Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông Tin Cơ Bản Về Đại Hàn Dân Quốc Và Quan Hệ Việt Nam - Hàn Quốc


I- CÁC VẤN ĐỀ CHUNG :

- Tên nước:  Đại Hàn Dân Quốc, gọi tắt là Hàn Quốc. Tên chính thức tiếng Anh là Republic of Korea. (không gọi là Nam Hàn, Nam Triều Tiên, Cộng hòa Triều Tiên).
- Thủ đô:  Xơ Un (Seoul), dân số 10,42 triệu người (12/2007).
- Thành phố lớn: Busan, Taegu, Taejon, Kwangju, Inchon, Ulsan.
- Vị trí địa lý:  Ở phía Nam Bán đảo Triều Tiên; Đông, Tây, Nam giáp biển; Bắc giáp Triều Tiên qua giới tuyến quân sự chạy dọc vĩ tuyến 38o Bắc.
- Diện tích:  99.392 km2 (toàn bán đảo: 222.154 km2)
- Khí hậu:  Khí hậu ôn đới, có 4 mùa rõ rệt.
- Dân số:  48,4 triệu người (11/2008).
- Dân tộc:  Chỉ có 1 dân tộc là dân tộc Hàn (Triều Tiên).
- Tôn giáo:  Phật giáo 10,7 triệu; Tin lành 8,6 triệu; Thiên chúa 5,1 triệu; Nho giáo 104 nghìn…. (2005).
- Ngôn ngữ:  Tiếng Hàn Quốc (một tiếng nói, một chữ viết).
- Tiền tệ:  Đồng Won.
- Quốc khánh:  + Ngày 03/10/2333 trước Công nguyên: Ngày Lập quốc, còn gọi là Lễ Khai thiên. Cơ quan đại diện ở ngoài nước tổ chức chiêu đãi.
+ Ngày 15/8/1945: Ngày Giải phóng (của Bán đảo Triều Tiên khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản). Tổ chức mít tinh kỷ niệm long trọng, Tổng thống đọc diễn văn. Lãnh đạo các nước gửi điện mừng.
+ Ngày 15/8/1948: Thành lập Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc.
- Lãnh đạo chủ chốt hiện nay:
+ Tổng thống: Li Miêng Bắc (Lee Myung Bak), từ 25/2/2008.
+ Thủ tướng: Han Sưng Su (Han Seung Soo), từ 29/2/2008.
+ Chủ tịch Quốc hội: Kim Hiêng Ô (Kim Hyong O), từ 10/7/2008.
+ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại: Yu Miêng Hoan (Yu Myung Hwan), từ 29/2/2008. 

II- KHÁI QUÁT LỊCH SỬ, ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI :
1. Lịch sử
Dân tộc Triều Tiên có khoảng 5.000 năm lịch sử.  Năm 2333 trước Công nguyên, nước Cổ Triều Tiên (Ko Choson) ra đời, bao gồm cả vùng Mãn Châu, Hoa Đông (nay thuộc Trung Quốc) và Bán đảo Triều Tiên. Nhà nước này tồn tại khoảng 1.000 năm, liên tiếp bị nhà Chu, nhà Hán (Trung Quốc) xâm lược.
Từ năm 57 trước Công nguyên, ba nhà nước phong kiến mới lần lượt hình thành là Koguryo (bao gồm phía Bắc Bán đảo và vùng Mãn Châu, Trung Quốc), Paekche và Shilla (phía Nam Bán đảo), còn được gọi là thời kỳ Tam quốc. Năm 668, Shilla thôn tính Kokuryo và Paekche, lập nên triều đại Shilla thống nhất bán đảo, kéo dài gần 3 thế kỷ (668-918). Từ 918-1392, vua Wang Kon lập ra nước Koryo (Cao Ly, nhà Vương), lấy Thủ đô là Kaeseong. Từ 1392-1910, vua Ly Song Gye lập ra nước Choson (Triều Tiên, nhà Lý), rời đô về Xơ Un (1394), vua Sejong (triều vua thứ tư) đã sáng tạo ra bảng chữ cái mà ngày nay vẫn đang dùng.
Năm 1910, Nhật Bản thôn tính Bán đảo Triều Tiên. Năm 1945, Bán đảo Triều Tiên được giải phóng và bị chia cắt, hình thành hai nhà nước theo hai chế độ chính trị-xã hội khác nhau lấy vĩ tuyến 38o Bắc làm ranh giới: phía Nam là Đại Hàn Dân Quốc (thường gọi là Hàn Quốc, tên tiếng Anh là Republic of Korea) và phía Bắc là CHDCND Triều Tiên (tên thường gọi là Triều Tiên, tên tiếng Anh là Democratic People’s Republic of Korea).
Ngày 25/4/1950 nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên, lúc đầu là giữa hai miền Triều Tiên và sau đó là sự tham chiến của quân đội Mỹ và một số lực lượng đồng minh, rồi đến sự tham chiến của quân đội Trung Quốc. Chiến tranh kết thúc năm 1953; Mỹ và CHDCND Triều Tiên ký Hiệp định đình chiến.
2. Đất nước, con người
a) Văn hóa - xã hội:
- Trước đây, Hàn Quốc là một đất nước chỉ có một dân tộc, một tiếng nói. Tuy nhiên, yếu tố này đang có nhiều thay đổi do Hàn Quốc ngày càng hội nhập quốc tế. Hàn Quốc đang chuyển sang xã hội “đa dân tộc, đa văn hóa”. Tính đến tháng 5/2008, tại Hàn Quốc có gần 900 nghìn người nước ngoài sinh sống: lao động là 437,7 nghìn người; người kết hôn với người Hàn Quốc là 144,3 nghìn, đại đa số là phụ nữ, trong đó 58% là người Trung Quốc, 22,2% đến từ Đông Nam Á, 40% trường hợp đàn ông nông thôn Hàn Quốc kết hôn gần đây là lấy người nước ngoài.
- Do chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, người Hàn Quốc rất coi trọng lễ nghĩa, trật tự trên dưới. Đặc biệt, rất coi trọng các mối quan hệ huyết thống, đồng môn, đồng hương. Giới trẻ Hàn Quốc ngày nay có xu hướng ưu chuộng văn hóa Mỹ, Nhật...

- Hàn Quốc có nền điện ảnh, âm nhạc và thời trang tương đối phát triển tại châu Á. Văn hóa Hàn Quốc đang được du nhập mạnh vào nhiều nước châu Á với tên gọi “làn sóng văn hóa Hàn”.
- Đặc trưng của các món ăn Hàn Quốc là cay và mặn. Món ăn nổi tiếng là Kim-chi (các loại rau muối thường với ớt), thịt nướng (thịt ba chỉ, thịt bò), miến lạnh...
b) Danh lam-thắng cảnh:
Hàn Quốc có nhiều di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới như:
- Cung Chang-đớc (Cung Xương Đức): hoàn thành năm 1405 và tháng 12/1997 được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
- Thành Su-uân Hoa-sơng (Thuỷ Nguyên Hoa Thành): hoàn thành năm 1796 và tháng 12/1997 được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
- Am Sớc-kun (Thạch Quật Am) – Chùa Bun-kuc (Phật Quốc Tự): hoàn thành năm 774 và được UNESCO công nhận tháng 12/1995.
- Kho kinh tự chùa He-in (Hải Ấn Tự Tàng Kinh Bản Điện): hoàn thành vào thế kỷ 13 và được UNESCO công nhận tháng 12/1995.
- Tông Miếu (thời Chosun): hoàn thành năm 1394 và được UNESCO công nhận tháng 12/1995.
- Cố đô Kiơng-chu (Khánh Châu)-thuộc triều đại Shilla (57 trước CN – sau CN 935), được UNESCO công nhận tháng 12/2000.
- Núi lửa ngừng hoạt động Ha-na (Hán La) và Đỉnh Sơn-san-in-chun-bông (Thành Sơn Nhật Xuất Phong), Động nhũ đá tại đảo Chê-chu (Tế Châu) được UNESCO công nhận tháng 6/2007. 
 Ngoài ra, Hàn Quốc có một số địa danh đáng chú ý khác như: Suối Châng-kiê (Thanh Khê Xuyên), sông Hàn, chợ “Cửa Nam” (Namdaemun) và chợ “Cửa Đông” (Dongdaemun) tại Xơ-un; Công viên giải trí Everland và Làng văn hóa dân tộc tại Yông-in (cách Xơ-un khoảng 50 km), đảo du lịch Chê-chu (đây là tỉnh tự trị đặc biệt, du khách nước ngoài nhập cảnh không cần thị thực); thành phố biển Bu-san…    
III- CHÍNH TRỊ :
1. Thể chế nhà nước: Hiến pháp Hàn Quốc ban hành lần đầu tiên ngày 17/7/1948 quy định Hàn Quốc theo chế độ Cộng hoà, tam quyền phân lập. Quốc hội và Tổng thống do dân bầu trực tiếp, Thủ tướng và Chánh án Toà án tối cao do Tổng thống chỉ định và Quốc hội thông qua (trong vòng 20 ngày).
Sau khi thành lập, các tướng lĩnh quân sự lần lượt nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ngày 25/02/1993, lần đầu tiên nhân vật dân sự Kim Yêng Sam (Kim Young Sam) lên làm Tổng thống Hàn Quốc, bắt đầu thời kỳ chính phủ dân sự tại Hàn Quốc.
- Hành pháp: Tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp và chỉ được giữ một nhiệm kỳ 5 năm. Ngày 19/12/2007, ứng cử viên Đảng Đại Dân tộc (GNP) Li Miêng Bac đã đắc cử Tổng thống thứ 17 với tỉ lệ 48,7%, cao nhất trong lịch sử và chính thức nhậm chức ngày 25/2/2008. 
- Lập pháp: Quyền lập pháp thuộc về Quốc hội. Quốc hội Hàn Quốc chỉ có một viện, gồm 299 ghế. Nghị sỹ Quốc hội Hàn Quốc được bầu theo nguyên tắc bỏ phiếu phổ thông, có nhiệm kỳ 04 năm. Tháng 4/2008, Hàn Quốc đã tiến hành bầu Quốc hội khóa 17, Đảng Đại Dân tộc hiện là đảng cầm quyền.
- Tư pháp: Hàn Quốc thực hiện chế độ tư pháp ba cấp gồm Toà án Tối cao, ba toà Thượng thẩm và các Toà án Quận ở các thành phố lớn. Toà án Tối cao xem xét và thông qua những quyết định cuối cùng, các kháng cáo đối với quyết định của các Toà Thượng thẩm. Quyết định của Toà án Tối cao là cuối cùng.
2. Các đảng phái chính trị hiện nay:

Tên Đảng

Số ghế tại Quốc hội (15/5/2009)

Đảng cầm quyền Đại dân tộc

170 (57%)

Dân chủ

84 (28%)

Tân tiến và Sáng tạo

20

Dân chủ Lao động

5

Liên minh thân Pac Kưn Hê

5

Hàn Quốc sáng tạo

1

Tiến bộ tân đảng

1

Không đảng phái

10

 

Tổng số: 299

IV- KINH TẾ :
Mặc dù xuất phát từ nước nghèo tài nguyên, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nhưng qua hơn 1/4 thế kỷ, Hàn Quốc đã thực hiện thành công công nghiệp hoá, trở thành một nước công nghiệp phát triển mới (NICs) và được gọi là "Kỳ tích sông Hàn". Trong giai đoạn 1962-1992, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 9%. Năm 1996, Hàn Quốc là nước thứ hai ở Châu Á (sau Nhật Bản) gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Hàn Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới. Năm 2008, GDP bình quân đầu người đạt 20.000 USD, kim ngạch thương mại đạt trên 857 tỷ USD (xuất khẩu 422 tỷ USD và nhập khẩu trên 435 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2,5%. Dự trữ ngoại tệ tại thời điểm cuối tháng 5/2009 đạt 267,7 tỷ USD. Các ngành công nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc là: đóng tàu, luyện thép, điện tử, công nghệ thông tin, ô tô… Các đối tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc là Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản. Chính quyền hiện nay đặt mục tiêu kinh tế 7.4.7 ( tốc độ tăng trưởng 7%, GDP bình quân đầu người 40 nghìn USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới).

V- QUAN HỆ HÀN QUỐC VỚI VIỆT NAM :
1) Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao : 22/12/1992
2) Những mốc lớn của quá trình phát triển quan hệ
- Trong chiến tranh Việt Nam, Hàn Quốc đưa 3 vạn quân sang Việt Nam tham gia cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.
- Từ 1975-1982, Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu có quan hệ buôn bán tư nhân qua trung gian; từ 1983 bắt đầu có quan hệ buôn bán trực tiếp và một số quan hệ phi Chính phủ.
- Ngày 20/4/1992, ký thoả thuận trao đổi Văn phòng liên lạc giữa hai nước.
- Ngày 22/12/1992, ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ. Cùng ngày, Hàn Quốc khai trương Đại sứ quán tại Hà Nội.
- Tháng 3/1993, Việt Nam khai trương Đại sứ quán tại Xơ un.
- Tháng 11/1993, Hàn Quốc mở Tổng Lãnh sự quán tại Tp. Hồ Chí Minh.

3) Tình hình quan hệ từ sau khi lập quan hệ ngoại giao (1992) đến nay:
a, Về chính trị, hai nước duy trì thăm và gặp cấp cao hàng năm.
Lãnh đạo Hàn Quốc thăm Việt Nam có Thủ tướng Lee Young Dug (8/1994) , Chủ tịch Quốc hội Kim Soo Han (8/1996), Tổng thống Kim Young Sam (11/1996), Tổng thống Kim Tae Chung (12/1998, thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-6), Thủ tướng Lee Han Dong (08-11/4/2002), Chủ tịch Quốc hội Pac Kwan Yeong (30/9-04/10/2003), Tổng thống Nô Mu Hiên (10-12/10/2004), Thủ tướng Lee Hae Chan (19-21/4/2005), Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Won Ki (14-18/1/2006), Tổng thống Hàn Quốc Nô Mu Hiên dịp dự Hội nghị APEC-14 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Lim Che Châng (19-25/4/2008).

Lãnh đạo Việt Nam thăm Hàn Quốc có Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5/1993), Tổng Bí thư Đỗ Mười (4/1995), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (3/1998), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (8/2000), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (22-25/8/2001), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng (29/8-02/9/2002), Thủ tướng Phan Văn Khải (15-19/9/2003), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (6/2004), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (21-25/7/2004), Chủ tịch nước Trần Đức Lương dự Hội nghị APEC-13 tại Hàn Quốc tháng 11/2005, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (21-24/5/2007), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nông Đức Mạnh (14-16/11/2007), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (19-23/3/2008), Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang (12-16/5/08), Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (20-25/3/2009), UVBCT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức từ 28-31/5, dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc từ 31/5-02/6/2009.

Năm 2001, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Kim Te Chung đã nhất trí nâng cấp quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước lên mức “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”.

Ngày 21/02/2008, Tổng thống Hàn Quốc Nô Mu Hiên đã trao tặng Huân chương Quang Hoa hạng nhất (Grand Gwanghwa Medal), Huân chương cao quý của Chính phủ Hàn Quốc cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vì những đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc.

Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc 5/2009, Thủ tướng hai nước đã thỏa thuận sẽ nâng cấp quan hệ hai nước lên mức “Đối tác hợp tác chiến lược”, sẽ công bố vào dịp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thăm chính thức Việt Nam dự kiến vào Quý IV/2009.

Hàn Quốc ủng hộ đường lối mở cửa, cải cách của Việt Nam, hợp tác tích cực với Việt Nam trên trường quốc tế, ủng hộ ta gia nhập nhiều diễn đàn, tổ chức quốc tế (APEC, WTO, Ủy viên không thường trực HĐBA…). 

b, Về kinh tế, hiện nay Hàn Quốc đã trở thành trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Về đầu tư trực tiếp đứng thứ nhất (năm 2008), và thứ 4 về quy mô đầu tư (tính đến 2/2009 đạt 16,2 tỷ USD, gấp 60 lần so với năm 1992) với 2064 dự án, tạo ra khoảng hơn 500 trăm nghìn việc làm. Gần đây, cơ cấu đầu tư của Hàn Quốc chuyển dịch theo hướng chú trọng hơn đến lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp nặng (luyện thép, xây dựng, công nghệ thông tin); đã xuất hiện một số dự án quy mô lớn (Dự án xây dựng khu liên hợp luyện, cán thép của tập đoàn Posco, dự án khu đô thị mới Tây Hồ Tây của tổ hợp 5 công ty xây dựng Hàn Quốc, dự án khu đô thị Bắc An Khánh của liên doanh Posco - Vinaconex….v.v) 
Về thương mại: bạn hàng lớn thứ tư với kim ngạch song phương năm 2008 lần đầu tiên đạt 8,85 tỷ USD, tăng 34,4% so với năm 2007. Việt Nam xuất khẩu 1,78 tỷ USD (tăng 42,44% so với năm 2007, chủ yếu là nông lâm thủy sản, khoáng sản, thủ công mỹ nghệ và công nghiệp nhẹ), nhập khẩu 7 tỷ USD (tăng 32,48% so với năm 2007, chủ yếu là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp và gia công hàng xuất khẩu). Hàn Quốc là một trong 6 thị trường Việt Nam nhập siêu nhiều nhất (năm 2008 là 5,28 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng kim ngạch nhập siêu của Việt Nam). Hai nước đã thành lập Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-khoa học kỹ thuật.
Về viện trợ ODA, Việt Nam vẫn là một ưu tiên của Hàn Quốc. Năm 2006, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tăng lên mức 100 triệu USD/năm, viện trợ không hoàn lại 9,5 triệu USD/năm trong giai đoạn 2006-2009. Tại hội nghị CG 2007, Hàn Quốc cam kết tài trợ cho Việt Nam 286 triệu USD trong năm 2008 (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2007, trở thành quốc gia tài trợ ODA lớn thứ 2). Đầu tháng 8/2008, hai bên ký thỏa thuận khung về việc Hàn Quốc cung cấp 1 tỷ USD vốn vay ưu đãi EDCF trong giai đoạn 2008-2011. Với cam kết này, Hàn Quốc trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ hai tại Việt Nam (chỉ sau Pháp) và Việt Nam là nước nhận hỗ trợ phát triển nhiều nhất của Hàn Quốc. Tổng ODA từ 1993-2008:  471,4 triệu USD (trước 2006: 30 triệu; 2006-2008: 100 triệu USD); 2008-2011: 1 tỷ USD tức khoảng 250 triệu USD/năm; dự kiến 2009: 268,7 triệu USD. Viện trợ không hoàn lại tăng lên, từ 41 triệu lên 11,5 triệu USD (2006), 11,7 triệu USD (2007), và 17,5 triệu USD (2008).  
Hai bên đã ký nhiều hiệp định quan trọng như: Hiệp định hợp tác kinh tế-khoa học kỹ thuật (02/1993), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư-sửa đổi (9/2003), Hiệp định Hàng không, Hiệp định Thương mại (5/1993), Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (5/1994), Hiệp định Văn hoá (8/1994), Hiệp định Vận tải biển (4/1995), Hiệp định Hải quan (3/1995), Hiệp định về hợp tác du lịch (8/2002), Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ, Hiệp định hợp tác dẫn độ tội phạm (9/2003), Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (9/2003), Hiệp định về viện trợ không hoàn lại và hợp tác kỹ thuật (4/2005 và sửa đổi 5/ 2009), Hiệp định chuyển giao người đã bị kết án phạt tù (5/2009).
- Về lao động, hiện nay, Hàn Quốc đang là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ ba của Việt Nam. Khoảng 54.000 lao động ta đang làm việc tại Hàn Quốc. Ngày 25/5/2004, hai bên ký thoả thuận mới về đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc theo Luật cấp phép lao động (EPS) của Hàn Quốc.
- Về du lịch, những năm gần đây, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành 1 trong những thị trường cung cấp nguồn khách du lịch trọng điểm của Việt Nam: năm 2007 là 475.000 lượt; năm 2008 do khủng hỏang kinh tế nên con số này giảm xuống còn 450.000 lượt.
- Về văn hoá - giáo dục, hai nước đã ký Hiệp định văn hoá tháng 8/1994, Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch tháng 10/2008 cùng nhiều thoả thuận hợp tác giao lưu thanh niên và giáo dục khác. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn văn hóa-nghệ thuật, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, nghệ thuật, triển lãm, điện ảnh. Năm 2006, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Bộ Giáo Dục Việt Nam đã chọn Hàn Quốc làm đối tác chiến lược thông tin trong giáo dục – đào tạo.
Chính phủ, các trường đại học và các tổ chức của Hàn Quốc tài trợ nhiều dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục Việt Nam như dự án xây dựng trường tiểu học, trường dạy nghề ở miền Trung. Các quỹ học bổng như Korea Foundation, Samsung, Kumho... cung cấp nhiều suất học bổng để hỗ trợ các học sinh vượt khó tại Việt Nam, đào tạo nâng cao trình độ về ngôn ngữ và chuyên môn tại Hàn Quốc. Hiện có khoảng 5000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc.
- Các tổ chức hữu nghị, tháng 9/1994, Việt Nam thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc và hiện do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc làm Chủ tịch. Năm 2001, Hàn Quốc thành lập Hội Giao lưu Hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam và hiện do cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Pắc Nô Su làm Chủ tịch. Tháng 5/1993, Hàn Quốc thành lập Hội Nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam, hiện do ông Lee Byung-Suk làm Chủ tịch. Tháng 5/1995, Việt Nam thành lập Hội Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc do ông Ngô Anh Dũng làm Chủ tịch.

Tại Hàn Quốc hiện có hai dòng họ Lý của Việt Nam đang sinh sống là dong họ Lý Tinh Thiện và dòng họ Lý Hoa Sơn/.

 

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer