Pa-ri-gia.
II. LỊCH SỬ:
- 27/10/1492: Nhà thám hiểm Tây Ban Nha Cri-xtô-ban Cô-lông tìm ra Cu-ba.
- 1511-1898: là thuộc địa của Tây Ban Nha.
- 1898 – 1958: là thuộc địa kiểu mới của Mỹ; tháng 8/1925: thành lập Đảng Cộng sản đầu tiên ở Cu-ba.
- 26/7/1953: Phi-đen lãnh đạo cuộc tiến công Trại lính Môn-ca-đa, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng nhằm lật đổ chế độ độc tài Ba-ti-xta.
- 2/12/1956: Phi-đen và các chiến sĩ cách mạng Cu-ba đổ bộ vào Cu-ba, mở đầu cuộc kháng chiến trong nước chống chế độ độc tài Ba-ti-xta.
- 1/1/1959: Cách mạng Cu-ba thành công.
- 16/4/1961: Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô tuyên bố tính chất XHCN của Cách mạng Cu-ba.
- 3/10/1965: Thành lập Đảng Cộng sản Cu-ba.
- 19/2/2008: Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô tuyên bố sẽ không ứng cử và không chấp nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, Tổng Tư lệnh quân đội.
- 24/2/2008: Quốc hội khoá VII bầu đ/c Ra-un Ca-xtơ-rô Ru-xơ làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, đ/c Ra-môn Ma-cha-đô Ven-tu-ra làm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, đ/c Ri-các-đô A-la-rơ-côn được tái bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
III. KINH TẾ:
- Cu-ba có khí hậu nhiệt đới ôn hoà; nhiều khoáng sản như nikel (thứ 4 thế giới), đồng, sắt, măng-gan, dầu lửa…; đất đai mầu mỡ, thích hợp cho canh tác cây công nghiệp (mía, cà phê, thuốc lá, cây ăn quả…) và chăn nuôi đại gia súc; có nhiều điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển ngành du lịch.
- Thập kỷ 90, Cu-ba lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng nhất kể từ ngày Cách mạng thành công. GDP năm 1993 giảm 35% so với năm 1989. Tăng trưởng kinh tế những năm gần đây khá cao (năm 2005 đạt 9%, 2006: 12%, 2007: 10%). Tuy nhiên, từ năm 2008, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến động giá nhiên liệu, lương thực và đặc biệt là 3 cơn bão liên tiếp vào tháng 9 gây thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, GDP chỉ đạt 4,3%, thâm hụt thương mại và ngân sách tăng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2009, thâm hụt thương mại là 10,5 tỷ USD, GDP công bố giảm trên 1%, Cu-ba buộc phải phong bế tài khoản của một số công ty nước ngoài, không thể thực hiện cam kết tài chính với nhiều đối tác để tiếp tục nhập khẩu phục vụ sản xuất.
- Cu-ba về cơ bản duy trì cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp; tuy nhiên, kể từ năm 2008 đến nay, trước khó khăn kinh tế - xã hội ngày càng gay gắt, Cu-ba đã có một số điều chỉnh về chính sách quản lý kinh tế, bước đầu cải cách cơ chế sản xuất trong nông nghiệp (giao đất cho hộ sản xuất, tăng giá thu mua nông sản, cho phép nông dân bán sản phẩm ra thị trưởng); bãi bỏ một số chế độ bao cấp miễn phí; cho phép tư nhân kinh doanh một số ngành dịch vụ và bán lẻ; sửa đổi luật lao động; cho phép người dân mua máy tính, sử dụng điện thoại di động, … Tuy vậy, đó vẫn là những biện pháp mang tính tình thế nên kết quả còn hạn chế.
IV. CHÍNH TRỊ:
1. Chính thể Nhà nước, Đảng và đoàn thể:
- Quốc hội của Chính quyền Nhân dân là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Cu-ba và là cơ quan lập pháp duy nhất. Hội đồng Nhà nước là cơ quan đại diện của Quốc hội giữa 2 nhiệm kỳ. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. HĐBT là cơ quan hành pháp tối cao.
- Đảng Cộng sản Cu-ba (PCC) là đảng cầm quyền; được hợp nhất năm 1961 từ Phong trào 26/7, Đảng Xã hội nhân dân và Phong trào 13/3 thành Tổ chức Cách mạng hợp nhất (ORI), sau đổi tên thành Đảng thống nhất Cách mạng XHCN (PURS). Từ 3/10/1965, đổi tên thành ĐCS Cu-ba. Hiện có khoảng nửa triệu đảng viên. Cơ quan ngôn luận: Báo Gran-ma.
- Đoàn Thanh niên Cộng sản (UJC) có hơn nửa triệu đoàn viên, được coi là tổ chức chính trị, cánh tay đắc lực của Đảng.
- Các tổ chức quần chúng gồm: Mặt trận (Các Uỷ ban Bảo vệ Cách mạng-CDR); Công đoàn (Trung tâm những Người lao động Cu-ba - CTC); Phụ nữ (Hội Liên hiệp Phụ nữ Cu-ba - FMC); Cựu chiến binh (Hội Cựu chiến binh Cách mạng-ACR); Nông dân (Hội tiểu nông - ANAP); Sinh viên, học sinh (Liên đoàn Sinh viên Đại học - FEU, Liên đoàn Học sinh Trung học - FEEM) và Đội Thiếu niên Hô-xê Mác-ti.
2. Chính sách đối ngoại:
- Sau Cách mạng thành công, Cu-ba thi hành một chính sách đối ngoại năng động, kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, tích cực ủng hộ phong trào cách mạng, giải phóng và độc lập dân tộc, đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH.
- Từ đầu thập kỷ 90, Cu-ba đã từng bước điều chỉnh chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình mới nhằm đa dạng hoá quan hệ, đẩy mạnh quan hệ với các nước Mỹ Latinh – Ca-ri-bê; đối phó với chính sách thù địch của Mỹ, tranh thủ dư luận và các lực lượng trong nội bộ Mỹ ủng hộ bình thường hoá quan hệ với Cu-ba, sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với Mỹ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau; bình thường hóa quan hệ với EU, tăng cường quan hệ với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, …; chủ động, tích cực hoạt động tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.
- Trong những năm gần đây, Cu-ba tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại song phương và đa phương nhằm phá thế bao vây, cấm vận và đã thu được một số kết quả quan trọng: Cu-ba tái nhập nhóm Rio (11/2008), hiện đã có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước Châu Mỹ (trừ Mỹ) sau khi nối lại quan hệ ngoại giao với Cô-xta Ri-ca và En Xan-va-đo (3/2009); Tổ chức các nước Châu Mỹ hủy bỏ Nghị quyết khai trừ Cu-ba ra khỏi Tổ chức này (6/2009); từ khi Ô-ba-ma lên cầm quyền, Mỹ có một số nới lỏng cấm vận, nối lại đàm phán về di trú và bưu chính với Cu-ba; từ 6/2008, EU xóa bỏ các biện pháp trừng phạt Cu-ba áp dụng từ năm 2003; năm 2009 là năm thứ 19 liên tiếp Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu bãi bỏ cấm vận Cu-ba với đại đa số phiếu thuận.
V. QUAN HỆ VIỆT NAM - CU-BA:
- Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (2/12/1960), quan hệ đoàn kết, ủng hộ và hợp tác toàn diện anh em Việt Nam - Cu-ba không ngừng được duy trì, phát triển. Cu-ba là nước đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập, tự do, xây dựng đất nước của Việt Nam; quan tâm thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực có thế mạnh như xây dựng, giao thông, công nghệ sinh học, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, nông nghiệp.
- Về trao đổi đoàn, hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp thường xuyên thăm lẫn nhau, nổi bật trong những năm gần đây là các chuyến thăm Cu-ba của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (6/2007), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (9/2009), nguyên Chủ tịch Quôc hội Nguyễn Văn An (3/2006), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (5-8/9/2010); các chuyến thăm Việt Nam của nguyên Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô (2/2003), Phó Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô (4-5/2005), Chủ tịch Quốc hội Ri-các-đo A-la-rơ-côn (6/2007) và nhiều đoàn cấp Ủy viên Bộ Chính trị... Ngoài ra, Nguyên thủ Nhà nước hai nước cũng đã gặp song phương dịp dự HNCC Không Liên Kết 14 và 15 (La Ha-ba-na, 9/2006 và Ai Cập, 7/2009). Năm 2010, hai bên đang tích cực chuẩn bị nhiều hoạt động trong kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Cu-ba (02/12/1960- 02/12/2010).
- Hai bên duy trì thường xuyên và có hiệu quả cơ chế UBLCP (họp hàng năm), tăng cường trao đổi đoàn hợp tác, học tập kinh nghiệm trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, y tế, giáo dục, y dược, an ninh, quốc phòng… Kỳ họp 28 UBLCP Việt Nam-Cuba đã diễn ra tại La Ha-ba-na từ ngày 20-24/9/2010 tập trung các nội dung hợp tác nông nghiệp, cung cấp gạo, xây dựng, công nghệ sinh học…
- Trao đổi kinh tế- thương mại giữa hai nước thời gian qua ngày càng gia tăng: năm 2007 đạt trên 300 triệu USD; 2008: 497 triệu USD; năm 2009 bị suy giảm mạnh do khả năng thanh toán của bạn hạn chế, đạt 243 triệu USD và 5 tháng đầu 2010 đạt 82,5 triệu USD (trong đó Việt Nam luôn xuất siêu sang Cu-ba, chủ yếu là gạo, than đá, thiết bị điện tử, điện gia dụng).
Tháng 10/2010
Back Top page Print Email |