Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Quan hệ Việt Nam - Hoa kỳ


TƯ LIỆU CƠ BẢN VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM - HOA KỲ

Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1995, trao đổi Đại sứ đầu tiên vào tháng 7/1997, mở Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco vào tháng 11/1997.

Về quan hệ chính trị: Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Về phía Việt Nam thăm Mỹ có đoàn Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm (1998, 2000), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng (2001), Phó Thủ tướng Vũ Khoan (2003) và nhiều đoàn cấp Bộ trưởng. Phía Mỹ cũng cử nhiểu đoàn cấp cao thăm Việt Nam: Ngoại trưởng W.Chistopher (1995), Ngoại trưởng M.Albright (1997), Cố vấn an ninh quốc gia A. Lake (1996), cựu Tổng thống G. Bush (1995), Bộ trưởng Quốc phòng Cohen (2000), Ngoại trưởng C.Powell (2001), và đặc biệt là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Clinton tháng 11/2000. Ngoài ra, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương.

Quan hệ kinh tế - thương mại: Hai nước đã ký kết một số Hiệp định, Thoả thuận về kinh tế như Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả (ngày 27/6/1997), Hiệp định về hoạt động của Cơ quan đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC) tại Việt Nam (ngày 26/3/1998), Hiệp định bảo lãnh khung và Hiệp định khuyến khích dự án đầu tư giữa Ngân hành Nhà nước VN và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ - EXIMBANK (ngày 9/12/1999), Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (ký ngày 13/7/2000, có hiệu lực ngày 10/12/2001), Hiệp định Hợp tác về khoa học và công nghệ (có hiệu lực từ ngày 26/3/2001), Hiệp định Dệt-may (có hiệu lực từ 1/5/2003), Hiệp định Hàng không (có hiệu lực từ 14/1/2004); Thư thoả thuận hợp tác về phòng chống ma tuý (có hiệu lực từ ngày 26/2/2004); Hai bên đang đàm phán để ký kết Hiệp định khung hợp tác về kinh tế và kỹ thuật, Hiệp định hợp tác về Vận tải biển, Bản Ghi nhớ hợp tác về Nông nghiệp.

Kể từ khi HĐTM có hiệu lực đến nay, quan hệ buôn bán giữa hai nước tăng nhanh: kim ngạch buôn bán 2 chiều năm 2003 đạt gần 6 tỉ USD, tăng gấp đôi năm 2002 (2,878 tỉ USD) và tăng gấp 4 lần năm 2001 (1,5 tỉ USD). Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam tính đến tháng 10/2004 đạt hơn 1,25 tỉ USD với 206 dự án lớn, nhỏ, đứng thứ 11 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam. Hiện có hơn 800 doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam. Trong quá trình mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại đã nảy sinh một số tranh chấp do chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ như vấn đề cá Tra, Basa, tôm, hàng dệt....

Hợp tác trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ, Văn hoá, Giáo dục - Đào tạo, Y tế và Lao động

Hai nước đã ký kết nhiều văn bản Bản Ghi nhớ (MOU) cấp Bộ như Tuyên bố chung về hợp tác y tế giữa hai Bộ Y tế (12/1997), Thoả thuận hợp tác về thể dục thể thao (tháng 3/1999), Bản Ghi nhớ về hợp tác thuật trong lĩnh vực Khí tượng Thuỷ văn (1/2001), Biên bản Ghi nhớ giúp đào tạo nhân lực cho ngành Thuỷ sản Việt Nam (11/3/2003), Bản ghi nhớ về hợp tác lao động Việt nam-Hoa Kỳ (ký ngày 17/11/2000)... Năm 2003, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết Nguyên tắc hợp tác trong việc thực hiện Đề án Quỹ giáo dục của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam (VEF), VEF đã bắt đầu cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ đào tạo. Ngày 23/6/2004, Tổng thống Mỹ G.Bush tuyên bố đưa Việt Nam vào danh sách 15 nước hưởng viện trợ trong Kế hoạch Viện trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS.

Hợp tác về các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại: Với truyền thống và chính sách nhân đạo, Việt Nam đã và đang hợp tác tốt với Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Hai nước đang tiến hành đợt tìm kiếm hỗn hợp thứ 79. Phía Việt Nam đã trao cho Hoa Kỳ 827 bộ hài cốt. Phía Hoa Kỳ cũng đang từng bước hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề hậu quả chiến tranh ở Việt Nam như cung cấp các thông tin liên quan tới việc tìm kiếm người Việt Nam bị mất tích trong chiến tranh. Hai bên hợp tác tổ chức một số Hội nghị về nghiên cứu hậu quả chất độc da cam. Từ năm 2000, cơ quan viện trợ USAID đã tài trợ cho nhiều tổ chức NGO (Peace Tree, VNAH, HealthEd...) thực hiện các chương trình rà phá bom mìn, trồng cây xanh, trợ giúp nạn nhân... Ngày 25/2/2004, Trung tâm xử lý bom mìn của Bộ Quốc phòng (BOMICO) và Quỹ cựu binh Mỹ ở Việt Nam (VVAF) ký Dự án "Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam".

Quan hệ an ninh - quân sự: hai bên đã cử Tuỳ viên quân sự (Hoa Kỳ cử năm 1995 và Việt Nam cử năm 1997); tiến hành trao đổi nhiều đoàn, kể cả các đoàn cấp Thứ trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Cohen thăm Việt Nam tháng 3/2000. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà đã thăm Hoa Kỳ tháng 11/2003. Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đã thăm Việt Nam. Tàu hải quân Hoa Kỳ thăm hữu nghị cảng Việt Nam vào tháng 11/2003 và tháng 7/2004.

Hợp tác chống khủng bố: Việt Nam đã và đang tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, Việt Nam cũng yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ hợp tác ngăn chặn và nghiêm trị những tổ chức và cá nhân có hành động khủng bố chống Việt Nam.

(9/2004)

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer