Thông tin cơ bản về Cộng hòa Đa dân tộc Bô-li-vi-a và quan hệ với Việt Nam
BỘ NGOẠI GIAO
----------
TƯ LIỆU CƠ BẢN
CỘNG HÒA ĐA DÂN TỘC BÔ-LI-VI-A
I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Cộng hòa Đa dân tộc Bô-li-vi-a (República Plurinacional de Bolivia).
- Thủ đô: La Pát (La Paz).
- Diện tích: 1.098.581 km2.
- Vị trí địa lý: nằm ở miền trung Nam Mỹ, là một trong hai nước ở Nam Mỹ không có biển; Bắc và Đông giáp Bra-xin, Đông Nam giáp Pa-ra-goay, Nam giáp Ac-hen-ti-na, Tây giáp Pê-ru và Tây Nam giáp Chi-lê. Đặc điểm địa hình: bao gồm vùng cao nguyên An-đết (có một số đỉnh núi cao nhất Châu Mỹ, trên 6.000 m), vùng thung lũng bình nguyên và vùng đồng bằng.
- Dân số: 10.290.003 triệu (2011).
-GDP: 24,4 tỉ USD, đứng thứ 95 trên thế giới (2011)
-GDP đầu người: 2.371 USD/năm (2011)
- Khí hậu: thay đổi rõ rệt theo độ cao: từ vùng đất cao nguyên khô lạnh ôn đới tới vùng đất thấp nhiệt đới nóng ẩm (dao động từ 10oC đến 25oC).
- Tôn giáo: 78% theo Thiên chúa giáo-Công giáo, 18% Tin lành và các tôn giáo khác chiếm 4%.
- Ngôn ngữ: Tây Ban Nha và các thổ ngữ Kê-chu-a, Ai-ma-ra, Goa-ra-ni, Mô-xê-nhô; ngoài ra còn có 127 thổ ngữ khác.
- Tiền tệ: Đồng Bô-li-va (7,85 Bô-li-va = 1USD).
- Quốc khánh: 6/8 (Ngày Độc lập: 6/8/1825).
- Tổng thống: Hoan Ê-vô Mô-ra-lết Ai-ma (Juan Evo Morales Ayma, nhậm chức 22/1/2006).
- Ngoại trưởng: Đa-vít Chô-kê-hoan-ka (Davis Choquehuanca, từ 1/2006).
II. LỊCH SỬ:
- 1450: Là vùng đất thuộc đế chế In-ca.
- 1531: Tây Ban Nha xâm chiếm Bô-li-vi-a.
- 6/8/1825: Bô-li-vi-a tuyên bố độc lập và tên nước được đặt là Cộng hoà Bô-li-vi-a để tưởng nhớ đến Tướng Xi-môn Bô-li-va, lãnh tụ của cuộc đấu tranh giành độc lập ở Châu Mỹ đánh đổ ách thống trị thực dân.
- Trong những thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ XX, ở Bô-li-vi-a thường xảy ra đảo chính quân sự và các chế độ quân sự thay nhau cầm quyền. Từ đầu những năm 1980 đến nay, cũng như tại nhiều nước Mỹ Latinh khác, chế độ dân chủ được phục hồi ở Bô-li-vi-a.
- Ngày 18/12/2005, ứng cử viên Phong trào tiến lên CNXH (MAS) Hoan Ê-vô-Mô-ra-lết Ai-ma, có tư tưởng dân tộc, cánh tả và chống đế quốc, đã trúng cử Tổng thống với 54,8% số phiếu bầu ngay vòng 1, trở thành Tổng thống gốc thổ dân đầu tiên ở Bô-li-vi-a với các cam kết quốc hữu hóa các xí nghiệp năng lượng, sửa đổi Hiến pháp, cải cách ruộng đất, phi hình sự hóa việc tiêu thụ lá cây cô-ca, bài trừ tham nhũng, thúc đẩy liên kết khu vực Mỹ Latinh...
III. CHÍNH TRỊ:
- Bô-li-vi-a theo chế độ Cộng hoà. Tổng thống và Phó Tổng thống do bầu cử trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ. Tổng thống chỉ định các thành viên Nội các.
