Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông tin cơ bản về Cộng hòa Ấn Độ và quan hệ Việt Nam - Ấn Độ


KHÁI QUÁT CHUNG

 

1. Tên nư­ớc: Cộng hòa Ấn Độ (Republic of India)

2. Thủ đô: Niu Đê-li (New Delhi).

3. Quốc kỳ

Quốc kỳ Ấn Độ

4. Quốc khánh: 15/8/1947 (Ngày Độc lập),  ngoài ra còn kỷ niệm ngày 26/01/1950 (Ngày Cộng hoà).

5. Diện tích: gần 3,3 triệu km2.

6. Dân số: 1,38 tỷ người (IMF, tháng 4/2020).

7. Vị trí địa lý: Nằm tại Nam Á, phía Bắc giáp Trung Quốc, Nê-pan và Bu-tan; Đông Bắc giáp Mi-an-ma, Băng-la-đét; Tây Bắc giáp Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan; Tây, Đông và Nam là Ấn Độ Dương bao bọc. Ấn Độ có khoảng 15.200 km đường biên giới đất liền và 7.516 km bờ biển.

8. Đơn vị tiền tệ: Ru-pi Ấn Độ (Indian Rupee), 1 USD = 75,6 Rs (5/2020).

9. Thu nhập bình quân đầu người: 2.260 USD (IMF-10/2019).

10. Dân tộc: Người A-ri-an Ấn Độ (Indo-Aryan) chiếm 72%, người Đơ-ra-vi-đi-an (Dravidian) chiếm 25%, còn lại là người Mông-gô-lô-ít (Mongoloid) và các dân tộc khác chiếm 3%.

11. Tôn giáo: Có 6 tôn giáo chính: Ấn Độ giáo (còn gọi là đạo Hin-đu, chiếm 80,5% dân số), Hồi giáo (chiếm 13,4%), Thiên chúa giáo (chiếm 2,3% ), Đạo Xích (Sikh) (chiếm 1,9%), các tôn giáo khác chiếm khoảng 1,8%.

12. Ngôn ngữ: Tiếng Hin-đi (Hindi) là ngôn ngữ chính thức làm việc của Nhà nước liên bang, được sử dụng bởi 45% dân số. Tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp, được sử dụng rộng rãi. Ngoài ra còn sử dụng 15 ngôn ngữ và 844 thổ ngữ khác.

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Chính trị:

- Thể chế nhà nước: Nhà nước Ấn Độ được tổ chức theo hình thức liên bang và theo chế độ dân chủ đại nghị. Hiện nay Ấn Độ có 28 bang và 8 vùng lãnh thổ trực thuộc trung ương.

- Quốc hội liên bang có 543 ghế gồm 2 viện: Thượng viện (Rajya Sahba) và Hạ viện (Lok Sahba).

- Chính phủ Liên bang: Tổng thống, Phó Tổng thống và Chính phủ.

- Các đảng chính trị chủ yếu:

+ Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP): thành lập năm 1980, tại bầu cử Hạ viện lần thứ 17 (5/2019), Đảng này giành được 303 ghế, đứng ra thành lập Liên minh Dân chủ Quốc gia 353 ghế để lập Chính phủ.

+ Đảng Quốc đại: thành lập năm 1885, đã từng cầm quyền nhiều nhiệm kỳ trước đây, hiện chỉ giành được 52 ghế, đứng ra lập Liên minh Tiến bộ Thống nhất.

+ Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) thành lập năm 1925 và Đảng Cộng sản Ấn Độ (Mác-xít) - CPI (M) thành lập năm 1964 lần lượt chỉ giành được 2 và 3 ghế.

- Lãnh đạo hiện nay:

+ Tổng thống: Ông Ram Nát Cô-vin (Ram Nath Kovind) thuộc Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền, nhậm chức ngày 25/7/2017.

+ Thủ tướng: Ông Na-ren-đờ-ra Mô-đi (Narendra Modi) thuộc Đảng BJP, từ tháng 5/2014;

+ Chủ tịch Quốc hội: Ông Ôm Biếc-la (Om Birla) thuộc Đảng BJP, nhậm chức tháng 6/2019;

+ Bộ trưởng Ngoại giao: Ông Su-bờ-ra-ma-ni-am Giai-san-ca (Subrahmanyam Jaishankar) thuộc Đảng BJP, từ tháng 5/2019.

- Chính sách đối ngoại:

+ Ấn Độ chủ trương xây dựng phát triển đất nước theo con đường độc lập dân tộc và tự lực tự cường, thi hành chính sách đối ngoại hoà bình, không liên kết, hữu nghị với các nước. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã và đang điều chỉnh chiến lược đối ngoại một cách toàn diện, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược là đảm bảo hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển, tăng cường thực lực đồng thời mở rộng không gian chiến lược nhằm tạo dựng ảnh hưởng tương xứng với vị thế của cường quốc khu vực và toàn cầu. Đến nay Ấn Độ đã thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Đức, EU. 

+ Một trọng tâm khác trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là củng cố, tăng cường quan hệ với các nước châu Á, nhất là các nước láng giềng. Với các nước Đông Á (bao gồm cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á), Ấn Độ triển khai chính sách “Hướng Đông” không ngừng tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, trong đó chọn ASEAN là một trụ cột quan trọng.

quan HỆ VIỆT NAM - ẤN ĐỘ

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao  với Việt Nam: 07/01/1972.

2. Khuôn khổ quan hệ: Đối tác Chiến lược Toàn diện (từ tháng 9/2016)

3. Các mốc chính trong quan hệ:

- Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1954 khi Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội.

- Năm 1956, Việt Nam lập Tổng lãnh sự quán tại Niu Đê-li.

- Ngày 07/01/1972, hai nước nâng quan hệ lên cấp Đại sứ.

- Năm 2003, hai nước ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ bước vào thế kỷ 21.

- Ngày 05/7/2007, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

- Ngày 03/9/2016, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Mô-đi, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

4. Quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể:

- Hai nước đã có nhiều chuyến thăm cấp cao. Thời gian gần đây, phía Ấn Độ thăm ta có: Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukhejee (9/2014), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (9/2016), Tổng thống Ram Nath Kovind (11/2018), Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu (5/2019). Phía Việt Nam thăm Ấn Độ gần đây có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11/2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (10/2014), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 12/2016), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 7/2017), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ (tháng 01/2018), và Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước (tháng 3/2018), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (tháng 2/2020).

- Các cơ chế hợp tác song phương: Cơ chế Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Ấn Độ về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và khoa học, kỹ thuật (gọi tắt là Ủy ban Hỗn hợp), họp luân phiên 2 năm một lần, do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đồng chủ trì, kỳ họp thứ 16 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 27 - 28/8/2018. Hai bên đã tiến hành Tham khảo chính trị lần 10 và Đối thoại chiến lược lần 7 tại New Delhi từ 08-10/4/2018. Hai bên cũng đã tổ chức họp cơ chế Đối thoại An ninh biển lần thứ nhất (3/2019). Kỳ họp thứ 4 Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ diễn ra tại Hà Nội từ 22 - 23/1/2019. Hợp tác giữa các cơ quan Đảng hai nước được thúc đẩy thông qua trao đổi đoàn lãnh đạo theo Chương trình Khách quý.

- Hợp tác an ninh, quốc phòng tiếp tục phát triển tốt và hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng và chiến lược. Các tàu Hải quân và Cảnh sát biển Ấn Độ thường xuyên thăm Việt Nam.

- Về kinh tế, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Năm 2019, kim ngạch đạt khoảng 11,21 tỷ USD (Việt Nam nhập hơn 4,53 tỷ USD và xuất hơn 6,73 tỷ USD), tăng gần 5% so với năm 2018 (10,68 tỷ USD). Trong 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại đạt hơn 3,31 tỷ USD, trong đó ta xuất 1,79 tỷ USD và nhập 1,52 tỷ USD.

Tính đến hết tháng 5/2020, tổng vốn đầu tư của Ấn Độ là 877,24 triệu USD, đứng thứ 26/136 quốc gia và vùng lãnh thổ với 276 dự án. Việt Nam hiện có 08 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đăng ký gần 6,16 triệu USD. Hai nước đều là thành viên của Hiệp định đầu tư ASEAN - Ấn Độ và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ.

- Về hợp tác phát triển, đào tạo, Ấn Độ tiếp tục cung cấp cho ta các gói hỗ trợ phát triển không hoàn lại (ODA) và các khoản tín dụng ưu đãi trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế, luật, tiếng Anh… thông qua 150 suất học bổng ngắn hạn và dài hạn, 30 suất học bổng theo Chương trình CEP/GCSS và một số học bổng đào tạo tiếng Hindi và văn hóa Ấn Độ (2-4 suất/năm).

- Trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, tháng 10/2014, hai bên ký Chương trình giao lưu văn hóa giai đoạn 2015 - 2017. Hợp tác văn hóa - giáo dục có thêm cơ sở phát triển lâu dài với việc thành lập Trung tâm Văn hóa Ấn Độ và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Hà Nội (2016) và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi (3/2018). Hai nước đã mở các đường bay thẳng trực tiếp lần lượt từ Ấn Độ (10/2019) và Việt Nam (12/2019).

- Về nông nghiệp, hai bên đã ký gia hạn Kế hoạch Hành động về Hợp tác Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thú y và thỏa thuận về hợp tác xây dựng trang trại cá tra.

- Trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) và Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu (PVEP) đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong các dự án thăm dò dầu khí ở các nước thứ 3.

- Về khoa học - công nghệ, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Trung tâm đối tác năng lượng hạt nhân toàn cầu Ấn Độ (3/2018), Thỏa thuận thực hiện Dự án “Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh” (01/2018).

- Các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước diễn ra thường xuyên. Hai nước đã tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 10 (8/2019). Ấn Độ đã hỗ trợ trao tặng, lắp chân giả Jaipur cho hơn 500 người khuyết tật ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc (2018), Quảng Ninh, Yên Bái (2019).

- Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Hai bên ủng hộ lẫn nhau vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ECOSOC, Hội đồng Nhân quyền; Việt Nam ủng hộ Ấn Độ là Ủy viên thường trực khi HĐBA mở rộng … Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thực hiện Chính sách “Hành động hướng Đông”, các sáng kiến kết nối khu vực, hỗ trợ phát triển Tiểu vùng CLMV, Sông Hằng - Sông Mê Kông (MGC).

Tháng 6/2020

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer