Thông tin cơ bản về Cộng hòa Pê-ru và quan hệ với Việt Nam

I. KHÁI QUÁT CHUNG:

-       Tên chính thức: Cộng hoà Pê-ru (República del Peru).

 

-       Thủ đô : Li-ma, thành lập ngày 15/1/1535.

 

-       Vị trí địa lí: ở Nam Mỹ, phía Bắc giáp Ê-qua-đo và Cô-lôm-bi-a, phía Nam giáp Chi-lê, phía Đông giáp Bra-xin và Bô-li-vi-a, phía Tây giáp Thái Bình Dương.

 

-       Diện tích: 1.285.216 km2 (đứng thứ 6 ở Châu Mỹ và thứ 20 trên thế giới).

 

-       Dân số: 29,907,003 triệu; mật độ dân số: 21,9 người/km2; 45% dân số là thổ dân da đỏ; 37% người lai; 15% người da trắng và 3% là người Nhật, Trung Quốc và nguồn gốc khác.

 

-       Tôn giáo: Thiên Chúa giáo (81,3%) và Tin lành (12,5%).

 

-       Ngôn ngữ: tiếng Tây Ban Nha và thổ ngữ Kê-chua.

 

-       Tiền tệ: Đồng Xôn mới (Nuevo Sol);  4 xôn mới = 1 USD.

 

-       Quốc khánh: 28/7/1821 (ngày Độc lập).

 

-       Tổng thống: A-lan Ga-xi-a Pê-rết (Alan Garcia Perez, nhậm chức 28/7/2006).

 

-       Ngoại trưởng: Hô-xê An-tô-ni-ô Ga-xi-a Bê-la-un-đê (Jose Antonio Garcia Belaunde, từ 8/2006).

 

II. LỊCH SỬ:

-       Trước 1522 thổ dân da đỏ sống tại đây với nền văn minh In-ca nổi tiếng.

 

-       1522: Tây Ban Nha xâm chiếm.

 

-       1542: Tây Ban Nha thiết lập chế độ thực dân.

 

-       28/7/1821: Pê-ru tuyên bố độc lập.

-       1824:  Pê-ru giành được độc lập hoàn toàn bằng đấu tranh vũ trang. Các chế độ độc tài quân sự thay nhau cầm quyền.

 

-       3/10/1968: Tướng Hoan Vê-la-xcô An-va-ra-đô (Juan Velasco Alvarado) lên cầm quyền, thực hiện chính sách dân tộc chủ nghĩa, tiến bộ.

 

-       29/8/1975: Đảo chính. Tướng Phrăn-xi-xcô Mô-ran-lết Bê-mu-đết (Francisco Morales Bermudez) lên làm Tổng thống.

 

-       18/5/1980: ứng cử viên của đảng Bảo thủ Bê-la-un-đê Tê-ry (Belaunde Terry) trúng cử Tổng thống.

 

-       1985-1990: ứng cử viên đảng Liên minh cách mạng nhân dân châu Mỹ (APRA) A-lan Ga-xi-a trúng cử Tổng thống, trở thành Tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Pê-ru, nhưng cũng là một nhiệm kỳ đầy tai tiếng bởi tình trạng tham nhũng tràn lan, kinh tế khủng hoảng. Tổng thống Ga-xi-a phải sống lưu vong tại Cô-lôm-bi-a và Pháp từ năm 1992 và trở về Pê-ru năm 2001.

 

-       6/1990: ứng cử viên của đảng Thay đổi 90 An-be-tô Phu-hi-mô-ri (Alberto Fujimori) trúng cử Tổng thống với 56,5% số phiếu bầu. Tổng thống Phu-hi-mô-ri thực hiện chính sách “tự do mới" về thương mại, đầu tư, ngoại hối, thay đổi chính sách quản lí đất đai, thuế và kiểm soát chặt chẽ chi tiêu ngân sách, xoá bỏ bao cấp. Tổng thống Phu-hi-mô-ri tái đắc cử lần thứ nhất vào tháng 5/1995, nhưng đến lần thứ hai vào tháng 5/2000, trước việc bị dư luận phản đối có gian lận trong bầu cử, đã tuyên bố từ chức và xin cư trú ở Nhật Bản (11/2000).

 

-       6/2001: ứng cử viên Đảng Pê-ru Có thể (Peru Posible) A-lê-han-đrô Tô-lê-đô (Alejandro Toledo) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2.

 

-       6/2006: ứng cử viên Liên minh cách mạng châu Mỹ (APRA) A-lan Ga-xi-a giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 nhiệm kỳ 2006-2011, lần thứ 2 trở thành Tổng thống Pê-ru.

 

III. CHÍNH TRỊ:

Thể chế nhà nước: Cộng hòa.

 

Hệ thống hành pháp: Tổng thống là nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, được bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Thủ tướng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

 

Hệ thống lập pháp: Quốc hội có 120 ghế, được bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. 

 

Hệ thống tư pháp: gồm có Toà án tối cao và các toà án cấp địa phương.

 

Các Đảng phái chính trị chính: Liên minh cách mạng châu Mỹ (APRA), Đảng Pê-ru Có thể (PP), Đảng Đoàn kết quốc gia (UN), Đảng Hành động quốc gia (AP), Đảng Chúng ta là Pê-ru (SP)...

 

IV. KINH TẾ:

Giầu tài nguyên thiên nhiên như kẽm, đồng, bạc, dầu lửa. Đứng đầu thế giới về đánh cá và chế biến bột cá, dầu cá; đứng thứ 2 về sản xuất bạc và thứ 8 về sản xuất kẽm. Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp khoáng sản, dầu lửa, thủy sản và nông nghiệp. Xuất khẩu khoáng sản chiếm gần một nửa giá trị xuất khẩu hàng năm. Nông phẩm chính gồm bông, cà phê, ca cao, mía, ngô, thuốc lá. Chăn nuôi chủ yếu là gia súc lấy thịt và sức kéo. Du lịch phát triển năng động, đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế và thu hơn 1,2 tỷ USD mỗi năm. Pê-ru đẩy mạnh cải cách kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng liên tục thuộc hàng cao nhất Mỹ Latinh: 6,5% (2006), 8,9% (2007), 9,8% (2008) riêng năm 2009 giảm mạnh (0,9%); GDP đạt 109,1 tỉ USD (2007), 127,5 tỉ (2008), 128 tỉ (2009); dự trữ ngoại tệ đạt gần 30 tỉ USD (2007), 31,8 tỉ USD (2008), 33,23 tỉ USD (2009); lạm phát luôn giữ mức thấp ở Nam Mỹ: 1,8% (2007), 5,8% (2008), 2,9% (2009); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 47,6 tỉ USD (2007), 69,1 tỉ USD (2008), trong đó các bạn hàng chính là các nước trong khối NAFTA, Mỹ, Trung Quốc, Chi-lê, EU và Nhật Bản. Pê-ru đã ký Hiệp định thương mại tự do với Mỹ (Thượng viện Mỹ thông qua 12/2007), Cộng đồng An-đết, các nước thuộc khối MERCOSUR, Thái Lan; đang thương lượng với EU, Trung Quốc, Singapore, Mê-hi-cô và tuyên bố ý định đàm phán với Nhật Bản và Hàn Quốc; đang xin gia nhập Nhóm G20 và Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

V. ĐỐI NGOẠI:

          Trước những năm 1990, Pê-ru có quan hệ chặt chẽ với Mỹ và các chính quyền quân sự ở Bra-xin, Ac-hen-ti-na, Chi-lê, U-ru-guay và Pa-ra-guay.

 

Sau khi lên cầm quyền từ 1990, Chính phủ Phu-hi-mô-ri triển khai mạnh mẽ các hoạt động đối ngoại nhằm khôi phục hình ảnh của Pê-ru trên thế giới, tạo điều kiện tranh thủ đầu tư nước ngoài và tăng cường trao đổi thương mại quốc tế.

 

Trong giai đoạn 1995-2000, Pê-ru tăng cường quan hệ với khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt với các nước MERCOSUR; hướng về tam giác Bắc Thái Bình Dương gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, đồng thời mở rộng quan hệ với các nước ASEAN, tăng cường quan hệ với Châu Âu, chú trọng Đông Âu cũ.

 

Sau khi nhậm chức (7/2006), Tổng thống A. Ga-xi-a Pê-rết tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ với nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và chủ trương đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế.

 

Pê-ru là thành viên LHQ, Tổ chức các nước Châu Mỹ (OEA), Hiệp hội liên kết Mỹ Latinh (ALADI), Phong trào KLK và nhóm G-15; thành viên sáng lập Hiệp ước An-đi-nô (1969) - nay là Cộng đồng An-đi-nô (CAN) gồm 4 nước Pê-ru, Cô-lôm-bi-a, Ê-cu-a-đo và Bô-li-vi-a (Vê-nê-xu-ê-la đã rút khỏi khối tháng 4/2006), APEC (1998), Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC) và Liên minh các Quốc gia Nam Mỹ (UNASUR, 5/2008).

 

VI. Quan hệ với Việt Nam:

Pê-ru là một trong những nước Mỹ Latinh có phong trào quần chúng ủng hộ mạnh mẽ nhân dân ta chống Mỹ cứu nước. Nhân dân và Chính phủ tiến bộ của Tổng thống Vê-lát-xcô ở Pê-ru đã nhiều lần bày tỏ thiện cảm và ủng hộ cuộc đấu tranh của đấu tranh của nhân dân ta bằng nhiều hình thức. Tháng 1/1973, Tổng thống Vê-lat-cô gửi thư chúc mừng thắng lợi của Việt Nam đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhân ký Hiệp định Hòa bình Pa-ri. Trên các diễn đàn quốc tế, Pê-ru đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam. Tháng 2/1974, Pê-ru (cùng với Cu-ba) là 2 nước Mỹ Latinh duy nhất đã bỏ phiếu thuận ủng hộ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được tham dự hội nghị "Tái xác định và phát triển Luật nhân đạo quốc tế áp dụng trong các cuộc xung đột vũ trang". Pê-ru đã cử đoàn vào dự hội nghị Công đoàn, Phụ nữ Việt Nam.

 

Việt Nam và Pê-ru thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14/11/1994. ĐSQ ta tại Chi-lê kiêm nhiệm Pê-ru và ĐSQ Pê-ru tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam. Tháng 4/2006, Pê-ru có kế hoạch mở Đại sứ quán và cử Đại sứ Thường trú tại Hà Nội nhưng chưa triển khai do khó khăn tài chính. Hai bên đã cử Lãnh sự dạm dự tại thủ đô của mỗi nước. Về trao đổi đoàn, phía Pê-ru có Tổng thống An-béc-tô Phu-hi-mô-ri (7/1998), Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xca Mau-rơ-tu-a (2/2006) thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Lu-ít Gi-am Pi-ê-tơ-ri dự HNCC APEC 14 tại Hà Nội (11/2006) và Chủ tịch Đảng Cộng Sản Pê-ru-Tổ quốc đỏ (PCdelP) Alberto Moreno Rojad thăm và làm việc tại Việt Nam (19-27/7/2010); về phía ta có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (9/1999), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (5/1998), Đặc phái viên của Thủ tướng-Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng (3/2007) thăm Pê-ru. Quý III/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống A. Gác-xi-a đã trao đổi thư, khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là về kinh tế-thương mại và năng lượng. Ngày 5/12/2007, Tổng thống Pê-ru A. Gác-xi-a tuyên bố công nhận Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Tháng 11/2008, nhân dịp dự HNCC APEC 16 tại Pê-ru, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ Tổng thống A. Gác-xi-a. Pê-ru đánh giá cao những thành tựu của công cuộc Đổi mới mong muốn học tập kinh nghiệm của Việt Nam trong các lĩnh vực chính sách xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giáo dục, đào tạo và vận dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế.

 

Trao đổi thương mại song phương tuy còn ở mức thấp và phần nhiều là qua trung gian nhưng có xu hướng gia tăng: 2005: 45 triệu USD, 2006: 55,3 triệu USD, 2007: 59,3 triệu USD, 2008: 107 triệu USD và 2009: 116 triệu USD. Việt Nam chủ yếu xuất sang Pê-ru quần áo, giầy dép, cao su, đồ nhựa... và nhập của Pê-ru bột cá, mỡ, dầu cá, sợi acrylic. Pê-ru là một thị trường tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận thị trường của ta bởi 75% các công ty xuất - nhập khẩu của Pê-ru là vừa và nhỏ, hàng hóa sản phẩm dễ thâm nhập, cạnh tranh và có thể đi vào thị trường các nước láng giềng như Ê-qua-đo, Cô-lôm-bi-a, Bô-li-vi-a và phía Tây rộng lớn của Bra-xin.

                            

Tháng 12/2010

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn