Thông tin cơ bản về Bê-li-zê và quan hệ với Việt Nam
BỘ NGOẠI GIAO
---------
TƯ LIỆU CƠ BẢN
BÊ-LI-ZÊ
I. KHÁI QUÁT:
- Tên nước: Bê-li-zê (Belice).
- Thủ đô: Ben-mô-pan (Belmopan).
- Vị trí địa lý: nằm ở Trung Mỹ, Bắc giáp Mê-hi-cô, Tây và Nam giáp Goa-tê-ma-la.
- Diện tích: 22.966 km².
- Dân số: 321.115 (ước tính 2011).
- GDP : 1.47 tỉ USD (2011), xếp thứ 163 thế giới.
- GDP/đầu người: 4349 USD (2011)
- Tôn giáo: Thiên chúa giáo (40%), Tin lành (31.7%) và các đạo khác (11.9%).
- Ngôn ngữ: tiếng Anh (ngôn ngữ chính thức), tiếng Tây Ban Nha (50%) và ngôn ngữ thổ dân.
- Tiền tệ: Đồng đô la bê-li-zê (BZD). Tỷ giá: 2 BZD = 1 USD
- Ngày quốc khánh: 21/9/1981 (Ngày Độc lập)
- Nữ hoàng: Ê-li-da-bét II (Elizabeth II).
- Toàn quyền: Côn-vin Giăng (Colville Young, 11/1993).
II. LỊCH SỬ:
- Nền văn hóa Ma-gia bắt đầu từ năm 1500 trước Công nguyên và phát triển rực rỡ ở Bê-li-zê đến khoảng thế kỷ 10 thì tàn dần.
- Thế kỷ 16, người Tây Ban Nha tuyên bố đây là thuộc địa của mình.
- Năm 1871, Luân Đôn sáp nhập Bê-li-zê dưới tên “Ôn-đu-rát thuộc Anh” (British Honduras) và tới năm 1964, ban thể chế thuộc địa tự trị.
- Năm 1973, chính phủ Anh đổi tên xứ Ôn-đu-rát thuộc Anh thành “Bê-li-zê” và đến 21/9/1981, trao độc lập cho thuộc địa cuối cùng của châu Mỹ.
III. CHÍNH TRỊ:
- Hệ thống chính trị: Bê-li-zê theo chế độ Quân chủ nghị viện (nằm trong Khối Liên hiệp Anh). Nữ hoàng Anh là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu nhà nước thông qua đại diện Toàn quyền.
- Hệ thống lập pháp: Quốc hội lưỡng viện, nhiệm kỳ 5 năm. Thượng viện có 12 thành viên. Hạ viện có 32 thành viên.
- Hệ thống tư pháp: Tòa án tối cao, Tòa phúc thẩm, Hội đồng cơ mật, Tòa án thẩm phán.
IV. KINH TẾ:
Nền kinh tế của Bê-li-zê trước thế kỷ 20 chủ yếu dựa vào lâm nghiệp, sau khi diện tích rừng bị thu hẹp và không còn sinh lãi, từ năm 1900 nền kinh tế chuyển sang nông nghiệp: xuất khẩu chủ yếu mía đường, chuối và các loại trái cây. Chính sách kinh tế khắc khổ năm 1997 làm suy giảm mức phát triển: giá thị trường chuối và đường xuống thấp trong khi hàng hóa nhập cảng vượt cao hơn và có dấu hiệu bội chi ngân sách. Từ năm 1999 kinh tế khả quan hơn, đạt mức tăng trưởng 4% nhờ du lịch và xây dựng. Năm 2006, đất nước phát hiện mỏ dầu thô.
Bê-li-zê đã cùng các quốc gia Trung Mỹ khác đã kí Hiệp định về phát triển bền vững của khu vực (CONCAUSA), đồng thời hưởng lợi từ Mỹ thông qua Sáng kiến Khu vực lòng chảo Ca-ri-bê.
V. QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI:
Bê-li-zê luôn phải đối diện vấn đề tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng Goa-tê-ma-la. Goa-tê-ma-la không công nhận sự hiện hữu của Bê-li-zê và đã từng tuyên bố chủ quyền trên một phần hay toàn phần lãnh thổ Bê-li-zê. Vương quốc Anh vấn duy trì lực lượng quân sự ở Bê-li-zê theo thỉnh cầu của Ben-mô-pan.
Đất nước này duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ (đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất), các nước Ca-ri-bê và Mỹ Latinh.
Bê-li-zê là thành viên của Cộng đồng Ca-ri-bê (CARICOM), Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Ca-ri-bê (CELAC), Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (SICA), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) và Nhóm G77.
VI. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:
Ta và Bê-li-zê đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1995, nhưng quan hệ gần như chưa có gì. Năm 2011, ta xuất sang Bê-li-zê 3.9 triệu USD.
6/2012
Back Top page Print Email |