Cải cách kinh tế và Hội nhập Kinh tế quốc tế tại Myanmar

Cùng với việc Hiến pháp mới được thông qua vào tháng 8/2008, Myanmar bước vào hệ thống chính trị mới. Sau tổng tuyển cử năm 2010,chính phủ nghị viện ra đời và phát triển. Chính phủ mới cam kết vạch ra hướng đi mới thông qua một loạt các cải cách tham vọng nhằm hiện đại hóa kinh tế Myanmar toàn diện và tái hội nhập toàn cầu.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống U Thein Sein, ngay từ khi cầm quyền vào tháng 3 năm 2011, Myanmar đã tiến hành nhiều cải cách cần thiết và khác biệt. Giai đoạn đầu của cải cách bao gồm: thứ nhất là cải cách chính trị, bảo đảm công bằng và hòa giải dân tộc; qua đó lập lại hòa bình và tăng cường hiểu biết giữa các nhóm sắc tộc. Thứ hai là cải cách kinh tế và xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thứ ba là cải cách hành chính công với mục tiêu hướng tới chính phủ trong sạch và nền quản trị tốt đẹp. Gần đây, chính phủ Myanmar đang xem xét coi phát triển kinh tế tư nhân là động lực cải cách thứ tư do khu vực tư nhân chiếm hơn 80% thành phần kinh tế Myanmar. Giai đoạn này sẽ tập trung xây dựng các khuôn khổ luật lệ và cấu trúc thể chế vững mạnh liên quan tới vấn đề kinh doanh, thương mại, đầu tư và logistic.

Phát triển kinh tế là vấn đề thiết yếu để xây dựng quốc gia dân chủ toàn diện, vì vậy chính phủ Myanmar đã đề ra 4 chính sách kinh tế bao gồm: duy trì phát triển nông nghiệp hướng tới công nghiệp hóa và phát triển toàn diện; phát triển cân bằng và cân đối giữa các bang/ khu vực; tăng trưởng công bằng trong toàn bộdân cư; và nâng cao chất lượng thống kê.

Do khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ nghèo cao, chính phủ đã đưa giảm nghèo và phát triển nông thôn vào chiến lược quốc gia với mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2015, xuống còn 16% (so với mức 26% trong năm 2010). Chính phủ cũng đặt mục tiêu giữ vững tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập bình quân GDP/đầu người. Các chiến lược chính bao gồm: Nâng cao năng suất nông nghiệp; phát triển chăn nuôi và nghề cá; nâng cao năng suất nông nghiệp qui mô nhỏ; phát triển hiệp hội tín dụng và tiết kiệm vi mô; phát triển kinh tế xã hội nông thôn; phát triển năng lượng khu vực nông thôn và bảo vệ môi trường.
Để duy trì động lực phát triển gặt hái trong thời gian qua và đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh tế xã hội tại Myanmar, chính phủ đã xây dựng và triển khai các hoạch kinh tế hàng năm và trong ngắn hạn. Ổn định kinh tế vĩ mô và huy động các nguồn lực tài chính là các nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Do đó, chính phủ Myanmar đã triển khai các bước cải cách táo bạo.

Một số cải cách quan trọng tác động tích cực tới nền kinh tế trong lĩnh vựcngân hàng, tiền tệ và tài chính cũng đã được đề ra, bao gồm việc thả nổi có giới hạn đồng nội tệ vào tháng 4/2012, thống nhất tỷ giá hối đoái, ban hành Luật quản lý tỉ giá ngoại hối mới, qua đó mọi giới hạn về thanh toán và chuyển khoản trong giao dịch quốc tế được dỡ bỏ, sửa đổi luật ngân hàng, tăng cường hệ thống thanh toán, nâng cao năng lực khu vực tài chính, mở rộng tiếp cận tài chính và tăng cường  hệ thống ngân sách và thuế. Trong lĩnh vực bảo hiểm, một số cải cách được thực thi như dỡ bỏ các hạn chế hiện hành, ban hành luật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, thành lập các tổ chức tái bảo hiểm, trường đào tạo…Những cải cách này sẽ góp phần cải thiện lĩnh vực bảo hiểm, qua đó thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư nước ngoài và trong nước ngày một gia tăng , Nghị viện đã thông qua luật đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm bảo đảm môi trường đầu tư  ổn dịnh và có thể dự báo trước. Dự thảo cải tổ luật về các khu kinh tế đặc biệt (SEZs) đang được xây dựng. Để hiện thực hóa SEZs, chính phủ thành lập Ủy ban công tác về quản lý SEZs. Khu kinh tế đặc biệt Dawei triển khai các hoạt động kinh tế đa lĩnh vực như hợp tác cảng biển nước sâu, các khu công nghiệp, v.v. Cảng biển nước sâu Dawei nằm trên Hành lang Kinh tế Mêkông-Ấn Độ (MIEC) và Hành lang kinh tế phía nam của Hợp tác tiểu vùng Mêkông mở rộng. Đây là cửa ngõ của các nước Đông Nam Á tới Nam Á, Châu Phi, các nước vùng Vịnh và châu Âu.

Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ tiến hànhnghiên cứu đánh giá toàn diện môi trường đầu tư Myanmar để đưa ra các hướng dẫn cải cách khu vực tư nhân. Về việc phát triển khu vực tư nhân, chính phủ Myanmar chú trọng quản lý hiệu quả chuỗi giá trị cung ứng nhằm tăng cường sức cạnh tranh toàn cầu, trong đó bao gồm  giúp đỡ các nhà sản xuất trong nước tiếp cận thị trường thế giới. Tiếp đó là phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thông qua hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô (micro-finance). Bên cạnh cơ chế hợp tác công tư (PPP), Ngân hàng Phát triển SME ra đời nhằm hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng và dịch vụ của SME. 

Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, bên cạnh việc thông qua luật tài chính vi mô, Nghị viện cũng thông qua luật mới nhằm trao quyền cho nông dân cũng như  đẩy mạnh việc sử dụng đất bỏ hoang vì mục đích nông nghiệp. Những luật mới này là công cụ hỗ trợ chủ đạo trong quá trình công nghiệp hóa. Bên cạnh việc chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và thông tin truyền thông, các kế hoạch cụ thể trong từng lĩnh vực trọng yếu trên cũng được chuẩn bị với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á. Bên cạnh đó là việc xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn, trung hạn và hàng năm với các mục tiêu tăng trưởng cụ thể.

Khuôn khổ cải cách kinh tế và xã hội (FESR) xác định các trọng tâm như phát triển công nghiệp dựa trên nền tảng nông nghiệp, phân phối nguồn lực đồng đều giữa các bang và khu vực, tăng cường đầu tư nước ngoài và trong nước, triển khai hiệu quả phát triển lấy con người làm trung tâm và xóa đói giảm nghèo. Trong ngắn hạn, tập trung vào 10 lĩnh vực sau: tài chính và thu nhập, dỡ bỏ các hạn chế về đầu tư nước ngoài và thương mại, phát triển khu vực tư nhân, giáo dục và y tế, an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, minh bạch hóa chính phủ, hệ thống internet, điện thoại di động và phát triển cơ sở hạ tầng cơ bản. Về dài hạn, tập trung vào các lĩnh vực: cải cách đất đai, cải thiện tiếp cận tín dụng và cơ hội việc làm.

Thực hiện theo đúng quy định của FESR, Bộ Phát triển kinh tế và Kế hoạch quốc gia phối hợp cùng các cơ quan liên quan đang xây dựng Kế hoạch Phát triển Quốc gia toàn diện (2011-2031) (NCDP) trong đó bao gồm Kế hoạch Phát triển Vùng toàn diện và Kế hoạch phát triển Khu vực. Đây là các kế hoạch dài hạn mang tầm vĩ mô nhằm hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn quốc gia. Kế hoạch này mang cách tiếp cận từ dưới lên, vì vậy sẽ khuyến khích sự tham gia, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và công bằng của các bên liên quan. Vì vậy, chính phủ Myanmar hoan nghênh các đóng góp và tham vấn của quần chúng, qua đó phản ánh được nguyện vọng và nhu cầu của người dân.

Để có được các kết quả khả quan trong ngắn hạn, cùng với các chính quyền vùng và cơ quan chính phủ, Bộ Phát triển Kinh tế và Kế hoạch Quốc gia đang hoàn tất Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (2011-12 đến 2015-16). Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng sống của toàn dân, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỳ (MDG), các mục phát triển con người khác và triển khai toàn diện các hoạt động trong Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Khuôn khổ FESR cũng đề ra các chiến lược xác định lại vị trí của Myanmar trong cộng đồng quốc tế thông qua các cam kết chiến lược với các nền kinh tế láng giềng; Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hợp tác tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS), hợp tác ACMECS, các đối tác thương mại tự do (FTA) như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và Niu Dilân. Đàm phán hiệp định về Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) giữa ASEAN và các đối tác FTA là bước đi hướng tới hội nhập toàn cầu.  Mục tiêu của RCEP là đạt được thỏa thuận đối tác kinh tế chất lượng, toàn diện, hiện đại và cùng có lợi giữa các nước thành viên của ASEAN và các nước đối tác FTA.

Dựa trên 3 trụ cột Kết nối ASEAN, Myanmar đang tích cực tham gia các hợp tác về truyền thông, giao thông, hàng không, năng lượng, giáo dục, văn hóa…Trong tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các cơ quan liên quan của Myanmar đang phối hợp triển khai các biện pháp như giảm thuế hải quan xuống còn 0% vào các năm tương ứng, xây dựng cơ sở hạ tầng như vận tải đường sắt, vận tải đường bộ nhằm bảo đảm hàng hóa thông suốt, phúc lợi xã hội và lao động, bảo hiểm và trợ giúp xã hội…

Luật Giải quyết Tranh chấp Lao động ra đời vào tháng 3/2012 nhằm bảo đảm quyền lợi của công nhân, môi trường lao động an toàn và giải quyết các tranh chấp đúng luật, kịp thời và công bằng giữa người làm thuê và chủ doanh nghiệp. Luật và các quy định về Tổ chức Lao động đã được ban hành nhằm tăng cường năng suất lao động cũng như xây dựng quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa công nhân và chủ lao động. Tới nay có khoảng 529 tổ chức công nhân-chủ lao động hoạt động trong khuôn khổ Luật Tổ chức Lao động, trong đó có các tổ chức lao động thành phố và các liên đoàn thương mại.

Chỉnh phủ phối hợp chặt chẽ với các đối tác tư nhân để nâng cao trình độ công nhân. Bên cạnh đó, Luật Phát triển kỹ năng và lao động sẽ sớm được thông qua. Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả lao động.

Myanmar tham gia hợp tác tài chính ASEAN và hội nhập thị trường bảo hiểm và ngân hàng trong khu vực. Myanmar cũng tham gia Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN trong khi nỗ lực phát triển thị trường vốn trong nước.

Là thành viên của ASEAN, GMS, CLMV và ACMECS, Myanmar có nhiều cơ hội tăng cường thương mại song phương với các quốc thành viên. Các nước thành viên ACMECS đề ra 8 lĩnh vực ưu tiên hợp tác, bao gồm xúc tiến đầu tư và thương mại, hợp tác nông nghiệp, hợp tác năng lượng và công nghiệp, kết nối thông suốt, hợp tác du lịch, phát triển nhân lực, y tế công cộng và môi trường. Từ tháng 4/2012 đến tháng 1/2013, các nước ACMECS đầu tư vào 66 lĩnh vực công nghiệp với 257 công ty đăng ký theo Luật Công ty của Myanmar.

Đã 9 năm trôi qua kể từ khi Tuyên bố Viêng Chăn được thông qua, đánh dấu sự ra đời của cơ chế hợp tác CLMV nhằm tăng cường hợp tác tiểu vùng. Là một thành viên của CLMV, Myanmar đang tích cực hợp tác trên các lĩnh vực như điều phối chính sách, xúc tiến đầu tư và thương mại, vận tải, nông nghiệp, hợp tác năng lượng và công nghiệp, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.
Hiện tại, EU và Mỹ đã giảm bớt hoặc bãi bỏ cấm vận kinh tế Myanmar. Vì vậy, rất nhiều nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và đầu tư tại đây. Doanh nghiệp Myanmar đang tái khởi động xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và EU. Trong chuyến thăm của Tổng thống U Thein sein tại Mỹ, hai nước đã ký Thỏa thuận khung về Đầu tư và Thương mại và Thỏa thuận Khuyến khích Đầu tư nhằm tăng cường quan hệ đầu tư và kinh tế song phương.

Trước nỗ lực cải cách của Myanmar, WB, ADB và một số thành viên CLB Paris, Ngân hàng Hợp tác quốc tế của Nhật Bản đã xóa nợ cho Myanmar vào tháng 1/2013

Myanmar đang chứng kiến những thay dân chủ chưa từng có tiền lệ. Chính phủ mới tiến hành các cải cách kinh tế và chính trị vì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, với giai đoạn quá độ thành công, Myanmar sẽ tái hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, ổn định và tăng trưởng kinh tế của khu vực và xa hơn nữa trong tương lai gần.

 

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn