Tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam
Ông Nguyễn Đình Cung
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
1. Tại sao phải tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt nam trong hơn 25 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều mặt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm giai đoạn 2001-2010 là 7,26%; GDP theo giá thực tế năm 2011 đã gấp hơn 3,8 lần so với năm 2000; từ năm 2010, Việt nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới. Đã đạt được thành tích vượt bậc về xóa đóigiảm nghèo; năm 2011 số hộ nghèo giảm xuống còn khoảng gần 12%. Kinh tế vĩ mô trong suốt thời kỳ cơ bản duy trì ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung vẫn được bảo đảm.
Tuy vậy, trong thời gian gần đây nền kinh tếViệt nam đã bộc lộ không ít yếu kém nội tại.Tăng trưởng GDP tuy vẫn ở mức tương đối cao nhưng đang có xu hướng chậm lại; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
Trong khi tốc độ tăng trưởng giảm sút, thì lạm phát luôn ở mức cao . Các cân đối vĩ mô (gồm cân đối cán cân vãng lại, cân đối ngân sách, cân đối tiết kiệm nội địa và đầu tư xã hội, dự trữ ngoại tệ quốc gia.v.v.) chưa vững chắc, nợ nước ngoài và nợ công có xu hướng gia tăng; nợ xấu ngân hàng tăng mạnh. Vì vậy, bất ổn kinh tế vĩ mô luôn là vấn đề phải quan tâm hàng đầu trong mấy năm gần đây.
Lạm phát ở Việt nam giai đoạn 1995-2012
Thực trạng nói trên trước hết là do mô hình tăng trưởng đã trở nên lạc hậu không còn phù hợp; không còn khả năng duy trì tăng trưởng cao và bền vững. Trong mấy năm gần đây, đóng góp của TFP vào tăng trưởng đã giảm xuống còn cách đáng kể, chỉ còn một tỷ trọng nhỏ trong tăng trưởng GDP. Tăng trưởng chủ yếu nhờ vào tăng số lượng vốn đầu tư. Do hiệu quả đầu tư thấp và có xu hướng giảm xuống, nên tuy đầu tư vẫn cao, nhưng tốc độ tăng trưởng không đạt mức như kế hoạch. Và càng đầu tư nhiều, thì lạm phát gia tăng và bất ổn kinh tế ví mô. Đóng góp của lao động vào tăng trưởng không lớn, và cũng có phần suy giảm. Với cách tăng trưởng như trên, thì lợi ích của tăng trưởng chủ yếu dành cho người sở hứu vốn; bất bình đẳng thu nhập gia tăng, bất lợi cho người lao động. Cách thức tăng trưởng đó rõ ràng không thể tiếp tục, và tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã trở nên cần thiết.
Đóng góp của vốn, lao động và TFP vào tăng trưởng kinh tế Việt nam giai đoạn 1990-2010
• Tóm lại, Cái cách kinh tế ở Việt nam đã đạt được những thành tựu to lớn, được thừa nhận rộng rải cả trong và ngời nước. Tuy vậy, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và đang có xu hướng giảm, đe dọa những thành tựu về xóa đói, giảm nghèo đã đạt được trong hơn 2 chục năm qua. Thực tế cho thấy dư địa tăng trưởng theo chiều rộng đang bị thu hẹp dần, thậm chí có yếu tố đã tận khai;nhưng, động lực của tăng trưởng theo chiều sâu(hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng suất lao động, năng suất tổng hợp) lại không tăng, không được cải thiện để bù đắp sự suy giảm của động lực tăng trưởng theo chiều rộng.Tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế đang giảm; bản thân nền kinh tế tự nó không còn khả năng đạt mức tăng trưởng cao như trước đây. Vì vậy, việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã trở nên cần thiết.
2. Nội dung và giải pháp cơ bản tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2015.
2.1. Nội dung cơ bản của chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng là quá trình chuyển “….từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững”.Nói cách khác, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay về bản chất là thay đổi động lực của tăng trưởng kinh tế; năng suất lao động, hiệu quả sử dụng các nguồn lực phải được cải thiện để dần thay thế số lượng đầu tư, lao động , tài nguyên thiên nhiên và trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.
Tái cơ cấu kinh tế là quá trình phân bố lại nguồn lực (trước hết là vốn đầu tư) trên phạm vi quốc gia nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nói riêng và của tòan bộ nền kinh tế nói chung của nền kinh tế (bao gồm hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả phân bố). Để làm được điều đó, về chính sách, cần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh (ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế,v.v…) để cơ chế thị trường được vận hành tốt và phát huy đầy đủ hiệu lực trong huy động và phân bố nguồn lực. Khởi động của tái cơ cấu kinh tế phải là đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích, thúc đẩy nguồn lực phân bố đến những nơi sử dụng có hiệu quả cáo hơn, đồng thời, buộc các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phải đổi mới cách thức sử dụng nguồn lực, đổi mới cách thức quản lý,v.v.. để nâng cao hiệu quả, năng cao năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Như vậy, thay đổi thể chế, thay đổi tạo lập hệ thống đòn bẩy phù hợp chính là khởi đầu của quá trình tái cơ cấu kinh tế.
Sơ đồ về Quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở nước ta giai đoạn 2013-2015
2.2. Một số giải pháp cơ bản tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2013-2015
Ngày 19 tháng 2 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 với hàng loạt các giải pháp cụ thể. Trong đề án nói trên, ba trọng tâm tái cơ cấu đã được lựa chọn, bao gồm tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Sau đây xin nêu một số giải pháp cơ bản thực hiện ba trọng tâm tái cơ cấu nói trên.
a) Tái cơ cấu DNNN tập trung vào ba nhóm giải pháp
Một là, áp đặt đầy đủ nguyên tắc thị trường và chế độ ngân sách sách cứng đối với DNNN; bắt buộc các DNNN phải cạnh tranh bỉnh đẳng như các doanh nghiệp khác.
Hai là thiết lập, hoàn thiện khunng quản trị theo thông lệ quốc tế phổ biến; và nâng cao hiệu lực quản trị công ty đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Ba là tái cơ cấu danh mục đầu tư, ngành nghề kinh doanh, cổ phần hóa; thu hẹp quy mô hoạt động của các DNNN để DNNNtập trung vào các ngành lĩnh vực kinh doanh chính, bao gồm:Công nghiệp quốc phòng;Các ngành công nghiệp độc quyền tự nhiên;Các ngành, lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; Một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn;
b)Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã và đang tập trung xử lý một số nội dung chính, gồm tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém; xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu tổng thể, toàn diện cả hệ thống nói chung và từng tổ chức tín dụng nói riêng.
c) Về tái cơ cấu đầu tư công, công việc trước hết phải làm là cắt giảm số lượng vốn và số dự án đầu tư công; thực hiện phân bố vốn cho những dự án quan trong ưu tiên, chủ yếu trong phát triển hạ tầng. hiện nay Bộ kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo khung kế hoạch đầu tư trung hạn; luật đầu tư công. Điều quan trọng là phải xác định rõ và cụ thể vai trò, phạm vi và chức năng của đầu tư nhà nước, quy trình, tiêu chí,… lựa chọn được dự án có hiệu quả kinh tế xã hội cao và tập trung phân bố vốn vào dự án có hiệu quả kinh tế-xã hội cao nhất; phải đổi mới được chế độ phân cấp đầu tư, nhất là TW-Địa phương; phải áp đặt “hard budget constraints” để buộc các bộ, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải có đổi mới và sáng tạo trong đầu tư theo hướng “đầu tư ít hơn, hiệu quả cao hơn”, hạn chế chạy theo số lượng đầu tư, số lượng dự án, ngăn chặn được cơn “khát đầu tư” như thời gian qua.
d) về tái cơ cấu các ngành kinh tế, thì trong tâm là tái cơ cấu các chuỗi cung ứng nâng cao giá trị gia tăng nội địa, nhất là chuỗi cung ứng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như Điện tử và công nghệ thông tin,Dệt may, giày da, chế biến lương thực, thực phẩm, công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo, cơ khí chế tạo, đóng mới và sửa chữa tàu biển, ô tô và phụ tùng ô tô, máy nông nghiêp,lúa gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, cá da trơn, tôm và các loại hải sản khác, các loại rau, quả nhiệt đới.v.v..
3. Một số lĩnh vực trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt nam sẽ phải tiến hành trong nhiều năm với không ít khó khăn và thách thức. Trong quá trình đó, bên cạnh những đổi mới, sáng tạo ở trong nước, thì những kinh nghiệm, bài học thành công và thất bại trong tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở các nước khác cũng hết sức hữu ích. Xem xét nội dung và giải pháp tái cơ cấu hiện hành, thì trao đổi học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong xử lý nợ xấu, cải cách ngân hàng, cải cách DNNN, cải cách quản lý đầu tư công và cả trong các chính sách phát triển công nghiệp, nhất là ở các nước khu vực châu á-thái bình dương sẽ hết sức thiết thực và hữu ích trong thực hiện các trong tâm tái cơ cấu hiện nay ở Việt nam.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|