I. KHÁI QUÁT :
- Tên nước: Cộng hoà Ê-qua-đo (República del Ecuador).
- Thủ đô: Qui-tô (Quito, 1,8 triệu dân); Thành phố lớn khác: Goa-gia-kin (Guayaquil, 2,5 triệu dân).
- Diện tích: 283.520 km2.
- Khí hậu: xích đạo, nóng, độ ẩm cao, nhiệt độ trung bình trên 25 độ C.
- Dân số: 13,7 triệu người.
- Tôn giáo: Thiên chúa giáo (94,4%).
- Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha; thổ ngữ Quechua.
- Tiền tệ: Ê-qua-đo thực hiện chính sách đô-la hóa (trước dùng đồng Sucre).
- Quốc khánh: 10/8/1830. (Ngày độc lập: 24/5/1822).
- Tổng thống: Ra-pha-en Vi-xên-tê Cô-rê-a Đê-ga-đô (Rafael Vicente Correa Delgado) nhiệm kỳ 2007-2011.
- Ngoại trưởng: Ma-ri-a Phê-nan-đa Ê-xpi-nô-xa (Maria Fernanda Espinosa) Tốt nghiệp cử nhân ngôn ngữ ứng dụng tại Đại học Ki-tô, Ê-qua-đo và trường đại học Rutgers New Jersey. Trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao, là Giám đốc khu vực của Hiệp hội thế giới bảo vệ thiên nhiên Nam Mỹ.
II. LỊCH SỬ :
- Trước khi bị thực dân Tây Ban Nha xâm chiếm năm 1534, Ê-qua-đo thuộc vùng lãnh thổ của Đế chế Inca.
- Năm 1822, Ê-qua-đo thoát khỏi ách đô hộ của Tây Ban Nha và gia nhập nước Cộng hoà Đại Cô-lôm-bi-a, bao gồm 4 nước ngày nay: Ê-qua-đo, Cô-lôm-bi-a, Pa-na-ma và Vê-nê-xu-ê-la, dưới sự lãnh đạo của Simon Bolivar.
- Ngày 10/8/1830, Ê-qua-đo tách ra khỏi Cộng hoà Đại Cô-lôm-bi-a và tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Ê-qua-đo.
- Trong các thập niên 60 và 70 thế kỷ XX, giới quân sự nắm quyền.
- Từ năm 1979, chế độ dân sự được phục hồi.
- Năm 1988, ứng cử viên Đảng Cánh tả Dân chủ Borja (khuynh hướng xã hội dân chủ) thắng cử và nhậm chức Tổng thống, tiến hành cải cách theo trào lưu tự do mới, chống độc tài quân sự. Tuy nhiên, những biện pháp cải cách mang dấu ấn của chủ nghĩa tự do kinh tế mới đã làm suy giảm vai trò của Nhà nước, làm trầm trọng hơn khủng hoảng chính trị - xã hội ở Ê-qua-đo.
- Tháng 1-2/1995, tranh chấp lãnh thổ E-qua-đo/ Pê-ru bùng phát chiến tranh biên giới hai nước làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế-xã hội.
- Tháng 7/1998, Ông Ha-min Ma-u-át (Jamil Mahuad), ứng cử viên của Đảng Dân chủ Nhân dân thắng cử và nhậm chức Tổng thống, song uy tín suy giảm do những khó khăn về kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng, buộc phải nhường lại ghế Tổng thống cho Phó Tổng thống Nô-boa (Noboa) tháng 1/2000.
- Cựu đại tá quân đội Lu-xi-ô Gu-ti-ê-rết đắc cử Tổng thống và chính thức nhậm chức từ ngày 15/1/2003. Sau khi lên cầm quyền, Chính phủ Gu-ti-ê-rết không thực hiện các cam kết tranh cử, bị bãi nhiệm Tổng thống 4/2005.
- Ngày 26/11/2006, lãnh đạo Phong trào Liên minh Đất nước Ra-fa-en Vi-xên-tê Cô-rê-a Đên-ga-đô, theo đường lối dân tộc - thiên tả, thắng cử nhiệm kỳ 15/1/2007-15/1/2011. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Ra-fa-en Vi-xên-tê Cô-rê-a tiến hành các biện pháp cải cách bộ máy nhà nước, phế truất đa số đại biểu Quốc hội và tổ chức bầu cử Quốc hội mới, đẩy mạnh chống tham nhũng; đồng thời, triển khai hàng loạt các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, chống đói nghèo; phê phán chủ nghĩa tự do kinh tế mới cùng những thiết chế tài chính tư bản chủ nghĩa và đề cao tính chất ưu việt của CNXH; khẳng định E-qua-đo tiến hành "Cách mạng công dân", xây dựng "Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI".
III. CHÍNH TRỊ :
- Thể chế nhà nước: Ê-qua-đo theo chế độ Cộng hoà Tổng thống.
- Cơ quan hành pháp: Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 4 năm. Nội các gồm 14 Bộ trưởng và 1 Tổng thư ký nhà nước.
- Cơ quan lập pháp: Quốc hội một viện gồm 121 nghị sĩ do cả nước bầu nhiệm kỳ 4 năm và 66 nghị sĩ do các tỉnh bầu nhiệm kỳ 2 năm.
- Cơ quan tư pháp: Toà án tối cao quốc gia và 8 toà án cao cấp.
IV. KINH TẾ:
Dầu lửa là ngành mũi nhọn của kinh tế Ê-qua-đo, khai thác hơn 85 triệu thùng/năm, chiếm 40% xuất khẩu. Nông nghiệp có các sản phẩm chính là chuối, hoa tươi, ca-cao, tôm, mía đường, bông, gạo, ngô, cà-phê. Ê-qua-đo là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu chuối và là nước xuất khẩu tôm quan trọng. Công nghiệp chủ yếu hướng vào phục vụ thị trường trong nước. Dưới những chính quyền trước, Ê-qua-đo thực hiện chính sách tự do kinh tế mới, tư nhân hoá các cơ sở nhà nước và mở cửa thị trường thông qua việc đẩy mạnh khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu lửa và khí đốt. Tỉ lệ người sống dưới mức nghèo đói chiếm khoảng 25% dân số, hiện tượng di cư ồ ạt tới các nước phát triển rất phổ biến. Tổng thống Ra-fa-en Cô-rê-a phê phán mạnh mẽ hình mẫu tự do kinh tế mới và khẳng định chỉ có CNXH mới giải quyết được tình hình khủng hoảng kinh tế-xã hội của đất nước. Chính phủ Ê-qua-đo duy trì giá lương thực cơ bản phục vụ người nghèo, triển khai các chương trình xóa nạn mù chữ, y tế cộng đồng, tạo công ăn việc làm, phúc lợi xã hội và cải thiện tiền lương cho những người lao động.
Một số số liệu cơ bản:
- Năm 2006: GDP tăng trưởng 4,3%, đạt 40,45 tỷ USD; lạm phát: 2,87%; tỷ lệ thất nghiệp hoàn toàn 9,03%; GDP/người: 4.776 USD; nợ nước ngoài: 10,215 tỷ USD; dự trữ ngoại tệ: 2,023 tỷ USD.
- Xuất khẩu: 7,3 tỷ USD (2004), 7,9 tỉ (2005), chủ yếu gồm: dầu lửa, chuối, tôm, ca-cao, gỗ, cá, hoa, cà-phê...; nhập khẩu: 7,7 tỷ USD (2004), 8,7 tỉ (2005), chủ yếu gồm vật liệu công nghiệp, hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp. Bạn hàng chính: Mỹ Latinh (39%), Mỹ (23%), EU (14%) và Châu á (14%).
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:
Ê-qua-đo có tranh chấp biên giới với Pê-ru (3 lần xung đột vào các năm 1941, 1981 và 1995). Sau hơn hai năm đàm phán dưới sự bảo trợ của các nước đảm bảo Nghị định thư Rio de Janeiro 1942 (Mỹ, Bra-xin, Ác-hen-ti-na và Chi-lê), hai nước đã ký Hiệp định Hoà bình ngày 26/10/1998, phân định biên giới hai nước vùng A-ma-dôn và tăng cường hợp tác kinh tế vùng biên giới. Ngày 13/5/1999, Tổng thống hai nước ký Biên bản cuối cùng, chính thức hoàn thành việc cắm mốc đường biên giới.
Ê-qua-đo là thành viên LHQ, Tổ chức các nước Châu Mỹ, Hệ thống Kinh tế Mỹ Latinh, Nhóm Ri-ô, Tổ chức Năng lượng Mỹ Latinh, Tổ chức hội nhập Mỹ Latinh, Hiệp ước An-đi-nô, Phong trào Không liên kết, FEALAC.
Chính phủ của Tổng thống Cô-rê-a đề cao độc lập, tự chủ;chủ trương tăng cường liên kết, đoàn kết Mỹ La tinh, tăng cường quan hệ với Vê-nê-xu-ê-la, các nước theo xu hướng dân tộc, thiên tả khu vực đồng thời mở rộng, đa dạng hóa quan hệ với các nước ngoài khu vực Mỹ Latinh. Ê-qua-đo ngừng đàm phán Hiệp định tự do thương mại với Mỹ, quốc hữu hóa công ty dầu lửa Oxy của Mỹ và tăng cường quản lý nhà nước với ngành khai thác dầu khí, tài nguyên thiên nhiên quốc gia cũng như không chấp nhận thi hành các khuôn mẫu của IMF, WB áp đặt.
VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
Việt Nam và Ê-qua-đo thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ ngày 1/01/1980. Hiện nay, Đại sứ Việt Nam tại Chile kiêm nhiệm Ê-qua-đo và Đại sứ Ê-qua-đo tại Ma-lai-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam. Tháng 5/1998, Việt Nam ủng hộ Ê-qua-đo gia nhập tổ chức PECC. Thỏng 5/2007, UVTƯ Đảng Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Petrovietnam, thăm Ê-qua-đo; tháng 8/2007, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng thăm Ê-qua-đo, ký với Bộ trưởng Ngoại giao bạn Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu Ngoại giao và Công vụ hai nước.
Tháng 9/2007