Thông tin cơ bản về Cộng hoà Ên Xan-va-đo và quan hệ với Việt Nam
BỘ NGOẠI GIAO
----------
TƯ LIỆU CƠ BẢN
CỘNG HOÀ ÊN XAN-VA-ĐO
I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Cộng hoà Ên Xan-va-đo (República de El Salvador).
- Thủ đô: Xan Xan-va-đo (San Salvador).
- Vị trí địa lý: nằm ở Trung Mỹ, ven bờ Thái Bình Dương, phía Tây giáp Goa-tê-ma-la, phía Bắc giáp Ôn-đu-rát, phía Nam giáp Thái Bình Dương.
- Diện tích: 21.041 km2.
- Dân số: 6,07 triệu (2011), trong đó 90% là người lai, 1% thổ dân, 9% da trắng.
- GDP: 22,6 tỉ USD, (2011), xếp thứ 98 thế giới
- GDP/đầu người: 3.722 USD (2011)
- Tôn giáo: 57% theo Thiên chúa giáo, 21% theo đạo Tin lành.
- Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha.
- Tiền tệ: đồng đô la Mỹ (được đưa vào sử dụng chính thức từ năm 2001).
- Ngày Quốc khánh: 15/9/1821 (Ngày Độc lập)
- Tổng thống: Các-lốt Mau-ri-xi-ô Phu-nết Các-ta-hê-na (Carlos Mauricio Funes Cartagena, từ 1/6/2009).
II. LỊCH SỬ:
- Năm 1525, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Pê-đrô đê An-va-ra-đô (Pedro de Alvarado) phát hiện ra Ên Xan-va-đo.
- Từ 1525-1821, Ên Xan-va-đo là thuộc địa của Tây Ban Nha.
- Ngày 15/9/1821, cùng với các nước Trung Mỹ khác, Ên Xan-va-đo tuyên bố độc lập và trở thành thành viên của Liên bang Trung Mỹ.
- Năm 1838, Liên bang tan rã.
- Năm 1841, Ên Xan-va-đo tuyên bố trở thành nước Cộng hòa.
III. CHÍNH TRỊ:
- Thể chế nhà nước: Ên Xan-va-đo theo chế độ Cộng hoà Tổng thống. Tổng thống vừa là Nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu Chính phủ, được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm.
- Quốc hội: nhất viện gồm 84 nghị sĩ được bầu cho nhiệm kỳ 3 năm và có quyền tái cử.
- Toà án tối cao: gồm 14 quan toà do Quốc hội bổ nhiệm, ngoài ra có các toà án các cấp.
IV. KINH TẾ:
Nền kinh tế Ên Xan-va-đo chủ yếu dựa vào dịch vụ, một số ngành công nghiệp nhẹ (chế biến thực phẩm, may mặc, giấy…) và nông nghiệp với những sản phẩm truyền thống miền nhiệt đới; có nguồn thu kiều hối khá lớn từ Mỹ (gần 3 tỷ USD/năm). Từ tháng 1/2001, Ên Xan-va-đo quyết định sử dụng đồng đô la Mỹ song hành với đồng Cô-lông nội tệ; từ năm 2004 sử dụng đồng đôla Mỹ là đồng tiền chính thức. Về chính sách kinh tế, Ên Xan-va-đo chủ trương mở thị trường xuất khẩu mới, hỗ trợ đầu tư nước ngoài và hiện đại hoá hệ thống thuế.
Ên Xan-va-đo đã ký Hiệp định thương mại tự do với CH Đô-mi-ni-ca-na, Chi-lê, Mê-hi-cô, Pa-na-ma và Mỹ; đang xem xét ký kết Hiệp định tương tự với Đài Loan, Cô-lôm-bi-a, Liên minh châu Âu, Ca-na-đa, Cộng đồng Ca-ri-bê (Caricom) và I-xra-en.
V. QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI:
Từ sau khi ổn định tình hình nội bộ (Hiệp định hoà bình giữa Chính phủ và Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Pha-ra-bun-đô Mác-ti (FMLN) năm 1992), Chính phủ Ên Xan-va-đo nỗ lực hoà nhập vào đời sống chính trị-kinh tế quốc tế và khu vực, nhất là quan tâm thúc đẩy Thị trường chung Trung Mỹ. Ên Xan-va-đo là thành viên LHQ, Tổ chức các nước châu Mỹ (OEA), Tổ chức hội nhập Mỹ Latinh (ALADI), Khối Thị trường chung Trung Mỹ.
Từ khi đắc cử lên cầm quyền năm 2009, chính quyền của Tổng thống Mau-ri-xi-ô Phu-nết (thuộc Đảng FMLN) coi trọng và ưu tiên tăng cường quan hệ với Mỹ, tôn trọng FTA với Mỹ và thúc đẩy hội nhập khu vực Trung Mỹ. Ên Xan-va-đo thiết lập quan hệ ngoại giao với Cu-ba đúng như cam kết của Tổng thống trong chiến dịch tranh cử.
VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
Đảng FMLN từng là lực lượng du kích vũ trang cánh tả, được Cu-ba và một số nước XHCN, trong đó có Việt Nam, ủng hộ mạnh mẽ. Việc Đảng FMLN vốn có quan hệ gắn bó lâu dài với Đảng Việt Nam, thắng cử lên cầm quyền ở Ên Xan-va-đo (1/6/2009) là nhân tố thuận thúc đẩy quan hệ hai nước. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có Điện mừng Tổng Bí thư Đảng FMLN sau khi bạn thắng cử.
Từ khi lên nắm quyền, Chính phủ của FMLN bày tỏ chủ động thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Ngày 16/01/2010, Việt Nam và Ên Xan-va-đo đã ký Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (dịp Hội nghị FMM IV - FEALAC tại Tô-ki-ô, Nhật Bản). Trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước còn khiêm tốn, về phía Ên Xan-va-đo có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng FMLN, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Ên Xan-va-đo Xích-phri-đô Rêy-ết Mô-ran-lết (Sigfrido Reyes Morales) thăm làm việc tại Việt Nam, tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (26/3/2010); BTNG Ên Xan-va-đo U-gô Mác-ti-nết Bô-ni-gia (Hugo Martínez Bonilla) thăm Việt Nam (31/3-1/4/2011) và Đại sứ Ên Xan-va-đo tại Ấn Độ kiêm nhiệm Việt Nam trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (19/8/2010). Về phía Việt Nam có: Đại sứ Việt Nam tại Mê-hi-cô kiêm nhiệm Ên-xan-va-đo thăm Ên Xan-va-đo (17-19/11/2010), tiếp kiến TBT đảng FMLN, Chủ tịch và Phó CTQH, BTNG và Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi, TGĐ cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Ên Xan-va-đo.
Hai bên đã ký Thông cáo chung về việc thiết lập QHNG (ký tại Tokyo ngày 16/1/2010 dịp FMM IV-FEALAC), hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, MOU tham khảo chính trị giữa 2 BNG (ký trong dịp BTNG bạn thăm VN 31/3/2011) và MOU về nông nghiệp, thủy sản và nuôi trồng thủy sản giữa 2 Bộ NN & PTNT (ký trong dịp Đại sứ bạn thăm VN 11/10/2011).
Trao đổi thương mại giữa hai nước còn rất khiêm tốn và chủ yếu qua trung gian. Năm 2011 Việt Nam nhập từ Ên Xan-va-đo 7,5 triệu USD và xuất 5,7 triệu USD. Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam quan tâm thị trường Ên Xan-va-đo, trong đó có Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.
6/2012
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |