Thông tin cơ bản về Liên bang Mê-hi-cô và quan hệ với Việt Nam
BỘ NGOẠI GIAO
----------
TƯ LIỆU CƠ BẢN
LIÊN BANG MÊ-HI-CÔ VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM
----------------
I. KHÁI QUÁT :
- Tên nước: Liên bang Mê-hi-cô (Estados Unidos Mexicanos).
- Thủ đô: Thành phố Mê-hi-cô; các thành phố lớn khác: Goa-đa-la-ha-ra (Guardalajara), Môn-tê-rây (Monterrey), Pu-ê-bla (Puebla), Xiu-đát Hoa-rết (Ciudad Juarez), Ti-hoa-na (Tijuana), A-ca-pun-cô (Acapulco), Mê-ri-đa (Merida), Lê-ôn (Leon).
- Vị trí địa lý: nằm ở Bắc Mỹ; Bắc giáp Mỹ, Đông giáp vịnh Mê-hi-cô, Đông Nam giáp biển Ca-ri-bê, Nam giáp Bê-li-xê và Goa-tê-ma-la, Tây giáp TBD.
- Diện tích: rộng 1.972.550 km2 (thứ 3 Mỹ Latinh, sau Bra-xin và Ác-hen-ti-na).
- Dân số: 115 triệu người (2011).
- Khí hậu: Đa dạng, từ nhiệt đới tới sa mạc.
- Tôn giáo: Cơ đốc giáo (77%), Tin lành (6,5%).
- Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha.
- GDP: 1,185 tỷ USD, đứng thứ 11 trên thế giới (2011)
- GDP đầu người: 13.300 USD/năm (2011)
- Tiền tệ: Đồng Pê-xô. Tỷ giá: 11 Pê-xô = 1 USD (2011)
- Quốc khánh: 16/9/1810.
- Tổng thống: Phê-li-pê Can-đê-rôn I-nô-hô-xa (Felipe Calderón Hinojosa, nhiệm kỳ từ 01/12/2006 đến 01/12/2012).
- Ngoại trưởng: Pa-tri-xi-a E-xpi-nô-xa Can-tê-gia-nô (Patricia Espinosa Cantellano).
II. LỊCH SỬ :
- Mê-hi-cô có lịch sử và nền văn minh lâu đời, chủ yếu thuộc hai nền văn minh chính là A-xtê-ca (Azteca) và Ma-i-a (Maya) từ hơn 3000 năm trước công nguyên.
- Từ năm 1519, Mê-hi-cô bị Tây Ban Nha đô hộ.
- Ngày 16/9/1810, dưới sự lãnh đạo của Mi-ghen I-đan-gô, nhân dân Mê-hi-cô đứng lên khởi nghĩa và tuyên bố độc lập.
- Năm 1824, nền Cộng hòa được thiết lập.
- Từ 1835-1867, nhân dân Mê-hi-cô đã anh dũng chống lại sự xâm lược của Mỹ, Anh và Pháp (sau hai lần 1841 và 1846, Mỹ chiếm 1/2 lãnh thổ phía Bắc Mê-hi-cô). Thời kỳ này xuất hiện Bê-ni-tô Hoa-rết (Benito Juarez), người anh hùng dân tộc nổi tiếng của nhân dân Mê-hi-cô.
- Ngày 20/11/1910, cuộc cách mạng dân chủ tư sản đầu tiên ở Mỹ Latinh nổ ra và giành thắng lợi tại Mê-hi-cô.
- Ngày 29/3/1929, (PRI) được thành lập và liên tục cầm quyền trong suốt 71 năm cho đến cuộc bầu cử tháng 7/2000, Đảng Hành động Quốc gia (PAN) cánh hữu thắng cử và lên cầm quyền.
- Trong cuộc bầu cử Tổng thống 7/2006, ứng cử viên Phê-li-pê Can-đê-rôn của Đảng PAN cầm quyền đã thắng sát nút ứng cử viên Đảng PRD An-đết Lô-pết Ô-bra-đô (chỉ hơn 0,57% số phiếu) và ngày 01/12/2006, đã chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống 2006-2012.
III. CHÍNH TRỊ :
Theo Hiến pháp năm 1917 (sửa đổi), Mê-hi-cô theo thể chế Cộng hoà Liên bang đại nghị, có 31 bang và một quận liên bang (Thủ đô).
Cơ quan hành pháp: Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ.
Cơ quan lập pháp: Quốc hội lưỡng viện; Thượng viện có 128 nghị sĩ; Hạ viện có 500 nghị sĩ.
Cơ quan tư pháp: Toà án tối cao, các thẩm phán do Tổng thống chỉ định và Thượng viện thông qua.
Các đảng phái chính trị chính: Đảng Cách mạng Thể chế (PRI), đảng lớn nhất; Đảng Hành động Quốc gia (PAN), đảng cầm quyền; Đảng Cách mạng Dân chủ (PRD); Đảng Xanh và Đảng Xã hội Nhân dân (PPS); Đảng Lao động (PT)...
IV. KINH TẾ :
Mê-hi-cô giàu tài nguyên thiên nhiên: đứng đầu thế giới về khai thác bạc, thứ 5 thế giới về khai thác và thứ 9 về xuất khẩu dầu lửa và khí đốt (chiếm khoảng 1/3 tổng thu nhập quốc dân). Mê-hi-cô là thành viên Khu vực Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA, 01/01/1994); kinh tế Mê-hi-cô đứng thứ 2 trong khu vực Mỹ Latinh (sau Bra-xin), những năm qua tăng trưởng tương đối ổn định (GDP năm 2005: 3%; 2006: 4,5%; 2007: 3% ; 2008: 2%). Năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và dịch cúm A (H1N1) bùng phát tại Mê-hi-cô vào đầu tháng 4/2009, kinh tế Mê-hi-cô tăng trưởng âm 6,8%. Tuy nhiên, cùng với đà phục hồi của kinh tế khu vực Mỹ Latinh, kinh tế Mê-hi-cô năm 2010 tăng trưởng trở lại, đạt 5%.
Ngoại thương của Mê-hi-cô chủ yếu với Mỹ, Ca-na-đa (chiếm gần 85% ngoại thương); chú trọng quan hệ với EU, các nước láng giềng ở Trung Mỹ và Mỹ Latinh; gần đây, thực hiện chính sách hướng sang Châu Á-Thái Bình Dương, nhất là với Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc... Năm 2011, kinh tế tăng trưởng 3,8%.
V. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI :
Mê-hi-cô thi hành chính sách đối ngoại hoà bình, trung lập, chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, thực hiện nguyên tắc không can thiệp và tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, chỉ công nhận quốc gia chứ không công nhận chính phủ vì cho rằng đó là công việc nội bộ. Mê-hi-cô duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ, coi trọng quan hệ với Mỹ Latinh, Nhật, Tây Âu, và gần đây tăng cường quan hệ với Châu Á - Thái Bình Dương. Mê-hi-cô là thành viên của LHQ, OEA, ALADI, NAFTA, APEC, OECD, FEALAC, là quan sát viên của Phong trào Không liên kết...
VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM :
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Chính phủ Mê-hi-cô giữ lập trường trung lập, nhưng thể hiện thiện cảm sâu sắc với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Phong trào nhân dân Mê-hi-cô đoàn kết, ủng hộ Việt Nam chống xâm lược phát triển mạnh và sâu rộng.
Về chính trị-ngoại giao: Việt Nam và Mê-hi-cô thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/5/1975. Năm 1975, ta mở ĐSQ tại Mê-hi-cô. Năm 1976, Mê-hi-cô mở ĐSQ tại Hà Nội, nhưng đến 1980, bạn rút ĐSQ với lý do khó khăn kinh tế. Tháng 7/2000, Mê-hi-cô mở lại ĐSQ tại Hà Nội. Hai bên trao đổi nhiều đoàn thăm viếng lẫn nhau. Về phía Việt Nam, có các đoàn: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1975 và 1988), Thủ tướng Phạm Văn Đồng (9/1979), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ (4/1985), Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Công Tạn (1993), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (1996), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (8/2002), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ (1998), Thủ tướng Phan Văn Khải (10/2002 dịp HNCC APEC 10), Thứ trưởng Ngoại giao Lê Bàng (3/2007), Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao-Du lịch Hoàng Tuấn Anh (5/2010)... Về phía Mê-hi-cô có: Thứ trưởng Ngoại giao (1976, 1999, 2008), đoàn Hạ nghị sĩ (5/2001), Đặc phái viên của Tổng thống Vi-xên-tê Phốc (8/2001), Đặc phái viên Tổng thống, Bộ trưởng Kinh tế (dịp dự HNCC APEC 2006 tại Hà Nội), Chủ tịch Ủy ban Cải cách Nông nghiệp Hạ viện Mê-hi-cô Ra-môn Xê-ha (2/2009). Ngoài ra, hai bên có các cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Phê-li-pê Can-đê-rôn I-nô-hô-xa bên lề HNCC APEC 16 tại Pê-ru (11/2008) và 18 tại Nhật Bản (11/2010), giữa PTTg, BTNG Phạm Gia Khiêm và BTNG Patricia Espinosa bên lề HNCC APEC 18 tại Nhật Bản (11/2010) và giữa Thứ trưởng thường trực Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Ngoại giao Mê-hi-cô bên lề HNCC LHQ kiểm điểm mục tiêu phát triển TNK tại New York (9/2010).
Về quan hệ kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật: Từ năm 2004-2008, quan hệ kinh tế giữa hai nước duy trì đà gia tăng nhanh (năm 2004: 187 triệu USD; năm 2005: 227 triệu USD; năm 2006: hơn 400 triệu USD; năm 2007: hơn 500 triệu USD; năm 2008: hơn 614 triệu USD). Mặc dù bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch hai chiều năm 2009 đạt 716 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu hơn 600 triệu USD. Năm 2010, trao đổi thương mại giữa hai nước tăng mạnh, đứng đầu khu vực Mỹ Latinh, đạt trên 900 triệu USD, trong đó ta xuất siêu khoảng 800 triệu USD. Trao đổi thương mại song phương 4 tháng đầu năm 2011 đạt gần 303 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất 286,81 triệu USD (tăng 20,8% so với cùng kỳ 2010) và nhập từ Mê-hi-cô 16,1 triệu USD (giảm 42% so với 2010). Mê-hi-cô nhập chủ yếu của Việt Nam hàng may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, đồ hải sản, máy in các loại, máy móc, dụng cụ thể thao, đồ gỗ và xuất sang ta bông, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm gỗ, dược phẩm, hóa chất, linh kiện điện tử... Gần đây, Mê-hi-cô bày tỏ quan tâm tới công nghệ chế biến dừa và các sản phẩm từ dừa của Việt Nam, mong muốn trao đổi và học tập kinh nghiệm của ta trên lĩnh vực này. Việt Nam cũng đã triển khai hợp tác với Mê-hi-cô trong các lĩnh vực nông nghiệp và y tế (cử bác sĩ, chuyên gia thành lập nhiều trung tâm chữa bệnh bằng châm cứu ở Mê-hi-cô).
Về các Hiệp định và Thoả thuận hợp tác song phương: Hai nước đã ký một số hiệp định và thoả thuận hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ, miễn thị thực đối với người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao. Năm 2010, hai bên đã ký được Thỏa thuận hợp tác khoa học-kỹ thuật nông lâm nghiệp và đang tiến hành trao đổi dự thảo Thỏa thuận thiết lập quan hệ hữu nghị giữa Thành phố Hạ Long và Thành phố A-ca-pun-cô và thỏa thuận hợp tác về thể dục thể thao. Hai bên đang xúc tiến thành lập UBLCP Việt Nam-Mexico.
Mê-hi-cô đã thiết lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam (gồm Nghị sỹ các đảng Lao động, Hành động quốc gia, Cách mạng dân chủ). Tháng 1/2009, Mê-hi-cô đã tổ chức khánh thành và đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên Việt Nam tại Thủ đô Mê-hi-cô; thành phố du lịch A-ca-pun-cô cũng quyết định đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một đại lộ lớn chạy dọc bờ biển vào tháng 5/2010 và đang hoàn tất các thủ tục hợp tác với thành phố Hạ Long. Quan hệ giữa Đảng Cộng sản ta và Đảng Lao động Mê-hi-cô (PT) phát triển rất tốt đẹp, Tổng Bí thư PT An-béc-tô A-nai-gia đã nhiều lần thăm Việt Nam và trong chuyến thăm gần đây nhất bạn đã tặng Khu di tích Phủ Chủ tịch bức tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc (6/2011).
Về hợp tác đa phương: Hai nước chia sẻ nhiều điểm đồng, tích cực phối hợp và hợp tác tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế. Mê-hi-cô ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, làm Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ khoá 2008-2009; Việt Nam ủng hộ Mê-hi-cô làm Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ khóa 2009-2010. Hiện nay, ta đề nghị Mê-hi-cô ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Hội đồng Nhân quyền/ LHQ nhiệm kỳ 2013-2016, ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018. Mê-hi-cô hiện đang vận động ta ủng hộ bạn tham gia Hiệp định TPP.
5/2012
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|