Thông tin cơ bản về Cộng hoà Goa-tê-ma-la và quan hệ với Việt Nam
BỘ NGOẠI GIAO
-----------
TƯ LIỆU CƠ BẢN
CỘNG HÒA GOA-TÊ-MA-LA
I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Cộng hoà Goa-tê-ma-la (República de Guatemala).
- Thủ đô: Thành phố Goa-tê-ma-la (Ciudad de Guatemala).
- Diện tích: 108.890km².
- Vị trí địa lý: Nằm phía Bắc Trung Mỹ và ven bờ Thái Bình Dương, Bắc giáp Mê-hi-cô, Đông giáp Bê-li-xê và biển Ca-ri-bê, Nam giáp Ôn-đu-rát và Ên Xan-va-đo.
- Dân số: 13,8 triệu , (2011) trong đó 59,4% là người da màu và gốc Châu Âu, 40,5% là người gốc thổ dân, 0,1% là người gốc khác.
- GDP: 46,7 tỷ USD, (2011) xếp thứ 76 thế giới.
- GDP/đầu người: 3.384 USD/người (2011)
- Tôn giáo: Thiên chúa giáo (98%).
- Ngôn ngữ: tiếng Tây Ban Nha (60%) và ngôn ngữ thổ dân (40%).
- Tiền tệ: Đồng Kết-xan (Quetzal). Tỷ giá 1 USD = 7,8 GTQ (2011)
- Quốc khánh: 15/9/1821 (Ngày độc lập).
- Tổng thống: Ốt-tô Pê-rết Mô-li-na (Otto Perez Molina), từ 14/1/2012.
II. LỊCH SỬ:
- Thực dân Tây Ban Nha bắt đầu chinh phục Goa-tê-ma-la từ thế kỷ XVI.
- Từ 1524-1821, Goa-tê-ma-la là trung tâm hành chính của Tây Ban Nha tại Trung Mỹ. Năm 1821, Lãnh thổ Goa-tê-ma-la (gồm các nước Goa-tê-ma-la, Ôn-đu-rát, Ni-ca-ra-goa và Ên Xan-va-đo ngày nay) tuyên bố độc lập và liên minh với Mê-hi-cô. Năm 1823, tách khỏi Mê-hi-cô và hình thành Liên bang Trung Mỹ, chọn Thành phố Goa-tê-ma-la là Thủ đô.
- Năm 1838, Liên bang tan rã. Goa-tê-ma-la trở thành quốc gia độc lập.
III. CHÍNH TRỊ:
- Thể chế chính trị: chế độ Cộng hoà. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia đồng thời là người đứng đầu Chính phủ, nhiệm kỳ 4 năm và được bầu theo phổ thông đầu phiếu.
- Hệ thống lập pháp: Quốc hội đơn viện, gồm 80 nghị sĩ do nhân dân bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 4 năm.
- Hệ thống tư pháp: Toà án Hiến pháp là cơ quan cao nhất (gồm 5 thẩm phán, nhiệm kỳ 5 năm), tiếp theo là Tòa án Tối cao (gồm 13 thẩm phán, nhiệm kỳ 5 năm).
IV. KINH TẾ:
Goa-tê-ma-la cùng với Ên Xan-va-đo ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Mê-hi-cô (4/2000), phê chuẩn FTA với Mỹ (2005) và cùng các nước Trung Mỹ ký FTA với Cộng hòa Đô-mi-ni-ca-na (2006).
Năm 2010, GDP đạt 41,47 tỉ USD; kinh tế tăng trưởng 2,6% (so với 0,5% năm 2009 và 3,3% năm 2008); GDP theo đầu người: 5.200 USD; lạm phát: 3,9% (tăng 2% so với năm 2009); xuất khẩu: 8,47 tỉ USD, nhập khẩu: 12,65 tỉ USD. Cơ cấu GDP: nông nghiệp (13%, chiếm 50% lao động), công nghiệp (24,4%) và dịch vụ (62,3%). Một số sản phẩm nông nghiệp chính: cà phê, mía đường, chuối, hạnh nhân, thịt bò, cừu, lợn và gia cầm. Các ngành công nghiệp chính: thực phẩm, dệt may, hoá chất (nhựa), dược phẩm. Các bạn hàng chính bao gồm: Mỹ, Mê-hi-cô, Ên Xan-va-đo, Nhật, Đức, Ôn-đu-rát, Cô-xta Ri-ca.
V. ĐỐI NGOẠI:
Goa-tê-ma-la ưu tiên quan hệ với Mỹ, các nước láng giềng và Mỹ Latinh; là thành viên Liên hợp quốc, Tổ chức các nước châu Mỹ (OEA), Nhóm Ri-ô, Hội đồng quân sự Trung Mỹ, Hiệp hội Trung Mỹ-Mỹ…
VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
Ta và Goa-tê-ma-la đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ từ năm 1993 nhưng đến nay hai bên chưa có cơ quan đại diện tại mỗi nước và quan hệ kinh tế thương mại còn rất ít. Năm 2011, Việt Nam nhập khẩu từ Goa-tê-ma-la 22,9 triệu USD và xuất 16,2 triệu.
Chính quyền của Tổng thống A. Cô-lôm (Colom) theo đường lối trung tả, có cảm tình và mong muốn tăng cường quan hệ với ta: Tháng 8/2009 lần đầu tiên cử Đại sứ kiêm nhiệm VN vào trình quốc thư, sau khi Đại sứ ta tại Mê-hi-cô tham dự Lễ nhậm chức của Tổng thống bạn (1/2008). Từ ngày 22-23/6/2011 Đại sứ Việt Nam tại Mê-hi-cô làm Đặc phái viên của Chủ tịch nước tham dự “Hội nghị Quốc tế ủng hộ Chiến lược An ninh Trung Mỹ” tại thành phố Goa-tê-ma-la và ngày 14/1/2012 tham dự Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Ốt-tô Pê-rết Mô-li-na (Otto Perez Molina). Hai bên đang đàm phán ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ.
6/2012
Back Top page Print Email |