Phim tài liệu "Những nẻo đường công lý":Thành công đầu tiên: Chọn nhân chứng
(ND): 30 phút phim là 30 phút khiến người xem phải chia sẻ với tác giả về nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ra mắt đúng thời điểm vụ kiện các công ty hoá chất Mỹ cung cấp chất độc hoá học cho quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam vào giai đoạn nóng, bộ phim "Những nẻo đường công lý" của đạo diễn, NSƯT Lại Văn Sinh có tính phóng sự mạnh.
Chỉ 30 phút nhưng có cảm giác nếu phim làm dài hơn, việc triển khai những câu chuyện trong đó cũng không kém phần lôi cuốn, nhưng thế mới là vừa độ - là đắt giá. Bởi chỉ cần quá một chút thôi khi mô tả thực trạng nạn nhân, phim sẽ dễ có những hình ảnh phản cảm, khiến người xem ghê sợ. Còn ở thái cực khác, nếu hình ảnh nhợt nhạt, phim sẽ giảm sức thuyết phục.
Việc chọn nhân chứng trong phim là một thành công của đạo diễn.
Hai nhân vật ở hai chiến tuyến: Jumwalt - viên đô đốc hải quân Mỹ quyết định cho rải chất độc da cam/dioxin dọc các con sông, kênh rạch ở miền Nam VN và Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Đôn Tự từng nhiều năm chiến đấu ở Quảng Trị.
Cuối cùng thì tai hoạ giáng xuống đầu cả hai gia đình. Chính con trai của Jumwalt là Elmo - viên đại uý bị hai căn bệnh ung thư, còn con trai của Elmo bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Con gái thứ hai của ông Nguyễn Đôn Tự bị dị tật bẩm sinh. Từ một sự tình cờ, hai viên tướng biết nhau và giờ đây cùng hoạt động để góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh trong đó có hậu quả chất độc da cam. Trong bức thư ông Nguyễn Đôn Tự gửi Jumwalt có đoạn viết: "Chiến tranh đã chia rẽ chúng ta, làm mất đi phần nào bản chất nhân đạo của con người".
Đạo diễn Lại Văn Sinh nói: "Bộ phim không đi theo diễn tiến của vụ kiện, nhưng là tiếng nói góp phần vào cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho các nạn nhân chất độc da cam, không phân biệt hàng ngũ, màu da, trong đó có cả các cựu chiến binh Mỹ. Bộ phim sẽ làm thức tỉnh lương tri con người vì hậu quả chiến tranh vẫn luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi, nhất là di chứng của chất độc da cam ảnh hưởng đến cả thế hệ thứ ba và khi nhiễm vào gene thì ai dám khẳng định thế hệ thứ tư, thứ năm không hề chịu ảnh hưởng".
Hình ảnh em bé gái 20 tuổi, 16 năm liền sống trong vô thức, 16 năm liền trọng lượng không vượt quá 16kg, hay đứa bé 6 năm liền bị nhốt trong cũi ở Thái Bình... Những cảnh sinh hoạt trong làng trẻ Hoà Bình ở Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), trong làng trẻ Hữu Nghị...
Nhân vật Suel Jones, từng là lính thuỷ đánh bộ ở Việt Nam bị nhiễm dioxin ở lại làm đại diện ủy ban quốc tế tại làng Hữu Nghị Việt Nam, chăm sóc những nạn nhân cùng cảnh ngộ mình...
Người xem có thể bắt gặp bao câu chuyện thương tâm có sức ám ảnh ghê gớm. Nhưng ông Nguyễn Đôn Tự - nhân chứng gây ấn tượng mạnh nhất cho đạo diễn Lại Văn Sinh trong hành trình đi tìm nhân vật cho phim - cũng là người để lại cho khán giả nhiều suy ngẫm.
Không lên gân, không quá nặng nề (khi xen một vài hình ảnh chơi piano, vẽ tranh của các bạn nhỏ vào), "Những nẻo đường công lý" là một cách làm phim tài liệu trực diện, để bản thân sự việc nói lên tiếng nói chân thực của nó. Và nó góp phần khẳng định tính chất chính nghĩa của vụ kiện./.
Back Top page Print Email |