- Quốc hội gồm 2 viện: Thượng viện có 27 thành viên và Hạ viện có 130 thành viên. Nhiệm kỳ của các Thượng, Hạ nghị sĩ là 5 năm.
- Toà án tối cao: các Thẩm phán được chỉ định với nhiệm kỳ 10 năm.
IV. KINH TẾ:
- Từ năm 2006 Bô-li-vi-a đã thực thi một loạt chính sách tiến bộ như quốc hữu hóa ngành dầu khí; ra đạo luật cải cách ruộng đất nhằm giao đất cho nông dân nghèo, hướng tới kế hoạch quốc hữu hóa toàn bộ đất đai của giới địa chủ… Năm 2011, GDP tăng trưởng 5%, đạt 24,4 tỉ USD, GDP/đầu người là 4.800 USD, lạm phát 10,1%, công nợ chiếm 38% GDP.
- Hàng xuất khẩu chính: khí đốt tự nhiên, thiếc, kẽm, vàng, bạc, cà phê, đậu tương (thứ 8 trên thế giới), cà phê, thịt bò, lá coca (thứ 3 trên thế giới) và sản phẩm phụ, gỗ. Hàng nhập khẩu chính: máy móc và phương tiện vận tải, hàng tiêu dùng, nguyên liệu và bán thành phẩm, hoá chất, dầu thô, thực phẩm.
- Thành viên các thể chế hợp tác kinh tế, thương mại quốc tế: Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Nông Lương (FAO), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IADB), Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), Cộng đồng các Quốc gia An-đết (CAN, gồm Bô-li-vi-a, Pê-ru, Ê-qua-đo, Cô-lôm-bi-a, Vê-nê-xu-ê-la), thành viên liên kết Thị trường chung Nam Mỹ, ALBA (gồm 6 nước: Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la, Bô-li-vi-a, Ni-ca-ra-goa, Ôn-đu-rát, Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na).
V. ĐỐI NGOẠI:
Chính sách đối ngoại Bô-li-vi-a xuất phát từ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, chống nghèo đói, hiện đại hóa thể chế, hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài. Một trong những ưu tiên hiện nay là mở đường biên giới ra biển Thái Bình Dương thông qua thương lượng với nước láng giềng Chi-lê; mặt khác, tăng cường quan hệ và hội nhập sâu rộng trong khuôn khổ ALBA; thúc đẩy hình thành không gian hợp tác giữa Cộng đồng các Quốc gia An-đết và khối Thị trường chung Nam Mỹ; nỗ lực tham gia vào dự án hợp tác năng lượng Nam Mỹ trong khuôn khổ Liên minh các Quốc gia Nam Mỹ (UNASUR). Bô-li-vi-a tham gia lực lượng hoạt động gìn giữ hòa bình và an ninh của Liên hợp quốc; đóng góp nhiều sáng kiến cho những hoạt động của Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ (OEA), Nhóm Ri-ô; là thành viên của Phong trào Không Liên kết, Liên minh Nghị viện Thế giới, G20….
VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ ngày 10/02/1987. Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Bra-xin kiêm nhiệm Bô-li-vi-a và Đại sứ quán Bô-li-vi-a tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam.
Tháng 5/2008, Đại sứ quán ta tại Bra-xin kiêm nhiệm Bô-li-vi-a và Bộ Ngoại giao Bô-li-vi-a đã tổ chức Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Bô-li-vi-a” tại La Pát, thu hút sự tham dự của gần 80 doanh nghiệp bạn.
Bô-li-vi-a là một trong những nước khu vực sớm ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và làm Uỷ viên không thường trực HĐBA/LHQ khóa 2008-2009.
Quan hệ kinh tế - thương mại còn rất thấp so với tiềm năng của hai nước; năm 2007, tổng giá trị trao đổi thương mại hai nước đạt 2,3 triệu USD, năm 2011 tăng 3,8 triệu USD trong đó ta nhập khẩu 205,5 nghìn USD và xuất khẩu 3,6 triệu USD. Tuy nhiên, hai nước còn nhiều lĩnh vực giàu tiềm năng có thể hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và bổ trợ lẫn nhau như ngành khai thác và chế biến khoáng sản, khí đốt tự nhiên.
Tháng 5/2012
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |