TƯ LIỆU CƠ BẢN LIÊN BANG MÊ-HI-CÔ
I. Khái quát:
- Tên nước: Liên bang Mê-hi-cô (Estados Unidos Mexicanos).
- Thủ đô: Thành phố Mê-hi-cô; các thành phố lớn khác: Goa-đa-la-ha-ra (Guadalajara), Môn-tê-rây (Monterrey), Pu-ê-bla (Puebla), Xiu-đát Hoa-rết (Ciudad Juarez), Ti-hoa-na (Tijuana), A-ca-pun-cô (Acapulco), Mê-ri-đa (Merida), Lê-ôn (Leon).
- Vị trí địa lý: nằm ở Bắc Mỹ; Bắc giáp Mỹ, Đông giáp vịnh Mê-hi-cô, Đông Nam giáp biển Ca-ri-bê, Nam giáp Bê-li-xê và Goa-tê-ma-la, Tây giáp Thái Bình Dương.
- Diện tích: 1.972.550 km2 (thứ 3 Mỹ Latinh, sau Bra-xin và Ác-hen-ti-na). - Dân số: 121,7 triệu người (2015).
- Quốc khánh: 16/9/1810.
- Tôn giáo: Cơ đốc giáo, Tin lành...
- Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha.
- Tiền tệ: Đồng Pê-xô Mê-hi-cô. Tỷ giá: 17,30 Pê-xô = 1 USD
- Tổng thống: Ên-ri-kê Pê-nha Ni-ê-tô (Enrique Peña Nieto, nhiệm kỳ từ 01/12/2012 đến 01/12/2018).
- Ngoại trưởng: Clau-đi-a Ru-ít Ma-xiêu (Claudia Ruiz Massieu).
II. Lịch sử:
- Mê-hi-cô có lịch sử và nền văn minh lâu đời, chủ yếu thuộc hai nền văn minh chính là Át-xtê-ca (Azteca) và Ma-gia (Maya) từ hơn 3000 năm trước công nguyên.
- Từ năm 1519, Mê-hi-cô bị Tây Ban Nha đô hộ.
- Ngày 16/9/1810, dưới sự lãnh đạo của Mi-ghen I-đan-gô, nhân dân Mê-hi-cô đứng lên khởi nghĩa và tuyên bố độc lập.
- Năm 1824, nền Cộng hòa được thiết lập.
- Từ 1835-1867, Mỹ, Anh và Pháp xâm lược Mê-hi-cô. Sau hai lần chiến tranh năm 1841 và 1846, Mỹ chiếm 1/2 lãnh thổ phía bắc Mê-hi-cô.
- Ngày 20/11/1910, cuộc cách mạng dân chủ tư sản đầu tiên giành thắng lợi tại Mê-hi-cô.
- Ngày 29/3/1929, Đảng Cách mạng Thể chế (PRI) được thành lập và liên tục cầm quyền trong suốt 71 năm cho đến cuộc bầu cử tháng 7/2000 khi Đảng Hành động Quốc gia (PAN) cánh hữu thắng cử và lên cầm quyền đến tháng 7/2012.
- Tháng 7/2012, Ứng cử viên Ên-ri-kê Pê-nha Ni-ê-tô của Liên danh PRI và Đảng Xanh Sinh thái (PVEM) đã giành chiến thắng với 19,2 triệu phiếu bầu, trở thành Tổng thống Mê-hi-cô nhiệm kỳ 2012-2018.
III. Chính trị:
Theo Hiến pháp năm 1917 (sửa đổi), Mê-hi-cô theo thể chế Cộng hoà Liên bang đại nghị, có 31 bang và một quận liên bang (Thủ đô). Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, nhiệm kỳ 6 năm. Quốc hội bao gồm 2 viện: Thượng viện có 128 nghị sĩ và Hạ viện có 500 nghị sĩ.
Các đảng phái chính trị chính: Đảng Cách mạng Thể chế (PRI), Đảng Hành động Quốc gia (PAN), Đảng Cách mạng Dân chủ (PRD), Đảng Xanh Sinh thái (PVEM), Đảng Lao động (PT).
IV. Kinh tế:
Mê-hi-cô là nền kinh tế lớn thứ 2 ở khu vực (sau Brasil) và thứ 14 thế giới; đứng đầu thế giới về khai thác bạc, thứ chín về khai thác vàng, thứ mười về xuất khẩu dầu lửa và khí đốt. Năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và dịch cúm A H1N1, GDP tăng trưởng âm 6,2% và trở lại đạt trung bình từ 3,8-5% giai đoạn 2010-2012, tuy nhiên giảm xuống còn 1,3% năm 2013. Mức tăng trưởng GDP năm 2014 đạt 2% và năm 2015 là 2,5%, đạt 1.144 tỷ USD.
Từ năm 2008, Mê-hi-cô bắt đầu cung cấp ODA cho nước ngoài, dành ưu tiên cho các nước khu vực Mỹ Latinh. Ngoại thương của Mê-hi-cô chủ yếu là với Mỹ và Canada (chiếm 85% giá trị ngoại thương); chú trọng quan hệ với EU, các nước láng giềng ở Trung Mỹ và Mỹ Latinh, gần đây thực hiện chính sách tăng cường quan hệ với Châu Á- Thái Bình Dương nhất là với Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc.
Mê-hi-cô là thành viên OECD, G20, NAFTA, APEC, TPP.
V. Chính sách đối ngoại:
Mê-hi-cô tiếp tục triển khai thực hiện chính sách đối ngoại khá năng động, linh hoạt, tranh thủ được mọi đối tượng. Với Mỹ, Mê-hi-cô tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác đồng minh chiến lược toàn diện, mặc dù giữa hai nước vẫn luôn tồn tại một số vấn đề nhạy cảm liên quan đến việc Mỹ tăng cường thắt chặt kiểm soát tình trạng người Mê-hi-cô nhập cư bất hợp pháp và chống buôn lậu ma túy xuyên quốc gia. Mê-hi-cô thúc đẩy quan hệ với các nước Mỹ Latinh, chủ trương bình thường hoá quan hệ với Cu-ba và Vê-nê-xu-ê-la; đẩy mạnh quan hệ nhiều mặt với Tây Âu; thực hiện chính sách hướng tới Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á.
VI. Quan hệ với Việt Nam:
Việt Nam và Mê-hi-cô thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/5/1975. Năm 1975, ta mở Đại sứ quán tại Mê-hi-cô. Năm 1976, bạn mở Đại sứ quán tại Hà Nội, nhưng đến 1980 bạn rút Đại sứ quán với lý do khó khăn kinh tế. Tháng 7/2000, Mê-hi-cô mở lại Đại sứ quán tại Hà Nội. Hai bên cũng đã trao đổi nhiều chuyến thăm các cấp: phía Việt Nam có Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1979), Thủ tướng Phan Văn Khải (2002, dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ (1985), Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1975 và 1988), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (12/2011) và nhiều đoàn cấp Thứ trưởng của các Bộ/ngành; phía Mê-hi-cô có Đặc phái viên của Tổng thống Vi-xên-tê Phốc (8/2001), Đặc phái viên của Tổng thống Phê-li-pê Can-đê-rôn (11/2006), Chủ tịch Ủy ban Cải cách Nông nghiệp Hạ viện Ra-môn Xê-ha (2/2009), Chủ tịch Thượng viện Hô-xê Gôn-xa-lết (1/2012), Chủ tịch Ủy ban Châu Á- Thái Bình Dương của Thượng viện Tê-ô-phi-lô Tô-rết (8/2014), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mê-hi-cô Ga-bri-ê-la Cu-ê-vát (3/2015).
Về quan hệ kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật: Từ năm 2004 đến nay, kim ngạch trao đổi thương mại hai nước tăng 10 lần, từ 220 triệu USD năm 2005 lên hơn 2 tỷ USD năm 2016 (ta xuất siêu khoảng 1,6 tỷ USD). Mê-hi-cô nhập chủ yếu của Việt Nam hàng may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, đồ hải sản, máy in, dụng cụ thể thao, đồ gỗ và xuất sang Việt Nam bông, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm gỗ, dược phẩm, hóa chất, linh kiện điện tử... Trong những năm vừa qua, ta cử bác sĩ, chuyên gia châm cứu sang công tác ở Mê-hi-cô, được bạn đánh giá cao.
Về các văn kiện hợp tác: Hai nước đã ký các Hiệp định/Thoả thuận hợp tác về nông nghiệp, y tế, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ, miễn thị thực đối với người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao; hiện đang đàm phán Hiệp định hợp tác và hỗ trợ giữa các cơ quan hải quan, Bản ghi nhớ về hợp tác về thú y và Kiểm dịch động thực vật; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần...
Về hợp tác đa phương: Hai bên duy trì hợp tác tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế. Mê-hi-cô ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, làm Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ (2008-2009), HĐNQ (2014-2016), ECOSOC (2016-2018). Việt Nam ủng hộ Mê-hi-cô làm Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ (2009-2010), ứng cử viên của bạn vào chức Tổng Giám đốc WTO (2013), Thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển (2014-2022)./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |