Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Tuesday, ngày 17 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

TƯ LIỆU CƠ BẢN CỘNG HOÀ BÔ-LI-VA VÊ-NÊ-XU-Ê-LA VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM


I. Khái quát:

- Tên nước: Cộng hoà Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la (República Bolivariana de Venezuela).

- Thủ đô: Caracas; các thành phố lớn khác: Ma-ra-cai-bô, Va-lênh-xi-a, Ba-ki-xi-mết-tô. 

- Vị trí địa lý: Bắc giáp biển Caribe, Đông Bắc giáp Đại Tây Dương, Đông giáp Gu-ya-na, Nam giáp Bra-xin và Tây giáp Cô-lôm-bi-a.

- Diện tích: 912.050 km2.

- Dân số: 31,304,016 triệu (7/2017).

- Quốc khánh: 5/7/1811 (Ngày Độc lập).

- Tôn giáo: Cơ đốc giáo, Tin Lành.

- Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha.

- Tiền tệ: Đồng Bolivar; tỷ giá chính thức: 60 Bolivar = 1 USD.

- Tổng thống: Ni-cô-lát Ma-đu-rô Mô-rốt (Nicolas Maduro Moros, từ 19/4/2013)

- Ngoại trưởng: Khô-khề A-rê-a-xa (Jorge Arreaza, từ 8/2017).

II. Lịch sử:

-   Năm 1528: Vê-nê-xu-ê-la bị Tây Ban Nha đô hộ.

-   Ngày 5/7/1811: Vê-nê-xu-ê-la tuyên bố độc lập, thành lập thể chế Cộng hòa.

-   Năm 1821: Xi-mông Bô-li-va thành lập Đại công quốc Cô-lôm-bi-a bao gồm Vê-nê-xu-ê-la, Cô-lôm-bi-a, Ê-qua-đo và Pa-na-ma.

-   Năm 1830: Vê-nê-xu-ê-la tách khỏi nước Đại Cô-lôm-bi-a.

-   Từ 1830-1945: các chế độ độc tài quân sự thay nhau cầm quyền, nhiều cuộc nội chiến xảy ra.

-   Năm 1945: chế độ độc tài bị lật đổ, Hiến pháp mới được thông qua, quy định chế độ bầu cử Tổng thống.

-   Từ 1945-1998: Tổng thống của các Đảng Hành động Dân chủ (AD), Xã hội Thiên chúa giáo (COPEI) và Liên minh Dân chủ (URD) thay nhau cầm quyền.

-       Năm 1998: ông Hugo Cha-vét, ứng cử viên Liên minh Yêu nước, trúng cử Tổng thống và tái đắc cử tháng 7/2000 sau khi Hiến pháp được sửa đổi. Tháng 4/2002, lực lượng đối lập tiến hành đảo chính chống Tổng thống Cha-vét nhưng các lực lượng trung thành đã đưa ông quay lại cầm quyền sau hai ngày bị giam giữ.

-       Ngày 15/8/2004: Tổng thống Cha-vét giành thắng lợi (59% số phiếu) trong cuộc trưng cầu dân ý bất tín nhiệm do phe đối lập yêu cầu tổ chức.

-       Ngày 15/2/2009: Vê-nê-xu-ê-la tổ chức trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp, cho phép Tổng thống và các chức vụ dân cử được tái cử không hạn định.

-       Ngày 03/12/2006: với 61,35% số phiếu bầu Tổng thống Cha-vét tái đắc cử nhiệm kỳ 2007-2013.

-       Ngày 05/3/2013: Tổng thống Cha-vét từ trần vì bệnh ung thư.

-       Ngày 14/4/2013: Vê-nê-xu-ê-la tổ chức bầu cử Tổng thống và ứng cử viên Ni-cô-lát Ma-đu-rô, Đảng XHCN Thống nhất Vê-nê-xu-ê-la (PSUV) đã thắng cử với 50,66% số phiếu bầu, hơn ứng cử viên đối lập Ên-rít-kê Ca-bờ-ri-lết 1,59%.

-       Ngày 19/4/2013: Tổng thống N. Ma-đu-rô chính thức nhậm chức, nhiệm kỳ 2013-2019.

-       Ngày 6/12/2015: tại cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021, Liên minh Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập được 109 ghế, tương đương 65,2%, chiếm đa số và liên minh cầm quyền được 55 ghế, chiếm 32,9%.

III. Chính trị:

Vê-nê-xu-ê-la theo thể chế Cộng hoà. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, nhiệm kỳ 6 năm, có thể tái cử không hạn định. Quốc hội nhất viện gồm 167 ghế, nhiệm kỳ 5 năm, trong đó 3 ghế dành cho người dân tộc bản địa, số còn lại do bầu cử. Tòa án tối cao gồm 32 thẩm phán do Quốc hội bổ nhiệm, nhiệm kỳ 12 năm.

Các đảng phái chính trị chủ yếu: Đảng XHCN Thống nhất Vê-nê-xu-ê-la (PSUV), Đảng Hành động Dân chủ (AD, thành lập 1936), Đảng Xã hội Thiên chúa giáo (COPEI, 1946), Đảng Tổ quốc cho tất cả (PPT), Đảng Chúng ta có thể (PODEMOS).

IV. Kinh tế:

Mặc dù nền sản lượng dầu mỏ giảm liên tục từ năm 2017, Vê-nê-xu-ê-la vẫn là nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào doanh thu từ dầu mỏ (chiếm 95% kim ngạch xuất khẩu, khoảng 30% GDP và 55% nguồn thu ngân sách Chính phủ) ; đứng đầu thế giới về trữ lượng dầu thô (296 tỷ thùng), đứng thứ 10 thế giới về sản xuất và xuất khẩu dầu lửa (khai thác khoảng 2 triệu thùng/ngày). 

Tăng trưởng kinh tế trung bình từ 1998-2013 là 2,8%. GDP tăng trưởng âm trong các năm 2015: -6,2%; 2016: -16,5%, 2017: -14% ); tỷ lệ lạm phát 2016: 254,4% và 2017 lên tới 1087,5%. Thị trường ngoại thương chính là Mỹ (34,8% tổng xuất khẩu; 24,8%  tổng nhập khẩu), Trung Quốc (16% tổng xuất khẩu và 14% tổng nhập khẩu). 

Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: dầu lửa, nhôm, thép, hoá chất, quặng sắt, thuốc lá, đồ nhựa, cá, sản phẩm giấy… Các mặt hàng nhập khẩu chính: máy móc và thiết bị vận tải, hàng tiêu dùng, lương thực, vật liệu xây dựng…

 

V. Chính sách Đối ngoại:

Vê-nê-xu-ê-la thực hiện đường lối đối ngoại đề cao độc lập và chủ quyền dân tộc, chống cường quyền; đề cao tinh thần đoàn kết, hợp tác và liên kết Mỹ Latinh – Caribe, thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng Nam Mỹ (Bra-xin, Ác-hen-ti-na, U-ru-goay, Bô-li-vi-a) và các nước đồng minh chiến lược (Cu-ba, Trung Quốc, Nga, Bê-la-rút, I-ran).

Vê-nê-xu-ê-la là thành viên Liên hợp quốc, Phong trào Không Liên kết, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Hiệp hội Liên kết Kinh tế Mỹ Latinh (ALADI), Nhóm Rio, Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC), quan sát viên của Cộng đồng các nước Caribe (CARICOM). Năm 2004, Vê-nê-xu-ê-la cùng Cu-ba khởi xướng và thúc đẩy thành lập tổ chức “Lựa chọn Bolivar cho Châu Mỹ” (ALBA, gồm 8 nước thành viên chính thức, 3 quan sát viên và 2 khách mời đặc biệt), nay đổi thành “Liên minh Bolivar cho Châu Mỹ” nhằm tạo đối trọng với sáng kiến thành lập Khu vực Thương mại Tự do toàn châu Mỹ (FTAA) do Mỹ khởi xướng. Tháng 3/2006, Vê-nê-xu-ê-la rút khỏi Cộng đồng các quốc gia vùng Andes - CAN để phản đối một số thành viên đàm phán FTA với Mỹ. Tháng 7/2006, Vê-nê-xu-ê-la tham gia Khối Thị trường chung Nam Mỹ - MERCOSUR với tư cách thành viên liên kết; trở thành thành viên chính thức vào ngày 31/7/2012.

VI. Quan hệ với Việt Nam:

Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/12/1989. Việt Nam (9/2005) và Vê-nê-xu-ê-la (1/2006) lần lượt mở các ĐSQ tại hai thủ đô. Trong thời kỳ kháng chiến cứu nước của ta, phong trào đoàn kết và ủng hộ Việt Nam phát triển mạnh, rộng khắp ở Vê-nê-xu-ê-la, nổi bật là sự kiện du kích Caracas bắt sống trung tá tình báo Mỹ Xmo-len để đòi Mỹ-Ngụy đánh đổi và trả tự do Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

 

Hai nước trao đổi nhiều Đoàn các cấp, nổi bật có: nguyên các TBT Nông Đức Mạnh (5/2007), CTN Nguyễn Minh Triết (11/2008); CTQH Nguyễn Văn An (3/2006), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (4/2012; 6/2010 và 11/2008) thăm Vê-nê-xu-ê-la; cố Tổng thống H.Cha-vét (8/2006), Tổng thống N. Ma-đu-rô (8/2015); CTQH Fernando Soto (11/2011), Phó Tổng thống Elias Jaua (3/2015) thăm Việt Nam; đồng thời duy trì đều đặn các cơ chế trao đổi như họp Ủy ban Liên Chính phủ và Tham khảo Chính trị giữa hai Bộ ngoại giao./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer