Thông tin cơ bản về Cộng hoà Cô-lôm-bi-a và quan hệ với Việt Nam
BỘ NGOẠI GIAO
---------
TƯ LIỆU CƠ BẢN
CỘNG HÒA CÔ-LÔM-BI-A
I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Cộng hoà Cô-lôm-bi-a (República de Colombia).
- Thủ đô: Xan-ta Phê đê Bô-gô-ta (Santa Fe de Bogota, gọi tắt là Bogota).
- Vị trí địa lý: nằm ở Tây Bắc lục địa Nam Mỹ. Phía Bắc giáp Pa-na-ma và biển Antillas, Đông giáp Vê-nê-xu-ê-la và Bra-xin, Nam giáp Pê-ru và Ê-qua-đo, Tây giáp biển Thái Bình Dương.
- Diện tích: 1.138.914 km2 (thứ 4 Nam Mỹ).
- Dân số: 45,2 triệu (2011), đứng thứ 3 MLT (sau Bra-xin và Mê-hi-cô) và 28 thế giới trong đó chủ yếu là người lai (58%), da trắng (20%), da nâu (14%), da đen (4%) và thổ dân (1%).
- GDP: 321,5 tỉ USD (2011), đứng thứ 4 MLT, sau Bra-xin, Mê-hi-cô, Argentina.
- GDP/đầu người: 7.113 USD (2011), đứng thứ 109 thế giới.
- Tôn giáo: 90% theo Thiên chúa giáo.
- Ngôn ngữ: tiếng Tây Ban Nha.
- Tiền tệ: Đồng Pê-sô. Tỷ giá 1,812 Peso = 1 USD (2011).
- Ngày quốc khánh: 20/7 ( Ngày Độc lập 20/7/1810).
- Tổng thống: Hoan Ma-nu-en Xan-tốt Can-đê-rôn (Juan Manuel Santos Calderón), từ 8/2010.
II. LỊCH SỬ:
- Năm 1499, người Tây Ban Nha đặt chân đến Cô-lôm-bi-a và tiến hành quá trình thực dân hoá.
- Sau khi đánh bại quân đội thực dân, ngày 17/12/1819, Xi-môn Bô-li-va tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Đại Cô-lôm-bi-a, gồm 3 địa phận là Cun-đi-na-mác-ca, Vê-nê-xu-ê-la và Ki-tô (sau này là Ê-qua-đo).
- Năm 1830, Vê-nê-xu-ê-la và Ê-qua-đo tách khỏi Cộng hoà Đại Cô-lôm-bi-a, các tỉnh còn lại thành lập nước Cộng hoà Gra-na-đa mới.
- Năm 1863, theo Hiến pháp mới, Liên bang Cô-lôm-bi-a được thành lập.
- Năm 1886 đổi tên thành nước Cộng hoà Cô-lôm-bi-a.
III. CHÍNH TRỊ:
- Hệ thống chính trị: Cô-lôm-bi-a theo chế độ Cộng hoà. Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, được bầu trực tiếp nhiệm kỳ 4 năm và có thể tái cử ở nhiệm kỳ tiếp theo.
- Hệ thống lập pháp: Quốc hội lưỡng viện, nhiệm kỳ 4 năm. Thượng viện có 102 Thượng nghị sĩ, Hạ viện có 166 Hạ nghị sĩ.
- Hệ thống tư pháp: Toà án tối cao, Hội đồng Nhà nước, Toà hiến pháp và Toà Tư pháp tối cao có quyền lực như nhau.
IV. KINH TẾ:
Cô-lôm-bi-a là nước giàu khoáng sản và năng lượng: đứng đầu khu vực về trữ lượng than (chiếm 40% tổng trữ lượng của Mỹ Latinh), thứ hai khu vực về tiềm năng thuỷ điện (sau Bra-xin), dầu lửa có trữ lượng khoảng 3,1 tỷ thùng, ngoài ra còn có vàng, bạc, pla-tin... Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là cà phê (chiếm 16% xuất khẩu thế giới), hoa, thuốc lá, thịt bò, ngũ cốc, hoa quả...
Thời gian gần đây, Cô-lôm-bi-a là nền kinh tế tăng trưởng khá cao trong khu vực (2009: 0,1%, 2010: 4,3%, 2011: 5%). Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, tăng trưởng GDP năm 2009 chỉ đạt 0,1%. Năm 2010, kinh tế Cô-lôm-bi-a có dấu hiệu phục hồi tích cực, GDP tăng trưởng 4,3%, tương đương với 285 tỉ USD, lạm phát 3,1%, thất nghiệp 11,8%, nợ nước ngoài 57,7 tỉ USD, xuất khẩu 40,2 tỉ USD (chủ yếu là dầu lửa, than, cà phê, hoa tươi, chuối, dược phẩm, xi măng… sang các thị trường chính: Mỹ, Vê-nê-xu-ê-la, Hà Lan) và nhập khẩu 36,3 tỉ USD (chủ yếu là máy công nghiệp, phương tiện vận tải, hàng hóa tiêu dùng, lương thực, hoá chất, quặng kim loại…từ các thị trường chính: Mỹ, Trung Quốc, Mê-hi-cô, Bra-xin, Pháp, Đức).
V. ĐỐI NGOẠI:
Cô-lôm-bi-a duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, coi Mỹ là bạn hàng chính và nguồn cung cấp viện trợ quan trọng (khoảng 5 tỷ USD trong 8 năm qua, là nước nhận viện trợ nhiều nhất của Mỹ ở MLT), chú trọng thúc đẩy quan hệ với các nước Mỹ Latinh, thúc đẩy liên kết khu vực. Quan hệ với các nước Nam Mỹ, đặc biệt là Ê-qua-đo và Vê-nê-xu-ê-la căng thẳng. Từ khi lên nắm quyền, Chính phủ của Tổng thống Santos bày tỏ thái độ mềm dẻo hơn với các nước láng giềng, nối lại quan hệ ngoại giao với Vê-nê-xu-ê-la và Ê-qua-đo bị cắt đứt dưới thời TTh A. Uribe (7/2010). Cô-lôm-bi-a chủ trương đa đạng hoá quan hệ với các khu vực khác trên giới, hướng mạnh sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 4/2011, Cô-lôm-bi-a tham gia thành lập Liên minh Thái Bình Dương (cùng Pê-ru, Mê-hi-cô và Chile). Cô-lôm-bi-a đang vận động gia nhập APEC và tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); thúc đẩy tập hợp các nước đang nổi theo khái niệm nhóm CIVETS.
Cô-lôm-bi-a là thành viên của Liên hợp quốc, Tổ chức các nước Châu Mỹ (OEA), Phong trào Không Liên kết, Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC) và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác; là Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2010-2011.
VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
Việt Nam và Cô-lôm-bi-a thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 1/1/1979. Đại sứ ta tại Vê-nê-xu-ê-la kiêm nhiệm Cô-lôm-bi-a (từ tháng 9/2007) và Đại sứ Cô-lôm-bi-a tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam.
Đến nay, tuy chưa trao đổi chuyến thăm cấp cao nhưng lãnh đạo hai nước đã có các cuộc tiếp xúc nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương, đáng chú ý: Chủ tịch nước Lê Đức Anh gặp Tổng thống Éc-nét-xờ-tô Xam-pơ tại Hội nghị Cấp cao lần thứ X Phong trào không liên kết (Bô-gô-ta, 10/1995); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp TTh A. U-ri-bê tại Hội nghị cấp cao APEC (Li-ma, 11/2008) và TTh. Manuel Santos bên lề HNCC LHQ (Hoa Kỳ, 9/2010). Gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Cô-lôm-bi-a Ma-ri-a An-hê-la Ôn-ghin thăm Việt Nam (22/2/2012) (chuyến thăm chính thức ở cấp cao nhất của Cô-lôm-bi-a tới Việt Nam).
Cô-lôm-bi-a là một trong những nước ở Mỹ Latinh đã sớm ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO mà không yêu cầu đàm phán song phương, ứng cử làm ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ khóa 2008-2009, cam kết xem xét tích cực việc công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Bạn từng đề nghị Việt Nam gia nhập Tổ chức cà phê thế giới nhằm phối hợp bình ổn giá cà phê trên thị trường thế giới; hiện nay bạn quan tâm thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ nhóm các nền kinh tế mới nổi CIVETS và tích cực vận động ta ủng hộ bạn gia nhập APEC và TPP.
Quan hệ kinh tế-thương mại song phương những năm gần đây đã có những bước phát triển tích cực. Kim ngạch buôn bán hai chiều đã tăng trung bình trên 35%/năm, từ mức 42,95 triệu USD năm 2007 lên 123,23 triệu USD năm 2011. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Cô-lôm-bi-a chủ yếu là hàng thủy sản, xơ, sợi dệt các loại, hàng dệt may sẵn, giày dép, săm lốp...; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phụ liệu may, sản phẩm bằng đồng, nguyên phụ liệu giày dép, chất dẻo....
Hiện nay, hai bên đã ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Ngoại giao và Công vụ, và MOU thiết lập cơ chế TKCT giữa hai Bộ Ngoại giao (trong dịp BTNG thăm VN ngày 27/2/2012); đang đàm phán các Hiệp định về hợp tác kinh tế-kỹ thuật, Thỏa thuận về hợp tác văn hóa-giáo dục và thể thao, Thỏa thuận về trao đổi nghệ sỹ.
6/2012
Back Top page Print Email |