Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Tuesday, ngày 07 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Lao động Việt Nam làm việc hiệu quả ở Hàn Quốc

Seoul đang vào cuối thu, những chiếc lá phong trên hàng cây ven đường ngả sang mầu sẫm để mấy hôm nữa làm đỏ ối cả một khoảng trời. Ðã lâu mới trở lại, tôi thấy Seoul náo nhiệt hơn, hiện đại hơn. Kinh tế phục hồi và phát triển, TP Seoul nói riêng và Hàn Quốc nói chung đang rất cần lao động nước ngoài.

Mỗi tuần, đều đặn vào sáng thứ ba và thứ năm, cán bộ Ban quản lý lao động Việt Nam ở Seoul lại ra sân bay Incheon đón khoảng 300 lao động sang làm việc ở Hàn Quốc theo Luật cấp phép mới của bạn. Từ Incheon, các lao động Việt Nam được đưa đến một Trung tâm ở ngoại ô Seoul để lao động được phía bạn "tập huấn" vài ngày về phong cách sống và làm việc tại Hàn Quốc. Sau đó, chủ sử dụng lao động đến đón họ về nhà máy làm việc, bắt đầu cuộc mưu sinh ở xứ người.

Hơn 90% số lao động được kéo dài hợp đồng làm việc

Ông Lương Ðức Long, Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam ở Seoul cho biết: Luật việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) được QH Hàn Quốc thông qua tháng 8-2003, có hiệu lực từ 17-8-2004. Trước khi luật có hiệu lực, ngày 2-4-2004, Bộ trưởng LÐ-TB và XH Việt Nam và Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc đã ký Bản thỏa thuận về việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc ở Hàn Quốc theo Luật EPS.

Phải nói rằng, Việt Nam là quốc gia được phía Hàn Quốc ưu ái nhất trong số 15 quốc gia đang được Hàn Quốc nhận lao động. Sự ưu ái đó thể hiện ở chỗ, số lao động Việt Nam được nhận vào Hàn Quốc bao giờ cũng nhiều hơn một số nước khác; bên cạnh đó còn nhận lao động theo chương trình "thẻ vàng", nhận thuyền viên làm việc trên tàu đánh cá, duy trì chương trình "tu nghiệp sinh" (TNS) cho đến hết thời hạn của hợp đồng.

Tổng hợp các chương trình kể trên, Việt Nam đã đưa được hơn 64 nghìn lượt người vào Hàn Quốc. Trong đó, Chương trình EPS đạt gần 20 nghìn lao động. Thu nhập của lao động khá ổn định, bình quân đạt từ 950 USD đến 1.200 USD/tháng/người, một số lao động có thu nhập 1.500 USD/tháng, cá biệt có lao động đạt 2.000 hoặc hơn 2.000 USD/tháng. Hằng năm, TNS và lao động ta gửi về gia đình khoảng 450 triệu USD.

Không những thế, lao động Việt Nam rất được các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc ưa dùng bởi tính chịu khó, thông minh và khéo tay, hội nhập nhanh vào đời sống sinh hoạt và phong cách làm việc của người Hàn Quốc. Một tin mừng: Số lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc đợt đầu theo luật cấp phép mới (EPS) đã hết thời hạn hợp đồng, nhưng hơn 90% số lao động đều được các chủ sử dụng kéo dài hợp đồng, có thể đến năm năm, làm lao động ta yên tâm làm việc, không có ý định bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp.

Việc làm và thu nhập được bảo đảm

Chúng tôi về thành phố Oasan, tỉnh Kienkito, cách Seoul khoảng 150 km về phía đông, thăm nhà máy Hammex chuyên sản xuất khung nhà thép xây lắp các nhà xưởng sản xuất, chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, các nước châu Âu, và các nước phát triển. Nhà máy khá hiện đại, cần nhiều loại thợ, như thợ đột dập, thợ mạ, thợ hàn, thợ cơ khí... Lao động đến từ nhiều nước như Thái-lan, Mông Cổ, Indonesia, một số quốc gia thuộc Liên Xô trước đây.

Việt Nam có 87 lao động, đứng đầu trong số các quốc gia lao động làm việc ở nhà máy này. Ở đây, Việt Nam có cả lao động làm việc ở hình thức TNS, lao động EPS và lao động thuộc nghiệp đoàn xây dựng. Với ba hình thức lao động này, lao động ta vẫn đoàn kết, anh em giúp đỡ nhau tận tình, trong đó số lao động là TNS có kinh nghiệm và thạo nghề hơn cả, vì đã sắp hết thời hạn hợp đồng.

Anh Vương Ðức Mạnh (Quốc Oai, Hà Tây) đã 27 tuổi, làm thợ đột dập, làm việc theo chế độ TNS, cho biết: Tay nghề của lao động ta hơn hẳn công nhân các nước khác. Chính xác, đó là yêu cầu cao nhất của thợ đột dập. Ðiều này đã được chứng minh khi tôi vào phân xưởng xem thao tác "đột dập" vào khung nhà thép, nơi bắt các "bù-loong" kết nối khung nhà. Mạnh cho biết, thu nhập của anh đạt 1,2 triệu Won/tháng (khoảng 1.250 USD).

Anh Lê Hồng Việt (Thủy Nguyên, Hải Phòng) làm việc theo chế độ EPS mới sang được bốn tháng, đang làm thử việc, hồ hởi: Mặc dù đang thử việc, nhưng bọn em được hưởng 90% lương cơ bản, cũng được khoảng 700USD/tháng. Công việc thì tương đối nhiều, chỉ sợ không đủ sức để làm thêm. Việt tâm sự: Tháng sau, số mới sang như em được chuyển sang chế độ lao động chính thức, thu nhập sẽ đạt khoảng 1,4 triệu Won/tháng. Ðiều đó sẽ khuyến khích chúng em làm việc.

Anh Nguyễn Ðức Long (thị xã Sơn La) là lao động của Công ty IMS, đã làm việc ở đây tròn một năm, làm thợ "đọc chi tiết bản vẽ" làm khung nhà, cho biết: Vấn đề đối với chúng em ở đây, là đôi khi công việc quá nhiều, đòi hỏi phải hoàn thành để bàn giao sản phẩm đúng hạn cho khách hàng, cho nên có lúc làm việc hơi quá... sức. Còn việc làm, thu nhập và cuộc sống đều ổn. Thu nhập của em đạt 1,3 triệu Won một tháng, em cứ dồn thu nhập 2-3 tháng lại gửi về nhà một lần.

Trong một bữa ăn thân tình do lao động ta mời vào dịp cuối tuần ở gần thành phố Suwon, Nguyễn Quang, lao động đang làm việc tại một phân xưởng chuyên sản xuất dụng cụ gia đình, cho biết: Ðiều kiện lao động và sinh sống ở Hàn Quốc thật tuyệt vời. Chúng ta phải "điều chỉnh" mình, làm sao để các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc thích nhận lao động Việt Nam. Có thế, chúng ta mới tăng được số lao động Việt Nam sang làm việc ở Hàn Quốc. Kinh tế của họ rất phát triển, anh ạ. Chỗ nào cũng thấy mở doanh nghiệp, nhận lao động. Việc làm như thế, thu nhập khá như vậy, ai mà chẳng ham. 

Vẫn cần nâng cao chất lượng lao động  

Sự cạnh tranh giữa 15 quốc gia đang đưa lao động vào Hàn Quốc theo EPS đang rất gay gắt, đòi hỏi phía Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng lao động của mình. Ông Lương Ðức Long, cho biết: Mục tiêu của Việt Nam là mỗi năm đưa được từ 10 đến 15 nghìn lao động vào Hàn Quốc, mở rộng thị phần tại đây, tiến tới có thường xuyên 70 nghìn lao động làm việc tại quốc gia này. Vì thế, chất lượng lao động phải được bảo đảm từ sức khỏe, trình độ tiếng Hàn đến khả năng thích ứng, tay nghề và tính kỷ luật cao. Cần nhanh chóng hướng dẫn việc thực hiện Luật Xuất khẩu lao động, nhất là các chế tài xử phạt đối với lao động bỏ hợp đồng ra làm việc bất hợp pháp ở bên ngoài. 

Cộng hưởng của hai việc: Phía Hàn Quốc áp dụng chính sách ưu đãi kéo dài thời hạn làm việc theo hợp đồng từ 2-3 năm lên năm năm; phía Việt Nam xử phạt nghiêm minh theo Luật XKLÐ đối với lao động bỏ trốn, chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng lao động bỏ hợp đồng, từ đó nâng cao uy tín và chất lượng của lao động Việt Nam, điều kiện cơ bản để mở rộng thị phần, giữ vững và phát triển thị trường lao động Hàn Quốc, một thị trường có nhiều việc làm, đem lại thu nhập cao cho người lao động.(Nhân dân điện tử)

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer